Chúng ta chỉ có toàn học sinh khá giỏi, giáo dục đã cất cánh rồi chăng?

11/11/2016 06:35
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - “Giáo viên đánh giá công tâm cũng khó, vì thương hiệu nhiều trường đã áp đặt việc cho điểm học sinh, sinh viên và không ít người đã "nhắm mắt đưa chân".

LTS: Căn bệnh thành tích trong giáo dục đang trở thành một mối nguy hại cho sự nghiệp trồng người.

Những câu chuyện ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 không biết đọc, biết viết vì thành tích của các nhà trường giờ trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.

Chưa kể, bệnh thành tích đang biến kết quả học tập của những người bình thường bỗng trở thành phi thường.

Bài viết dưới đây của nhà giáo Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi nói lên vấn đề này ở nhà trường.

“Trăm hoa đua thành tích”

Nhiều năm nay, ở bậc học Tiểu học, vào cuối năm học, gần như có đến 90% học sinh được nhận phần thưởng, giấy khen vì thành tích học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc về các mặt.

Tình trạng thổi phồng điểm số tổng kết cho học sinh, sinh viên đã trở nên phổ biến (Giáo dục.net.vn).
Tình trạng thổi phồng điểm số tổng kết cho học sinh, sinh viên đã trở nên phổ biến (Giáo dục.net.vn).

Đến bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông so với thời trước đây thì mấy năm nay, tỉ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi đã có sự gia tăng rất đáng kể, từ 30 - 40% trở lên, năm sau thường cao hơn năm trước.

Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương.

Đến bậc Đại học, Cao đẳng hiện nay, kết quả sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi cũng không hề kém cạnh.

Nhiều trường đại học đưa ra những số liệu thống kê, nhìn vào đó, chúng ta thấy choáng về thành tích cao ngất ngưởng của sinh viên.

Niên khóa 2007 - 2011 của Đại học Sư phạm (trực thuộc Đại học Đà Nẵng) có 4,22% sinh viên xếp loại trung bình; kết quả tốt nghiệp của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) chỉ có 4,8% sinh viên xếp loại trung bình.

Tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khóa 2006 - 2011  sinh viên tốt nghiệp với tỉ lệ đạt loại khá trở lên chiếm 82%.

Tại Trường Đại học Duy Tân, số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2011, nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 94,5% (1.346 sinh viên).

Đáng nể hơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) số sinh viên xuất sắc, khác giỏi có tỉ lệ lên đến 98,6%.

Cụ thể, trong 986 sinh viên có 9 sinh viên đạt loại xuất sắc, 236 sinh viên đạt loại giỏi (23,11%), 771 sinh viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 75,5%) và số sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ ở mức 0,7% (8 sinh viên).

Chúng ta chỉ có toàn học sinh khá giỏi, giáo dục đã cất cánh rồi chăng? ảnh 2

Có nên “thương” học trò như thế?

Việc số học sinh, sinh viên đạt loại khá giỏi tăng có phần nguyên nhân từ điều kiện dạy và học bây giờ tốt hơn, các bậc phụ huynh quan tâm, quản lý con cái kỹ hơn….

Tuy nhiên, việc tăng một cách “chóng mặt” như vậy đem lại nhiều hoài nghi về chất lượng đầu ra của học sinh, sinh viên hiện nay.  

Qua trao đổi về hiện tượng này, nhiều phụ huynh, thầy cô giáo lại tỏ ra nghi ngờ về độ tin cậy, chính xác trong cách đánh giá, cho điểm học sinh, sinh viên của nhà trường, thầy cô giáo hiện nay.

Phụ huynh Trần Cao Phi, ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Nhà tôi đông anh, chị em. Hiện tôi có tới mười đứa cháu đang học phổ thông, học đại học, mức độ học tập bình thường, thậm chí có đứa ở nhà khá chây lười nhưng kết quả lên lớp, tốt nghiệp Đại học đều toàn khá, giỏi.

Thời chúng tôi học phổ thông, học đại học vào những năm 90, có lẽ do thầy cô giáo đánh giá chặt chẽ nên một lớp số học sinh tiên tiến, sinh viên khá, giỏi tốt nghiệp chỉ có mấy em, rất khác với thực tế hiện nay.

Từ đây, tôi cảm thấy căn bệnh thành tích, chạy đua theo điểm số, kết quả đẹp…của ngành giáo dục đang phổ biến, lan rộng và đáng báo động. Mặc dù, không ít lần ngành này từng hô hào, phát động phong trào “nói không  với căn bệnh thành tích trong thi cử và học tập” nhưng xem ra càng chống càng phát triển.” 

Điểm càng cao tỉ lệ thuận với uy tín nhà trường?

Cũng liên quan đến vấn đề này, cô giáo N.T.T.N (xin được giấu tên), giảng viên tại một trường đại học ở miền Trung trần tình:

“Qua kinh nghiệm giảng dạy của tôi, nếu đánh giá thực chất thì tỉ lệ sinh viên giỏi thật ở các trường Đại học là rất ít, số sinh viên khá cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn, vì sức học thực của sinh viên đạt loại trung bình khá và trung bình luôn chiếm đa số.

Vậy tại sao lại có kết quả học sinh khá giỏi lớn như vậy?, tôi cho rằng đó là nằm vào sự “ du di”, “thỏa hiệp”, “ thương tình” của các giảng viên. Các giảng viên giờ cho điểm chẳng khác nào “khuyến mãi” điểm cho sinh viên.

Mặt khác, thầy cô đại học bây giờ muốn đánh giá cho công tâm, chính xác cũng khó xử lắm.

Bởi trước khi hợp đồng giảng dạy, nhân viên nhà trường luôn dặn dò phải thế này, thế kia về điểm số, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh rớt sinh viên.

Chúng ta chỉ có toàn học sinh khá giỏi, giáo dục đã cất cánh rồi chăng? ảnh 3

Đâu phải do nhà trường, là chỉ tiêu cấp trên ép xuống!

Do đó, sinh viên chỉ bị điểm kém khi bỏ học quá nhiều, còn lại có đi học, có làm bài thi thì mặc sức điểm.

Đây là các làm, vì “thương hiệu” nên nhiều trường vẫn áp đặt giảng viên trong việc đánh giá cho điểm sinh viên.

Cái nguồn gốc sâu xa nhất theo tôi đó chính là việc nhiều địa phương tuyển dụng công chức, viên chức dựa vào xét kết quả học tập, bằng cấp (xét điểm từ trên xuống) thì những biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh trong cho điểm sinh viên vẫn sẽ còn tiếp diễn.”

Tình trạng chạy đua thành tích đang bóp méo công tác đánh giá học sinh, sinh viên hiện nay (Giáo dục.net.vn).
Tình trạng chạy đua thành tích đang bóp méo công tác đánh giá học sinh, sinh viên hiện nay (Giáo dục.net.vn).

Rõ ràng, chủ trương, văn bản chỉ đạo, chuẩn kiến thức, kỹ năng, các bộ tiêu chí… của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khá đầy đủ nhưng công tác triển khai, thực hiện trở nên lệch lạc, méo mó, thậm chí phản giáo dục.

Tình trạng, lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, các nhà trường vẫn nặng căn bệnh sính thành tích, bệnh “thương hiệu” dùng các hình thức, tác động khác nhau để “buộc” cấp dưới thực hiện.

Trong khi các thầy, cô giáo thì sớm thỏa hiệp, đồng tình với cấp trên từ đó dễ dãi, tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên có kết quả tốt nhất.

Một yếu tố nữa khiến cho điểm số của học sinh, sinh viên lên cao tận chót vót đó chính là tình trạng trường đánh giá thật thì học sinh, sinh viên của trường bị thua thiệt. Do đó, sinh ra cuộc đua điểm số giữa các trường.

Cứ thế, “cuộc cạnh tranh ngầm” giữa các trường đã đẩy điểm số của học sinh, sinh viên nghiễm nhiên cao chót vót nhưng thiếu thực chất.

Với tình hình hiện nay, thì muôn năm nữa câu chuyện lạm phát về thành tích, về các danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi…vẫn chưa có hồi kết.

Đỗ Tấn Ngọc