Được biết, việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học đã được đề cập từ năm 2006 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng về việc triển khai Nghị quyết 14 về đổi mới toàn diện giáo dục đại học, trong đó có đề xuất xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường.
Thế nhưng, đến đầu tháng 6/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 3 trong số 23 trường thực hiện Nghị quyết 77 về tự chủ đại học được giao nghiên cứu xây dựng đề án không còn trực thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều mà Giáo sư Thiệp băn khoăn đó là, khi xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản thì ngân sách dành cho 3 cơ sở giáo dục này sẽ do nơi nào cấp? (Ảnh: Thùy Linh) |
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ủng hộ chủ trương này và cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho thấy, các trường đại học chỉ thực sự vững mạnh nếu thỏa mãn: Tự chủ và có trách nhiệm giải trình.
Và đó cũng chính là điều kiện cần thiết đối với cơ sở giáo dục xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.
Nói thêm về vấn đề này, ông Thiệp cho hay, trường đại học là nơi tập trung nhiều trí tuệ, vậy nên nó chỉ mạnh khi được tự chủ.
Tuy nhiên, việc tự chủ muốn đảm bảo dân chủ thì các trường phải có trách nhiệm giải trình với sinh viên, giảng viên, xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhiều người lo ngại bỏ bộ chủ quản sẽ kéo theo bỏ sự giám sát của Nhà nước, sẽ dẫn đến mở rộng quy mô đào tạo tràn lan, làm suy giảm chất lượng giáo dục đại học.
Đánh giá về nội dung này, ông Thiệp cho rằng, muốn các trường được tự chủ trong dân chủ thì cơ sở giáo dục đó phải có Hội đồng trường.
Hội đồng trường trong các trường đại học công phải là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường.
Hội đồng trường phải có quyền thực hiện nhiều quyết định lớn, giám sát việc thực hiện bộ máy của hiệu trưởng, cũng như có quyền bổ nhiệm hay bãi nhiệm Hiệu trưởng.
Do đó, Chủ tịch Hội đồng trường có vị thế ít nhất phải bằng Hiệu trưởng, chứ không thể thấp hơn vai trò Hiệu trưởng nhà trường.
Đồng thời, trường tự chủ phải xây dựng được cơ chế phân định rõ đâu là quyền hạn của Hội đồng trường, đâu là quyền hạn của Hiệu trưởng tránh tình trạng Hội đồng trường làm thay Hiệu trưởng.
Ngoài ra, ông Thiệp cũng thông tin, thực tế cơ chế Hội đồng trường đã được đưa ra trong điều lệ trường đại học từ năm 2003.
Sau đó, Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục đại học năm 2012, Điều lệ trường đại học năm 2014... tiếp tục khẳng định Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho chủ sở hữu của trường đại học.
Tuy vậy, suốt những năm qua, Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục chưa thực sự là một hội đồng quyền lực đúng nghĩa.
Do đó khi để 3 cơ sở giáo dục thực hiện xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản thì cần có cơ chế để trường hoạt động hiệu quả cũng như kiểm soát được quyền lực của Hiệu trưởng.
Điều mà Giáo sư Thiệp băn khoăn đó là, khi xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản thì ngân sách dành cho 3 cơ sở giáo dục này sẽ do nơi nào cấp?
Khi được tự chủ, các trường tuyển sinh tràn lan, vậy giá trị tấm bằng đại học sẽ như thế nào?
Hơn nữa, việc ra khỏi bộ chủ quản đồng nghĩa với việc các trường thoải mái quyết định về học phí. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ kiểm soát ra sao để không gây khó khăn đối với sinh viên và xã hội?...