Việc áp dụng một quy định mới mà chưa có thử nghiệm tất yếu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Cuối năm 2014 ngành giáo dục và đào tạo có quy định (Thông tư 30) không chấm điểm đối với học sinh cấp tiểu học, thay vào đó là bằng lời nhận xét.
Khi triển khai và áp dụng hình thức này vào trường học, nhiều giáo viên kêu khó, khổ và ngại, công việc của thầy, cô lại chồng chất sổ sách. Trước hết cần phải khẳng định, để đánh giá đúng trình độ học sinh, khuyến khích, thúc đẩy tinh thần tự học của các em, đây là một quy định đúng đắn.
Tuy nhiên, qua một học kỳ áp dụng Thông tư 30, những ý kiến đồng thuận có, trái chiều có, và nhiều ý kiến chỉ ra rằng do cách thực thực hiện chưa ăn khớp các khâu.
Có sáng kiến cho thầy, cô nhàn hơn, nhưng…
Một học kỳ thực hiện bỏ chấm điểm tiểu học, vẫn còn nhiều câu chuyện phải nói, phải bàn ra đây. Đã có một số những hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT, nhưng các thầy, cô vẫn không thể giải tỏa hết những vướng mắc.
Cô giáo Phạm Thị Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết, trước khi có Thông tư 30 thì trường đã có thí điểm không chấm điểm cho học sinh lớp 1 từ năm học trước. Việc thử nghiệm này cũng chưa thể hiện hết những cái được và chưa được khi bỏ chấm điểm học sinh.
Các loại sổ sách mà giáo viên thực hiện khi áp dụng Thông tư 30. Ảnh Infornet |
Cô Yến cũng nhận định, nếu bỏ chấm điểm sẽ giảm áp lực cho học sinh và cha mẹ, không còn áp lực về điểm số, đại bộ phận học sinh đi học rất hồn nhiên, vui vẻ. Nhưng cô Yến cái gì theo cũng có hai mặt, bên cạnh không chấm điểm cái được là như vậy, nhưng nếu cha mẹ không theo sát con sẽ không biết con mình đang học tới mức độ nào.
“Nếu như cha mẹ không theo sát, không có mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường thì sẽ có một bộ phận chủ quan, lơ là việc học vì không chấm điểm. Cái gì mới cũng sẽ vấp phải mặt này, mặt khác, không có cái gì hoàn hảo cả. Chúng ta phải nhìn cái được và cái hạn chế” cô Yến cho biết.
Cô giáo vùng cao vượt qua 5.000 giáo viên, đạt giải Nữ giáo viên sáng tạo
(GDVN) - Đó là cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã từng bước vượt qua khó khăn để đến với nghề nhà giáo và liên tục đạt nhiều giải thưởng do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Bên cạnh đó, cô Yến cũng chia sẻ và thông cảm với những thầy, cô trong trường của mình là từ khi áp dụng Thông tư 30 bỏ chấm điểm thì người thầy phải ghi chép rất nhiều. Nếu trước đây chỉ chấm điểm cho một bài là xong thì nay phải tiến hành nhận xét, đây là công việc của giáo viên văn hóa, giáo viên chủ nhiệm. Còn vất vả hơn là giáo viên bộ môn.
Cô Phạm Thị Yến cũng cho biết, trường có 21 lớp tin học, trong khi biên chế chỉ có 1 giáo viên, mỗi lớp trung bình 50 học sinh, và hàng ngày cô giáo phải nhận xét rất nhiều, bên cạnh đó còn có nhiều loại sổ song hành cùng cô.
“21 lớp và 50 học sinh/lớp thì hình dung công việc của cô giáo như thế nào, mỗi tháng phải nhận xét như thế nào từ phẩm chất, kỹ năng, năng lực… Chúng tôi vẫn kiến nghị với Bộ GD&ĐT cần phải cải tiến lại hệ thống sổ sách” cô Yến cho hay.
Sáng kiến từ Trường tiểu học Thành Công B, để giảm áp lực sổ sách cho giáo viên thì các loại sổ được mã hóa. Tuy nhiên, việc mã hóa rất kỳ công. Ví dụ đối với môn Mỹ thuật, tháng này yêu cầu học sinh phải đạt được những thứ gì thì giáo viên tích vào khung quy định, sau đó cộng các dấu tích vào thành nhận xét.
Tuy nhiên, có điều ngược là khi ở trường giáo viên áp dụng việc mã hóa này rất đơn giản và giảm áp lực cho giáo viên thì khi tổng kết, báo cáo cấp trên lại phải quy ra bằng lời nhận xét, như vậy rất vất vả.
Bộ Giáo dục cần có giải pháp tốt hơn
Trao đổi với chúng tôi những gì được và chưa được trong Thông tư 30 sau một học kỳ áp dụng, thầy Nguyễn Văn Hồng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) chia sẻ, cảm giác sau khi thực hiện học sinh cố gắng vươn lên trong học tập. Đối với Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, do số lượng học sinh ít nên các môn học giáo viên đều phải khuyến khích, động viên, cổ vũ học sinh cố gắng học tốt.
Thực trạng chung khi áp dụng Thông tư 30 là số lượng sổ sách giáo viên tăng lên đáng kể. Trước đây, cả lớp chỉ có một quyển sổ kiểm tra đánh giá chất lượng của học sinh, thì bây giờ cũng là lớp học ấy, không gọi là sổ kiểm tra đánh giá học sinh mà gọi là sổ theo dõi chất lượng giáo dục.
Sổ theo dõi chất lượng giáo dục này giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tùy vào trường phân công dạy mà có số lượng sổ khác nhau. Với nhiều quyển sổ hơn trước như thế, mỗi khi Ban giám hiệu kiểm tra cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Đối với giáo viên mất nhiều thời gian, và chuyện các thầy,cô “kêu” là đúng.
Một Phó hiệu trưởng chân tình góp ý cùng đổi mới giáo dục
(GDVN) - Đổi mới chương trình, SGK sắp tới, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc một cách chặt chẽ, để hoạt động mới thật sự an tâm trong giáo viên, thật sự hấp dẫn học sinh.
“Trường tôi số học sinh các lớp ít nên việc ghi chép của giáo viên cũng thuận lợi hơn, nhưng đối với các trường như ở Kim Liên, Đống Đa mà có 30 lớp, 3600 học sinh, thì người giáo viên ghi chép rất vất vả, mất rất nhiều thời gian.
Theo đánh giá của thầy Hồng, các học sinh từ yếu kém đến khá giỏi đều tích cực học tập vì được nhận xét, khuyến khích bằng lời.
Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên cũng chia sẻ, trong văn bản gửi cho các trường của Bộ GD&ĐT có nêu, nếu đánh giá thường xuyên các môn học có kiểm tra định kỳ, cuối kỳ và cuối năm, giữa đánh giá thường xuyên là đánh giá đạt được các kỹ năng, nhưng khi kiểm tra cuối kì hoặc cuối năm điểm học sinh kém khoảng 3-4 điểm thì giáo viên phải xem lại cách đánh giá hàng tuần, hàng tháng.
“Tất cả các môn học có đánh giá định kỳ cuối kỳ và cuối năm phải đạt từ 5 điểm trở lên, những môn như Mỹ thuật, Thể dục, Thể công (lớp 1) mà không đánh giá bằng điểm, thì học sinh phải đạt mức là hoàn thành, nếu không hoàn thành kiến thức kỹ năng của môn học thì cũng không được lên lớp.
Đánh giá về sự hình thành phát triển năng lực phẩm chất của học sinh các em cũng phải đạt, nếu không đạt không thể lên lớp. Nói chung các em phải cố gắng nhiều, chứ không phải cách đánh giá mới này tạo cho học trò lười học” thầy Hồng cho hay.
Theo thầy Hồng, việc các trường áp dụng Thông tư 30 còn nhiều vấn đề bổ sung, tuy nhiên cũng có tiến bộ hơn Thông tư 32. Với Thông tư 30 các thầy cô cần có trách nhiệm hơn, tích cực hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn so với Thông tư 32.
“Nếu thực hiện tốt thì Thông tư 30 sẽ hiệu quả hơn Thông tư 32, học sinh sẽ đồng đều hơn, có thể trong lớp những học sinh yếu kém, thấy tự ti thì giờ có được sự khuyến khích, động viên trong học tập hơn. Tuy nhiên, sắp tới Bộ Giáo dục cần có những giải pháp mới để thông tư này được thực hiện tốt hơn” thầy Hồng tin tưởng.