Đại học Bách Khoa Hà Nội phản hồi đề tài của cô Mai Thị Thanh

20/06/2018 06:26
Trinh Phúc
(GDVN) - “Với một số nội dung giống nhau bà Mai Thị Thanh có thiếu sót trong việc trích dẫn nhưng Trường Bách khoa xác định trường hợp này không phải là đạo văn”.

Ngày 19/6, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phúc đáp công văn số 41/GDVN-HC ngày 11 tháng 6 năm 2018 về hai đề tài cơ sở của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội do tiến sĩ Mai Thị Thanh làm chủ nhiệm:

Đề tài 1: “Phát huy vai trò chủ thể nhận thức của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong học tập môn Triết học Mác-Lênin hiện nay”, 12/2005, mã số T2005-57;

Đề tài 2: “Giải pháp nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, 12/2014,mã số T2014-134.

Trùng lặp sao chép đến 32,42% nhưng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: "Việc kế thừa và phát triển trong nghiên cứu khoa học là bình thường và cần thiết" - ảnh Trinh Phúc.
Trùng lặp sao chép đến 32,42% nhưng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: "Việc kế thừa và phát triển trong nghiên cứu khoa học là bình thường và cần thiết" - ảnh Trinh Phúc.

Trả lời vấn đề của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt ra,“vì sao hai công trình nghiên cứu độc lập nhưng có hàng chục trang viết trùng lặp một cách giống nhau đến từng chi tiết dấu chấm, dấu phẩy, ngắt đoạn?”-  Trường Đại học Bách Khoa cho rằng:

“Hai công trình nghiên cứu khác nhau về phạm vi nghiên cứu, cụ thể là đề tài 2 mở rộng phạm vi nghiên cứu so với đề tài 1.

Phần cơ sở lý luận của cả hai báo cáo đề tài giống nhau trong việc trình bày quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ thể và khách thể nhận thức và mối quan hệ của chúng, đây là nội dung kinh điển và do cùng một chủ nhiệm đề tài tổng hợp và biên soạn nên được diễn đạt giống nhau.

Kết quả của cả hai đề tài là các giải pháp, trong đó đề tài 2 có sự kế thừa và phát triển 4 trên 11 giải pháp của đề tài thứ nhất.

Việc kế thừa và phát triển trong nghiên cứu khoa học là bình thường và cần thiết, đặc biệt khi tác giả là chủ nhiệm của cả 2 đề tài nên có phần nội dung diễn đạt giống nhau”.

Vấn đề 2 mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu ra là:“Thời gian nghiên cứu của hai đề tài này cách nhau 9 năm, rõ ràng khách thể nghiên cứu đã có sự thay đổi nhưng tác giả vẫn giữ y nguyên câu văn, hành văn, dấu chấm, dấu phẩy của công trình trước đó để lắp ghép vào công trình sau liệu có đảm bảo tính khoa học?”

Theo lý giải của Trường Đại học Bách Khoa: “Nghiên cứu về giảng dạy và học tập trong lĩnh vực lý luận chính trị có những cơ sở lý luận và nội dung đặc thù ít thay đổi theo thời gian.

Đại học Bách Khoa Hà Nội phản hồi đề tài của cô Mai Thị Thanh ảnh 2Trưởng khoa lý luận chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội bị phát hiện có sao chép

Như đã nêu ở trên mục 1, công trình sau đã kế thừa và phát triển, đủ kết quả mới để đảm bảo tính khoa học.

Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là hoàn thành tốt”.

Vấn đề 3: “Vì sao đề tài do chính mình tham gia thực hiện mà bà Mai Thị Thanh lại không đưa vào danh mục tài liệu tham khảo, đây có phải là hành vi gian dối hay không?”

Trả lời câu hỏi này, Trường Đại học Bách Khoa cho rằng: “Báo cáo tổng kết đề tài là báo cáo nội bộ ở cấp trường, trình bày các nội dung triển khai trong khuôn khổ thực hiện đề tài để đạt được mục tiêu đề ra, những nội dung giống đều do một người tổng hợp biên soạn với cùng một văn phong.

Bà Mai Thị Thanh có khuyết điểm là không đưa báo cáo đề tài năm 2005 vào danh mục tài liệu tham khảo, tuy nhiên không thể kết luận đây là hành vi gian dối”.

Về vấn đề 4 mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt ra: “Nếu xác định là đạo văn thì hướng xử lý sắp tới đây như thế nào?” thì Trường Đại học Bách Khoa cho rằng:“Hai báo cáo tổng kết đề tài cơ sở là các báo cáo nội bộ do cùng một tác giả là chủ nhiệm đề tài biên soạn, không công bố rộng rãi trên các tạp chí hay hội nghị khoa học.

Với một số nội dung giống nhau như nêu trên đây, bà Mai Thị Thanh có thiếu sót trong việc trích dẫn nhưng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xác định trường hợp này không phải là đạo văn”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, theo kết luận cả 2 đề tài T2005- 57 và đề tài T2014 – 134 có sự trùng lặp đến 454 dòng. Tỷ lệ trùng lặp là 32,42%.

Trong danh mục tài liệu tham khảo của T2014 – 134 không liệt kê T2005 – 57 và không có thông tin về việc 5 tác giả của T2005 – 57 đồng ý cho phép sử dụng kết quả sử dụng trong công trình nghiên cứu khoa học khác.

Kết luận cũng chỉ ra trong đánh giá khoa học đề tài T2014 – 134 có sự nể nang, động viên trong đánh giá nghiệm thu đề tài.

Điều kỳ lạ, mặc dù một đề tài có sự sao chép đến 32,42% nhưng vẫn không bị hủy. Bản thân tiến sĩ Mai Thị Thanh chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trao đổi với phóng viên, người có đơn thư cho rằng, kết luận như vậy chưa khách quan, có sự bao che và tiếp tục đấu tranh để tìm ra lẽ phải.

Phóng viên cũng cho rằng, một công trình sao chép đến 32,42% là quá lớn.

Theo tìm hiểu tại Điểm C, khoản 3, Điều 4, Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT về quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học thì các công trình khoa học đã công bố có nội dung trùng lặp từ 30% trở lên chỉ được tính điểm quy đổi một lần.

Trinh Phúc