Bốn lí do “không công bằng” của Kỳ thi quốc gia

12/07/2015 07:57
Phương Thảo
(GDVN) - Sau khi đăng tải các ý kiến từ các chuyên gia giáo dục, toàn soạn nhận được nhiều quan điểm từ độc giả là người dân, nhà giáo và phụ huynh.

Ủng hộ thi đánh giá năng lực

Các ý kiến, quan điểm của độc giả bày tỏ sau Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua rất khác nhau. Đồng ý có, phản đối có và chia sẻ có. Nhưng các ý kiến đều đánh giá cao phương thức thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Độc giả tên Dũng chứng kiến những đổi mới của ngành giáo dục vừa qua cho rằng, một nền giáo dục không dám nhìn thẳng vào sự thật thì không thể phát triển được. 

Theo độc giả này, có quá nhiều sự thật không được đề cập đến. “Cứ hỏi học sinh, giáo viên coi thi ở các cụm thi không đăng ký vào đại học xem, sự thật là gì?. Tôi ủng hộ phương án thi của Đại học Quốc gia Hà Nội để giảm dạy thêm, học thêm và đánh giá khách quan. Đừng học và thi những cái không mang lại gì cho quốc gia” độc giả này thẳng thắn.

Đồng ý với ý kiến của độc giả tên Dũng, gửi phản hồi về tòa soạn, độc giả tên Trường cho rằng, chúng ta học toàn những kiến thức hàn lâm rồi để chẳng để làm gì. 

Trong khi bao nhiêu cái cần mới, cần sáng tạo và nhất là cần được định hướng và khơi dậy nuôi dưỡng niềm đam mê từ nhỏ cho học sinh thì không được chú trọng đến.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

“Học sinh của chúng ta yếu nhất là ý thức tôn trọng pháp luật, khả năng phối hợp, sự sáng tạo, năng lực phản biện. Chỉ được dập khuôn máy móc và tự cao tự đại với mấy kiến thức hàn lâm đã cũ” độc giả này cho biết.

Đồng quan điểm, độc giả Trần Hinh cho rằng, việc thi đánh giá năng lực như Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua là phù hợp. 

“Khoan hãy bàn tới cái hay, cái dở của Kỳ thi đánh giá năng lực vừa qua, chỉ cần biết việc chấm thi bằng máy là đủ thấy ở đó có sự khách quan, chính xác, công bằng. Đó là điều quan trọng nhất của một kỳ thi quốc gia. Còn việc chấm thi với nhiều giáo viên, nhiều địa phương khác nhau như của Bộ GD&ĐT, tôi không tin lắm ở đó có sự công bằng, cốt lõi là ở đó” độc giả Hinh cho hay.

Kỳ thi giao về cho địa phương

Độc giả Nguyễn Thị Nguyệt có con dự thi Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho rằng, khâu ra đề thi năm nay cần xem xét lại, đề thi có nhiều câu dễ, thậm chí quá dễ, trong khi câu khó thì quá khó, dẫn đến điểm sàn nhau là nhiều, không phân loại được học sinh.

“Các em học sinh trung bình và khá không có khả năng phân loại, được đánh đồng như nhau. Như vậy, các trường đại học khó tuyển học sinh đúng năng lực. Nói là giảm chi phí cũng không đúng vì thời gian thi dài sẽ tốn kém hơn” vị phụ huynh này khẳng định.

Bốn lí do “không công bằng” của Kỳ thi quốc gia ảnh 2

Thi quốc gia là đã có đổi mới, nhưng hiệu quả xã hội thì còn phải chờ

(GDVN) - NHận xét này của một thầy giáo, cũng có con mới thi quốc gia. Theo ông, kỳ vọng đổi mới của ngành giáo dục thì đã thấy, nhưng hiệu quả thì cần phải chờ.

Một độc giả khác chỉ rõ những điểm không công bằng từ Kỳ thi THPT quốc gia này. Theo đó, kỳ thi này tốn kém hơn vì.

Thứ nhất, số lượng học sinh thi đại học nhiều (vì chưa được sàng lọc bởi kỳ thi tốt nghiệp), lại tập trung ở một số cụm thi nên giá cả đắt đỏ.

Thứ hai, thời gian thi kéo dài hơn (trước đây chỉ 4 ngày cả đi và về, nay ít nhất là 5 ngày, hoặc 6 ngày ) còn kỳ thi tốt nghiệp trước đây tốn kém không đáng kể vì thi tại địa phương, ăn, ngủ tại nhà.

Thứ ba, kỳ thi này không đánh giá chính xác chất lượng học sinh do đề chưa phù hợp.

Thứ tư, có sự không công bằng giữa hai cụm thi.

Độc giả Hồng Thơm cho rằng, việc tốt nghiệp nên giao cho các sơ tổ chức như thi học kỳ kết hợp với điểm rèn luyện cả ba năm, còn kỳ thi đại học giữ nguyên như trước vì đang làm rất nghiêm. Kết quả thi tốt nghiệp sẽ gần tuyệt đối trừ những trường hợp vi phạm.

Nhìn nhận ở góc độ khác, độc giả Quang Vinh cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, tránh được thí sinh phải thi hai lần, vừa tốn kém cho gia đình, tốn kém cho xã hội.

“Lần đầu tiên nên có sự căng thẳng, điều chỉnh cũng là đương nhiên. Theo tôi nghĩ, bài thi đã phân biệt đâu là để lấy điểm tốt nghiệp, đâu là lấy điểm vào đại học, các trường Đại học căn cứ vào điểm trong phần dự thì vào Đại học để tuyển”độc giả này cho biết.

Hiến kế một đề xuất cho kỳ thi năm tới, độc giả Hoàng Hoa Đình cho biết, năm 2016 nên thi tốt nghiệp tại các tỉnh, thành. 

Sau đó kấy tổng điểm tốt nghiệp của học sinh từ cao xuống thấp và chỉ lấy 50% học sinh tốt nghiệp của từng tỉnh, thành được thi đại học, số còn lại đi học nghề.

Ví dụ Hà Nội có 78.000 học sinh tốt nghiệp thì 39.000 học sinh được thi đại học, Hà Giang có 6.000 học sinh tốt nghiệp thì có 3.000 học sinh được thi đại học ( phù hợp chính sách đào tạo nhân lực cho địa phương).

Nhiều năm qua, sau khi chấm thi đại học, nhiều trường có tới 30% thí sinh đạt 0 điểm cả 3 môn thi, 30% học sinh không biết gì cũng đi thi đại học, nên loại số này không thi đại học.

Các trường đại học lấy từ điểm cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu, thí sinh không đỗ đại học, dùng giấy báo điểm xin học cao đẳng, không tổ chức thi cao đẳng. Thi theo phương án này, năm 2016 tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng tiền của phụ huynh và ngân sách” theo gợi ý của độc Đình.

Phương Thảo