“Con đánh chết mẹ” - hệ quả của việc xem nhẹ giáo dục gia đình

06/12/2012 06:00
Lê Văn Dũng
(GDVN) - Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ án đau lòng: con cái đánh chết mẹ đẻ. Gần đây nhất, ngày 30/11 tại Bình Định xảy ra vụ án Nguyễn Văn Cư 36 tuổi đánh chết mẹ mình là bà Trần Thị Mùi vì bà can ngăn Cư đánh con của anh trai mình. Dư luận xã hội phê phán, căm phẫn trước những hành động thất đức, bất hiếu và không có tính người của các thủ phạm, đồng thời lo ngại về sự xuống cấp đạo đức và tình thương trong xã hội. 
Con cái đánh chết cha, mẹ mình là một hiện tượng ghê tởm, đáng lên án. Nhưng điều đó cũng cho chúng ta thấy được những nguyên nhân ẩn sâu sau mỗi vụ án, mà nguyên nhân cơ bản nhất có lẽ chính là các bậc cha mẹ ít quan tâm hoặc xem nhẹ vai trò giáo dục con cái và xem nhẹ việc xây dựng tình yêu thương trong không khí gia đình.

Gia đình là cái nôi nơi mà mỗi người con hình thành nhân cách, hình thành cái bản lề hiếu - lễ - nghĩa. Vai trò của gia đình vô cùng to lớn đối với mỗi thành viên, gia đình là mái ấm, là nơi tình thương yêu, sự đùm bọc thể hiện rõ nét nhất qua sợi dây “máu mũ ruột già”. Gia đình cũng là nơi hình thành nên các đạo lý cơ bản của con người và xã hội như: đạo cha con, tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng, tình anh em...

Các nhà khoa học khẳng định rằng cấu trúc nhân cách gốc, nhân cách nền tảng của mỗi con người được định hình ở tuổi ấu thơ (từ 1 đến 6 tuổi) nghĩa là khi đứa trẻ còn ở trong gia đình. Vì vậy, tính cách của một người trưởng thành, thái độ, hành vi của họ đối với gia đình, đối với người khác và đối với xã hội như thế nào thường lặp lại hoặc mang đậm dấu ấn những yếu tố tương ứng đã diễn ra trong quan hệ gia đình của họ mà họ được sống và tiếp nhận trong quá trình trưởng thành.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Do đó, chức năng giáo dục là chức năng cơ bản của gia đình. Cha mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy trong phần lớn cuộc đời mỗi người con trong gia đình. Bậc cha mẹ nào làm tốt chức năng giáo dục, luôn quan tâm, thương yêu con cái mình thì chắc chắn những người con của họ đều trưởng thành và có hiếu, có nhân cách tốt. Tất nhiên sự quan tâm, yêu thương không phải là sự nuông chiều quá mức, con muốn gì cũng được. Có bậc cha mẹ tâm sự: “Vợ chồng tôi có để cho nó thiếu thứ gì đâu, nó cần cái gì, nó thiếu thứ gì là chúng tôi đều đáp ứng đủ, vậy mà nó vẫn đua đòi với mấy đứa bạn hư đi ăn cắp”. Một đứa trẻ, một người con trong gia đình cần nhất ở cha, mẹ chúng là tình thương yêu, quan tâm tới mình chứ không phải là tiền bạc và sự nuông chiều quá mức. 

Cuộc sống năng động, nhiều bậc cha mẹ mãi lo mưu sinh, lo làm giàu quên cả con cái mình, phó mặc con cái mình cho osin, cho vú nuôi, cho ông, bà...Đứa trẻ lớn lên thiếu hẳn đi tình yêu từ cha mẹ chúng, thiếu hơi ấm từ cha mẹ, chúng vẫn lớn về mặt sinh lý nhưng mặt tâm lý thì bị khiếm khuyết đi so với những đứa trẻ khác. 

Ngoài ra, không khí gia đình, mối quan hệ trong gia đình, cách cha, mẹ cư xử với nhau cũng ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và những đứa con trong gia đình. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an đã chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình với các con số như: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Các con số biết nói trên cho thấy nguyên nhân trẻ vị thành niên phạm pháp do ảnh hưởng của gia đình chiếm một tỉ lệ không nhỏ.
Các bậc cha, mẹ cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong giáo dục con cái, trong nuôi dạy con cái tránh phó mặc cho nhà trường. Đồng thời cũng cần thấy rằng: quá trình giáo dục trong gia đình là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài bắt đầu từ khi con cái hình thành ý thức tới khi tuổi già. Đó là một quá trình đa dạng, nhiều chiều đòi hỏi cha mẹ không chỉ làm tốt vai trò là cha, là mẹ mà còn phải nhập vai người bạn của con cái mình.

Những người làm cha mẹ phải trang bị cho mình nhiều hơn những kiến thức về giáo dục gia đình như chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách khoa học, biết kỹ năng tư vấn, trò chuyện cùng con thông qua sách báo, tham gia các lớp học, các câu lạc bộ tư vấn...

Dù sau này, xã hội phát triển tới đâu đi nữa thì vai trò giáo dục của gia đình đối với mỗi con người luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, không thể xem nhẹ. Giáo dục gia đình là gốc, là nền tảng vững chắc của giáo dục xã hội.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu

Giáo viên đánh học sinh gây mầm mống tội ác

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Lê Văn Dũng