Để trẻ con được đi học, phải đi ăn mày cả thế gian tôi cũng làm

12/10/2016 08:32
Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Thầy Trần Văn Tư nói với tôi rằng: "Để trẻ em nghèo có được một chỗ ăn học, dẫu có phải ăn mày cả thế gian này, tôi cũng cam lòng!”.

Tiếp tục câu chuyện trường học trên Biển Hồ, Campuchia từ các kỳ trước, có lẽ chưa có ngôi trường nào như Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo tại Biển Hồ tồn tại được hoàn toàn dựa vào lòng hảo tâm của các nhà từ thiện.

Từ lớp học, nơi ăn, chốn ở đến sách vở, bút giấy đều do các nhà hảo tâm từ khắp nơi, Pháp, Mỹ, Úc, Nga, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan, Lào và đặc biệt là các nhà hảo tâm đến từ Việt Nam.

Thầy Trần Văn Tư cho biết, năm 2009, bà Dương Minh (Giám đốc trường ngoại ngữ; 132 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) đã giúp nhà trường ba lần 100 triệu đồng để xây dựng được 120m2 nhà học.

Học sinh ăn trưa ngoài hành lang.
Học sinh ăn trưa ngoài hành lang.

Diện tích ấy cũng chỉ đủ chứa được trên 100 học sinh, trong lúc có trên 300 em học sinh có nguyện vọng học.

Năm 2011, Quân khu 7 tài trợ tiền tỉ làm đươc hai nhà nổi với diện tích 360m2, ngăn thành 6 lớp học rộng rãi, có điều kiện đáp ứng nguyện vọng của học sinh.

Có lớp học rồi, lo nội thất bàn ghế, bảng, dụng cụ tập đoàn, chăn, màn chiếu. Tất cả trang thiết bị bên trong ấy cũng do lòng hảo tâm của các nhà tài trợ”, cô giáo Trần Thị Thu kể.

Sách giáo khoa thì có Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục gửi từ Hà Nội vào 17 thùng đủ hết  cho học sinh lớp 1 đến lớp 5.

Sách giáo khoa học sinh dùng chung, ở tủ sách lớp học.

Để có thể sử dụng được lâu dài, chúng tôi cho bọc lại cẩn thận và khuyên các em học sinh bảo vệ, gìn giữ sách để cho thế hệ tiếp sau có sách học”, cô Trần Thị Kim Em trao đổi.

Nhà học nổi do Quân khu 7 tài trợ.
Nhà học nổi do Quân khu 7 tài trợ.

Trên 300 học sinh đến học tại Trung tâm có khoảng 2/3 học sinh ở lại, còn 1/3 sau khi cơm chiều, các em được bố mẹ đưa thuyền đến đón về.

Toàn bộ mì tôm ăn sáng của các đoàn tham quan tài trợ; cơm gạo, mắm muối dầu ăn, cũng đều do các nhà tài trợ mang đến cho”, thầy Thái Hồng Sơn chia sẻ.

Từ năm 2010 lại nay, Xiêm Riệp trở thành một điểm du lich hấp dẫn du khách.

Không chỉ du khách Việt Nam đến với Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo mà các du khách đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đều lựa chọn Trung tâm là một điểm đến trong chuyến du lịch.

Vào tháng 9/2016, khi chúng tôi đến thăm trung tâm, chứng kiến hàng loạt đoàn khách du lịch đến trao quà, trong số những đoàn thiện nguyện tôi nhớ chị Diễm Kiều đến từ Bình Dương đã trợ cấp tiền ăn hàng tháng cho các em hoặc đại diện Công ty cổ phần may xuất khẩu Hải Phòng đóng tại thôn An Hòa, xã Đoàn Bài, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã trích từ quỹ mái ấm công đoàn hỗ trợ tiền ăn cho học sinh.

Khó kể hết những tấm lòng cưu mang “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Có người đến từ Cà Mau cực nam của Tổ quốc lại có người đến từ Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, ai ai cũng cũng một tấm lòng, tâm nguyện làm vơi bớt nỗi nhọc nhằn của những giáo viên nơi Biển Hồ xa xôi này.

Khi chưa đến, không thể hình dung nổi cuộc sống của giáo viên nơi đầu sóng ngọn gió này.

Đến rồi, tận mắt chứng kiến cuộc sống vô vàn khó khăn thiếu thốn của học sinh, chị Tân (Quảng Ninh) đã ứa nước mắt, hối hận lúc ra đi sao lại không biết mua những vật dụng nhỏ như bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, cuốn vở hay cây viết nên chị đã đứng ra kêu gọi các thành viên trong đoàn góp thêm ít tiền để trao lại cho nhà trường mua quà cho các em.

Có chị Nguyễn Thị Út đến từ Tây Ninh xúc động ra về ôm chầm lấy các em khóc rưng rức vì không ngờ có một mái ấm trên Biển Hồ thiếu thốn và nặng lòng thương yêu đến vậy.

Để trẻ con được đi học, phải đi ăn mày cả thế gian tôi cũng làm ảnh 3

Học sinh “thất học” và trách nhiệm của người lớn

Chúng tôi đến và tận mắt chứng kiến những cuộc gặp gỡ, những khoảnh khắc trao quà, quà là những thùng mì, bì gạo nhưng vô cùng cần thiết cho sự tồn tại của nhà trường.

Nhận quà, không chỉ thầy Tư mà các giáo viên khác cũng tỏ thái độ chắp tay ngàn lần cảm tạ.

Khi biết tôi là nhà báo, thầy Trần Văn Tư cầm tay dặn đi dặn lại, anh có viết bài về nhà trường thì hãy dành vài dòng nói lên lòng biết ơn của chúng tôi với các nhà tài trợ khắp mọi miền Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế đã cưu mang thầy trò chúng tôi.

Trong số các nhà tài trợ, có người đến một lần, có người hẹn trở lại, có người nhận tài trợ định kỳ cho các em như bà Dương Minh. Bà không chỉ đóng tiền dựng trường mà còn nhận giúp đỡ mỗi tháng cấp cho 100 thùng mì và 200 hộp cá mòi.

Nhờ tấm lòng hảo tâm ấy mà Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ tồn tại.

Nhưng cũng như con thuyền bập bênh trên sông nước, tài trợ của các nhà hảo tâm lúc có lúc không.

Phụ huynh và học sinh nhận quà tài trợ của khách du lịch đến từ Việt Nam.

Phụ huynh và học sinh nhận quà tài trợ của khách du lịch đến từ Việt Nam.

Thầy Tư nhớ lại: “Khó khăn nhất là những năm từ 2006 đến 2010, trường không tồn tại nổi, vì  mùa mưa không có khách du lịch, nhà trường không có cái ăn cho học sinh.

Tôi phải về thành phố Hồ Chí Minh gõ cửa các nhà chùa, còn các thầy cô phải ký nợ mua chịu gạo mì để cho các em có cái ăn mà tiếp tục con đường xóa mù”.

Nói rồi thầy rưng rưng xúc động nhìn ra Biển Hồ trong sương mờ lẩm bẩm như đủ vừa nghe: “Cầu trời khấn Phật, đừng để các em đứt bữa, đừng để mái ấm nhà trường tan đàn sẻ nghé. Tội nghiệp lắm!”.

Qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ thầy trò Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ, Campuchia.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ, Campuchia (ấp 7, xã Chong Khơ Nia, huyện Siêm Riệp, tỉnh Siêm Riệp, Campuchia).

ĐT: 00855978786191.

Email:thaygiaogiadaytuthien1937@gmail.com.

Tài khoản tại Việt Nam: Số TK: 5700205259244, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn AGRIBANK Tây Ninh. Hoặc: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (http://giaoduc.net.vn/).

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ