Chúng tôi muốn Bộ lắng nghe và có thêm thời gian góp ý

24/04/2017 08:32
Nguyễn Hữu Quyền
(GDVN) - Dư luận mong dự thảo được thảo luận rộng rãi, kể cả về mặt thời gian. Dư luận cũng hi vọng có cách tư duy khác, cách tổ chức, chỉ đạo thực hiện khác trước đây.

LTS: Là người từng chứng kiến nhiều thay đổi trong ngành giáo dục, tác giả Nguyễn Hữu Quyền, nguyên chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đưa ra ý kiến của mình dự thảo chương trình giáo dục phổ thông từ góc nhìn thực tiễn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lần tập huấn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2000 tại Đồ Sơn, Hải Phòng vào năm 2006, người viết bài này đã phát biểu hai ý:

Chúng tôi muốn Bộ lắng nghe và có thêm thời gian góp ý ảnh 1

Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp

Thứ nhất, chương trình tuy đã có những bước tiến đáng ghi nhận so với chương trình trước đó nhưng vẫn nặng tính hàn lâm, người biên soạn sách giáo khoa, đặc biệt là bộ sách chuẩn, không chú ý cách dạy, cách học. 

Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy - học, sau một thời gian chuyển động đang nhanh chóng lùi về số mo. 

Lúc đó, Giáo sư Phan Trọng Luận không hài lòng với nhận xét đó. Ông đã phản ứng dữ dội. Anh bạn ngồi cạnh (xin không nêu tên) nói nhỏ với tôi:

Ở Nghệ An, các cậu làm đổi mới phương pháp mạnh thật. Ngoài này, bọn tớ làm sơ sơ vậy thôi”. 

Giờ giải lao, gặp tôi, thầy Luận vẫn chưa nguôi giận. Cùng gặp thầy lúc đó với tôi có anh Đào Văn Vui, phụ trách môn Ngữ văn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tây. 

Vốn kính trọng thầy Luận nên tôi hiểu và thông cảm với thầy. Giờ thầy đã thành người thiên cổ.
  
Anh bạn tôi nói đúng. Ở Nghệ An, chúng tôi làm đổi mới phương pháp dạy – học rất mạnh.  Lúc còn làm việc, chúng tôi đã lăn lộn khắp trong và ngoài tỉnh. 

Dự không biết bao nhiêu giờ dạy của đồng nghiệp. Tham gia rất nhiều đợt tập huấn của Bộ. Tập huấn lại cho các thầy, cô giáo không ít. 

Mở hàng loạt chuyên đề từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Nghỉ hưu vẫn đăm đắm với sự nghiệp giáo dục. 

Giờ nhìn lại, hồi ấy mình làm vẫn không đổi mới được bao nhiêu, nếu không nói là đâu vẫn vào đó. Nhiều người còn nói lần đổi mới đó thất bại nhiều?!? (Riêng tôi nghĩ nó có những thành công mà dự thảo lần này cần kế thừa). 

Lí do vì sao có những thất bại thì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa trả lời hết được. 

Dù sao thì bản thân vẫn ngộ ra được cái gì đó khi nhớ lại những cặp mắt học trò. Các cháu đã và sẽ tiếp tục vào đời. Gia đình, đất nước nhìn vào đó. Hi vọng? Ước mơ?... Nghe nói lần thay đổi đó cũng tốn nhiều tiền lắm.

(Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
(Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới (sau đây gọi là dự thảo) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có nhiều điểm mới (xin không nhắc lại). 

Nhận xét và góp ý kiến về nó không dễ khi chưa có sách giáo khoa, phương pháp dạy – học… đi kèm. 

Bỏ qua vấn đề học thuật, từ góc nhìn thực tiễn, qua sự “hình dung”, “tưởng tượng” của mình, khi đi vào cuộc sống, người viết cho rằng dự thảo sẽ đụng phải một thực tiễn khó nhằn, kéo theo những hệ lụy mà với số tiền bảy mươi triệu đô đi vay làm dự án giáo dục không khéo lại thành sông nước.
 
Thứ nhất, về thời lượng: Chắc chắn dự thảo mới có tính đến chuyện quá tải về thời gian của chương trình trước. 

Nhưng mà với thời lượng tối đa 30 tiết/ tuần thì trong thực tế, với những môn học có trong dự án các nhà trường sẽ phải bố trí chủ yếu 5 tiết/ buổi (trong khi không ít trường vẫn học hai ca). 

Xin đừng nghĩ các môn như Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng… sẽ là nơi giúp học sinh không… quá tải. 

Quá tải về thời gian là một mệt mỏi. Nó làm cho chất lượng giáo dục bị dàn trải. Cái thực học theo đó bị mai một.

Thứ hai, về cơ sở vật chất: Việc thêm một số môn học mới kéo theo những điều kiện vật chất như phòng học, sân bãi, thiết bị… trong khi không ít trường học hai ca, các thiết bị vốn có do các dự án trước đó cấp về đến các cơ sở giáo dục chưa dùng đã hỏng. 

Khó khăn chồng chất khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu dạy – học như  dự án dự kiến thì về cơ sở vật chất, ngay cả những trường đạt chuẩn quốc gia vẫn khó đáp ứng. Nói chi đến nông thôn, miền núi. 

Chúng tôi muốn Bộ lắng nghe và có thêm thời gian góp ý ảnh 3

Tổ chức việc học - Đích cần đến của đổi mới giáo dục

Để khắc phục khó khăn này đâu chỉ một sớm, một chiều bởi đa số các địa phương nghèo.

Thứ ba, về con người: Quản lí các cấp là lực lượng đầu tàu của đổi mới.

Nhưng với cách tư duy quan phương như lâu nay thì quả là một khó khăn nổi cộm, nhức nhối. 

Nói thật (xin không truy cứu) số người chịu khó hiểu thấu chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy – học không nhiều. 

Qua trải nghiệm thực tế của lần thay đổi chương trình trước đây, tôi thấy số cán bộ quản lí tham gia tập huấn chuyên môn bộ môn mình dạy rất ít (tôi không muốn nói là không có). Về trường không hiểu họ chỉ đạo chuyên môn bằng cách gì? 

Thay đổi thực trạng này cần có chế tài giám sát cụ thể. Và phải có thời gian.

Về giáo viên, các thầy cô giáo bận quá nhiều việc. Trên đe, dưới búa. Như môn Ngữ văn, có người dạy năm lớp 12. Soạn bài, lên lớp, chấm bài, trả bài… đủ mệt. 

Lại còn bao nhiêu thứ hồ sơ, sổ sách bắt buộc phải có để các cấp trên kiểm tra, thanh tra. 

Còn thời gian đâu để đọc, để tham khảo, nâng cao tay nghề. Bởi thế số không ít làm thợ là chính. 

Bởi thế họ không đủ sức để hào hứng đón nhận đổi mới, trong đó có đổi mới chương trình.

Thứ tư, phương pháp dạy – học: Người viết nêu vấn đề này thành một mục bởi theo ý chủ quan, đây là mấu chốt của những mấu chốt quyết định sự thành bại của chương trình. 

Từ phương pháp cũ đến phương pháp mới là một chuyển biến cực kì khó khăn bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề như trình độ, thói quen, tâm lí, điều kiện vật chất, thiết bị, học trò, cách thức quản lí, thi cử… 

Nó tác động mạnh đến kết quả đầu ra. Sự thất bại chủ yếu do phương pháp dạy – học gây ra. Hiện nay chưa thấy công bố phương pháp dạy – học thực hiện dự thảo. 

Nhưng với những trải nghiệm đã qua người viết cho rằng, nếu tổ chức, chỉ đạo vận hành như lâu nay trên một nền tảng vốn có về cách tư duy, về cơ sở vật chất, cách thức quản lí… thì việc thực hiện đổi mới phương pháp chắc chắn thất bại. 

Chúng tôi muốn Bộ lắng nghe và có thêm thời gian góp ý ảnh 4

Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào?

Mà phương pháp thất bại thì hiệu quả thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục sẽ không thành công.
   
Để dự thảo đi vào cuộc sống có hiệu quả, việc hóa giải những khó khăn có cái tiến hành song song nhưng có cái phải đi trước một bước (như cơ sở vật chất, đào tạo và tái đào tạo…). 

Tất cả đều phải đồng bộ, cần thời gian. Ấy vậy mà số đông dư luận cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo vội vàng. Tại sao không tổ chức thí điểm trước khi triển khai đại trà?

Dư luận mong dự thảo được thảo luận rộng rãi, kể cả về mặt thời gian. Dư luận cũng hi vọng có cách tư duy khác, theo đó là cách tổ chức, chỉ đạo thực hiện khác với lâu nay vẫn làm. 

(Ví dụ cách tập huấn thông qua cốt cán, khi đến được học trò đã bị rơi rụng, thậm chí bị biến tướng)…

Đặc biệt, dư luận mong Bộ lắng nghe, cả những ý kiến đúng và chưa đúng, thậm chí trái chiều nhưng xuất phát từ trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, trách nhiệm đối với đất nước, đối với đảng.
     
Mong muốn lớn nhất của người viết bài này là làm sao dự thảo khi đến với người học sẽ góp phần cho ra những sản phẩm con người có đủ khả năng làm cho đất nước phát triển, giàu mạnh.

Nguyễn Hữu Quyền