Chủ tịch Quốc hội: Thực nghiệm gì mà mấy chục năm, học sinh khổ quá

12/09/2018 10:29
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sách giáo khoa, thực nghiệm, thí điểm trong giáo dục được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 12/9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Thường trực Ủy ban cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng và hạn chế.

Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cứ tri và dư luận xã hội.

Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị, cần bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân.

Trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chính phủ không có chủ trương cải cách tiếng Việt

Cũng liên quan đến vấn đề thực nghiệm, thí điểm trong giáo dục, nhiều đại biểu đã cho ý kiến rất cụ thể.

Đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi, thí điểm thì có thành công và thất bại nhưng quả thực có nhiều thí điểm đã gây ý kiến trái chiều.

Nhất là thí điểm trong cải cách tiếng Việt và một số thí điểm khác. Quan điểm Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vấn đề này ra sao?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định:

“Giáo dục được cả xã hội quan tâm, phần nhiều khi có 1 sự kiện giáo dục thì cộng đồng rất quan tâm, góp ý.

Đây là điều rất tốt và rất may. Gần đây có rộ lên câu chuyện liên quan tới tài liệu học tập, dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học .

Năm trước là câu chuyện công trình nghiên cứu của một nhà khoa học tên là Bùi Hiền. Ngay lúc đó, tôi đã nói Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt.

Việc tranh luận, đôi co về tài liệu học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức.

Chủ tịch Quốc hội: Thực nghiệm gì mà mấy chục năm, học sinh khổ quá ảnh 2

Về lợi ích nhóm đằng sau tranh luận xung quanh Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt”.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm, trong giáo dục, dù đã tốt, không phải quốc tế nhận xét tốt mà mình không đổi mới. 

“Bàn về giáo dục phải rất thận trọng nhưng không thể không tiếp tục đổi mới. Đã có đổi mới thì phải có thử nghiệm và thực nghiệm.

Tôi khẳng định lại Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Ít nhất trong giai đoạn một số năm tới chưa có”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn với Điều 29 trong dự thảo Luật có ghi “Mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”.

Ông cho biết: “Thời kỳ tôi đi học, sách phổ thông mười năm vẫn sử dụng được.

Mang đi Hà Nội hay lên miền núi vẫn học tập được. Việc mỗi trường một sách giáo khoa sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội. Xét về góc độ kinh tế học là không hợp lý, chưa kể không chính quy.

Chúng ta có đánh giá tác động về ngân sách Nhà nước nhưng còn tác động mà xã hội phải bỏ ra là bao nhiêu? Tôi đề nghị phải làm rõ”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: Quochoi.vn)

Mỗi năm phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng cho sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng băn khoăn về Điều 29 quy định về sách giáo khoa.

Một chương trình nhiều sách giáo khoa, đại biểu đề nghị cân nhắc rất kỹ.

Hiện nay cử tri hết sức bức xúc về sách giáo khoa sử dụng một lần. Đại biểu Quốc hội đã nói nhiều lần.

Theo tìm hiểu của đại biểu Nguyễn Thanh Hải, tổng doanh thu của Nhà xuất bản giáo dục năm 2017 là 1.203 tỷ đồng.

Theo thống kê, số lượng sách giáo khoa xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục năm 2016 chiếm hơn 50,4% toàn ngành xuất bản.

Năm 2018 -2019,  Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa.

Mỗi năm phụ huynh phải chi 1.000 tỷ đồng cho sách giáo khoa. Với mỗi mục đích, trong phần sách giáo khoa có ghi giải bài tập lên đó. 

Sửa đổi Luật Giáo dục sửa đổi mà lại cho mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa thì không rõ sẽ như thế nào.

Về chương trình thí điểm, thực nghiệm sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, đại biểu Nguyễn Thanh Hải không đề cập về chuyên môn.

Tuy nhiên, khi thực nghiệm tiến hành đại trà thì phải tuân theo luật.

Theo bà, Điều 100 của Luật Giáo dục có nội dung ghi: "Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học".

Chủ tịch Quốc hội: Thực nghiệm gì mà mấy chục năm, học sinh khổ quá ảnh 4

Thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi từ tiền bán sách công nghệ giáo dục?

"Luật hiện hành còn nguyên giá trị nhưng tôi đọc thông tin trên báo chí có nói như Hà Tĩnh dùng cho 100% học sinh sử dụng sách tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục tức là đại trà rồi", đại biểu Hải nói.

Thêm vào đó, đại biểu chia sẻ, nhiều cử tri có phản ánh, nhiều bài văn, bài thơ trong sách có quan điểm giáo dục khác lạ.

"Chiều qua, tôi đi 2 tiếng tại các hiệu sách ở Hà Nội nhưng không mua được. Việc cung cấp sách này có độc quyền không?", đại biểu đặt câu hỏi.

Luật cho cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa ổn định trong giảng dạy, bà đề nghị bổ sung quyền cha mẹ, người học.

Họ phải được biết chương trình dạy cho con em mình, chương trình đó phải công khai và có quyền không tham gia các chương trình thực nghiệm.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giờ trẻ không có hè, không có tuổi thơ. Phải đổi mới căn bản toàn diện nhưng sau khi đổi mới phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn.

“Thực nghiệm gì mấy chục năm mà vẫn thực nghiệm. Học sinh khổ quá. Giáo dục bây giờ rất khó, đặt ra quá nhiều thứ cao siêu, hàn lâm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch cho rằng, thực nghiệm đổi mới nhiều quá không biết kinh nghiệm ở đâu nhưng khổ học sinh quá.

Trẻ bây giờ học gì không rõ nhưng hỏi lịch sử không biết. Học thêm, dạy thêm quá nhiều. Nghỉ hè nhưng đủ thứ học.

"Tỉnh Quảng Nam thì có sách vở riêng cho Quảng Nam. Tỉnh nào có riêng tỉnh đó, nền giáo dục đó là không được", Chủ tịch nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật này qua 3 kỳ họp là hợp lý. Quá nhiều vấn đề trong Luật cần phải bàn thảo rất kỹ.

Đỗ Thơm