Doanh nghiệp hóa và quản trị đại học công ở Trung Quốc, Nhật Bản

27/05/2017 06:57
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh
(GDVN) - Doanh nghiệp hóa đại học công ở hai quốc gia này đã dẫn tới thay đổi đáng kể về sứ mệnh, kinh phí, mô hình quản trị và đặc biệt là mối quan hệ với chính phủ.

LTS: Hội đồng trường, Quản trị và Tự chủ đại học đang là đề tài thời sự, đặc biệt sau khi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) tổ chức Hội thảo Tự chủ đại học ngày 30/9/2016 ở Hà Nội và Hội đồng trường ngày 20/4/2017 ở Hải Dương.

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách của Hiệp hội sẽ giới thiệu một nghiên cứu so sánh về tác động của doanh nghiệp hóa vào sự thay đổi đại học công, ảnh hưởng tới mô hình quản trị ở Trung Quốc và Nhật Bản có đối chiếu với một số nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khác.

Thông qua đánh giá sự thay đổi mối quan hệ giữa chính phủ và đại học để tìm ra những điểm tương đồng và nét khác biệt giữa quốc gia đang phát triển (Trung Quốc) và quốc gia đã phát triển (Nhật Bản) ở khu vực Đông Bắc Á để đối chiếu vào tình hình Việt Nam.

Dưới đây là kỳ đầu của nghiên cứu trên, xin trân trọng gửi đến bạn đọc.

1. Giới thiệu:

Năm 1995 và 2004 các đại học công lập ở Trung Quốc và Nhật Bản được chuyển thành doanh nghiệp đại học.

Doanh nghiệp hóa (Incorporation) đại học công ở hai quốc gia này đã dẫn tới thay đổi đáng kể về sứ mệnh, cấp kinh phí, mô hình quản trị và đặc biệt là mối quan hệ với chính phủ.

Tính đến nay đã có nhiều nghiên cứu về các chính sách và đặc điểm thay đổi các đại học công xét trên cấp độ hệ thống, nhưng trong số đó rất ít nghiên cứu so sánh đối chiếu mô hình quản trị nội bộ đang thay đổi ở Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là tác động của doanh nghiệp hóa vào thay đổi mô hình quản trị nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh do tác giả cung cấp)

2. Các chính sách chủ yếu và quá trình Doanh nghiệp hóa khu vực công lập

Trường hợp Trung Quốc:

Số liệu Bộ Giáo dục Trung Quốc (năm 2005) cho biết nước này có 1.683 cơ sở giáo dục chính qui, 528 cơ sở giáo dục người lớn và 214 cơ sở giáo dục tư nhân.

Hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc thành lập từ năm 1950 theo mô hình Xô viết đến cuối năm 1980 chỉ tập trung cung ứng nhân lực cho nền kinh tế Kế hoạch hóa tập trung với các viện nghiên cứu nằm ngoài trường đại học.

Ở cấp hệ thống, các đại học được thành lập và quản lý theo chiều dọc bởi Bộ giáo dục và bộ ngành Trung ương, và theo cả chiều ngang bởi các cơ quan giáo dục Trung ương hoặc địa phương.

Ở cấp nhà trường ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn, sự lãnh đạo mạnh của Đảng Cộng sản luôn được duy trì, mặc dù mô hình quản trị nội bộ ở đại học Trung Quốc đã trải qua nhiều thay đổi.

Xem Bảng 1: Những thay đổi mô hình quản trị nội bộ và kiểu lãnh đạo nhà trường dưới đây:

 1950-1956: Trách nhiệm lãnh đạo thuộc về Hiệu trưởng đại học (President);

 1956-1961:  Ban giám hiệu quản lý trường dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy;

 1961-1966:  Hiệu trưởng đứng đầu Ban giám hiệu dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy;

 1966-1976 : Tập trung hóa sự lãnh đạo vào Đảng ủy nhà trường;

 1977-1985 :  Hiệu trưởng phân công lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy trường;

 1985-1989 :  Ở một số đại hoc chỉ có Hiệu trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo trường;

 1989 – nay : Hiệu trưởng chịu trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường.

                                                                           (Nguồn: Mi and Zhou, 2004)

Do đó, Đảng ủy trường dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bí thư cùng các đảng viên làm việc song song với hệ thống hành chính do Hiệu trưởng đứng đầu. Khác với Nhật Bản, Bí thư đảng và Hiệu trưởng (kể cả các Phó Hiệu trưởng) đều do chính phủ bổ nhiệm.

Cách quản lý kép tạo ra cơ quan điều hành cao nhất ở cấp trường.

Tuy nhiên, từ năm 1992, khi Trung Quốc bắt đầu tăng tốc cải cách kinh tế sâu hơn để chuyển sang kinh tế thị trường với đặc thù Trung Quốc, mô hình quản trị giáo dục đại học truyền thống bị chỉ trích mạnh ở hai khía cạnh:

  • Thứ nhất, các cơ sở giáo dục do bộ, ngành Trung ương và địa phương chủ quản không đáp ứng kịp nhu cầu đào tạo của xã hội tri thức so với thực tế các trường do Bộ giáo dục và Sở giáo dục thành lập và quản lý;
  • Thứ hai, Ngân sách nhà nước hạn chế được phân bổ cho nhiều trường quy mô nhỏ, chồng chéo nên các đại học hoạt động không hiệu quả.

Trên thực tế, từ năm 1985, theo Quyết định cải cách giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm thay đổi quan hệ giữa chính phủ và đại học, Chính phủ ban hành các chính sách phi tập trung hóa, bãi bỏ các quy định và chuyển giao, gợi ý trao nhiều quyền cho nhà trường.

Doanh nghiệp hóa và quản trị đại học công ở Trung Quốc, Nhật Bản ảnh 2

Tự chủ đại học không thể thực hiện bằng cách quản lý cấp giấy phép

Ví dụ, đại học có thể quyết định bố trí vốn ngân sách nhà nước cấp thường xuyên và khai thác thêm nguồn lực khác để tự trang trải.

Năm 1993, Đề cương Cải cách giáo dục và Phát triển ở Trung Quốc đã tiếp tục kêu gọi Chính phủ chuyển từ kiểm soát trực tiếp sang hướng dẫn, giám sát nhà trường ở cấp vĩ mô thông qua luật pháp, ngân sách, quy hoạch, dịch vụ thông tin, và các biện pháp hành chính khác v.v...

Trong quan hệ giữa nhà nước với đại học, luôn nhấn mạnh quyền tự chủ đại học phải được đảm bảo thông qua luật, làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của đại học và chuyển đổi sang doanh nghiệp thực sự.

Nhà trường được định hướng vào xã hội, độc lập và chủ động hơn theo cách riêng của mình.

Hai văn bản quan trọng là Luật Giáo dục năm 1995 và Luật Giáo dục Đại học năm 1998 chỉ rõ đại học được trao vị thế kinh doanh tại thời điểm phê duyệt hoặc đăng ký (điều 31 Luật Giáo dục).

Luật Giáo dục đại học năm 1998 cũng nhấn mạnh cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân vào ngày phê duyệt (điều 30) và nêu rõ bảy quyền tự chủ hoạt động giáo dục và nghiên cứu.

Ví dụ, các đại học được khuyến khích ký kết hợp đồng, làm dự án chung với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân khác (điều 35).

Về quản trị nội bộ, Luật khẳng định cơ sở giáo dục đại học do nhà nước điều hành phải thực hiện mô hình quản trị với trách nhiệm của Hiệu trưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy trường.

Các Đảng ủy cấp cơ sở thống nhất chịu sự lãnh đạo nhà trường và ủng hộ Hiệu trưởng thực hiện quyền lực một cách độc lập.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong ra quyết định vấn đề quan trọng như chỉ đạo hoặc sứ mệnh quản lý trường, lập đơn vị nội bộ, bổ nhiệm cán bộ phụ trách, cải cách, phát triển hệ thống hành chính.

Ngược lại, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động hành chính khác.

Việc ban hành 2 Luật trên cho thấy không chỉ mối quan hệ giữa chính phủ và đại học đã thay đổi mà nhiều quyền tự chủ hơn phải được trao cho nhà trường về học thuật.

Trong tương lai, chính phủ sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong điều chỉnh và giám sát cấp vĩ mô, không tham gia trực tiếp vào chi tiết hoạt động học thuật và quản trị nội bộ ở cấp trường.

Trường hợp Nhật Bản:

Doanh nghiệp hóa và quản trị đại học công ở Trung Quốc, Nhật Bản ảnh 3

Đổi mới cơ chế quản trị đại học là bước đột phá cần thiết

Khác nhiều so với Trung Quốc, đại học công ở Nhật Bản chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống.

Theo số liệu thống kê của MEXT (Bộ Giáo dục-Văn hóa-Thể thao-Khoa học và Công nghệ), năm 2003 tỷ lệ sinh viên và các cơ sở giáo dục tư thục ở cả bậc đại học và cao đẳng là 79,6% và 73,5% xét về tổng thể (MEXT, 2004).

Các đại học công chủ yếu thực hiện chức năng đa dạng bằng cách tăng cường nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, đào tạo sau đại học.

Sự thay đổi vị thế đại học công bắt đầu từ Thế kỉ 19. Đến thập kỷ 70, OECD gợi ý thành lập khu vực giáo dục công (OECD-1971).

Ở cấp độ chính sách, việc doanh nghiệp hóa đại học công ở Nhật Bản được chính thức thảo luận từ năm 1987 trong Báo cáo thứ Ba của Hội đồng lâm thời cải cách giáo dục do Thủ tướng Nakasone Yasuhiro lập ra năm 1984.

Từ đó, việc doanh nghiệp hóa đại học công Nhật Bản trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu (tháng 10/1996-tháng 7/1997) - sự thay đổi vị thế đại học công lần đầu được thảo luận ở cuộc họp cải cách hành chính lần thứ nhất.

Tháng 1/1997, có tranh luận về tư nhân hóa đại học công, nhưng tháng 5 mới đề cập khả năng chuyển đổi đại học công thành tập đoàn quản lý độc lập.

Giai đoạn hai, (tháng 8/1997-tháng 5/2001) – Đưa ra Dự thảo hệ thống tập đoàn quản trị độc lập.

Tháng 4/1999, đề xuất của nội các về chuyển đại học công thành cơ sở quản trị độc lập được coi là biện pháp cải cách đại học công về tự chủ đại học và được quyết định vào năm 2003.

Giai đoạn thứ ba, (tháng 6/2001-tháng 4/2004) - Chính sách Cải cách cơ cấu đại học do Bộ trưởng MEXT đề xuất tháng 6/2001 đã quyết định chính thức thành lập các doanh nghiệp đại học.

Một năm sau, nội các Chính phủ họp thống nhất việc cổ phần đại học công sẽ thực hiện từ năm tài chính 2004.

Tháng 7/2003, Luật Doanh nghiệp đại học công và 5 luật khác liên quan được phê duyệt, tháng 4/2004 tất cả các đại học công được chuyển đổi thành các doanh nghiệp đại học (MEXT, 2005).

Nhiều báo cáo của MEXT và Hội đồng trường, văn bản pháp luật ban hành cuối thập kỷ 90 mô tả các chính sách và sứ mệnh, đặc điểm của doanh nghiệp đại học công ở Nhật Bản.

Trong đó, văn bản được quan tâm đặc biệt là Kế hoạch Toyama (Chính sách Cải cách cơ cấu đại học công) mang tên ông Bộ trưởng giáo dục Toyama, ban hành tháng 6/2001;

Báo cáo về “Hình ảnh mới của doanh nghiệp đại học công” do nhóm nghiên cứu “chuyển đổi đại học công thành doanh nghiệp quản trị độc lập” trình bày ngày 26/3/2002 cũng như Luật Doanh nghiệp đại học công (Thông cáo báo chí năm 2003).

Theo Kế hoạch Toyama, việc thực thi nhanh các doanh nghiệp đại học công và thực hiện chênh lệch phân bổ tài chính căn cứ trên kết quả đánh giá của bên thứ ba được ủng hộ mạnh mẽ.

Báo cáo thứ hai soạn thảo chi tiết mô hình tập trung hóa để tăng cường sự lãnh đạo của Hiệu trưởng đại học; Đề cương Luật Doanh nghiệp hóa đại học công có đặc trưng 8 điểm chính về sứ mệnh, đặc điểm, chức năng, tài chính và quản trị (Luật Doanh nghiệp đại học công, 2003) là:

1. Trách nhiệm doanh nghiệp đại học - tách khỏi hỗ trợ đại học công theo phong cách "xe hộ tống có vũ trang".

2. Bãi bỏ quy định về ngân sách và nhân sự để tạo môi trường cạnh tranh nhằm đảm bảo tự chủ đại học.

3. Các đại học công tiến hành hoạt động giáo dục và nghiên cứu hấp dẫn của riêng mình.

4. Kỹ thuật quản lý dựa trên các quan niệm của khu vực tư nhân - quản lý từ trên xuống qua Ban giám đốc tập trung vào Giám đốc đại học.

5. Có sự tham gia từ bên ngoài để quản lý đại học - người ngoài trường tham gia vị trí điều hành và phê duyệt kế hoạch quản lý.

Doanh nghiệp hóa và quản trị đại học công ở Trung Quốc, Nhật Bản ảnh 4

Quản trị đại học công lập gắn với tự do học thuật như thế nào?

6. Cải tiến quá trình tuyển Giám đốc - thành lập Hội đồng tuyển Giám đốc, trong đó các chuyên gia bên ngoài, không thuộc đại học tham gia để xác định ứng viên đủ tiêu chuẩn cho cả hai phía trong và ngoài.

7. Lựa chọn người không phải công chức vào vị trí nhân sự - đưa ra hệ thống nhân sự đa dạng và linh hoạt trên cơ sở có năng lực và có hiệu suất.

8. Đánh giá, công bố thông tin để phân bố nguồn lực dựa trên kết quả đánh giá của bên thứ ba.

Đảm bảo minh bạch hóa để khuyến khích công chúng tham gia

Cần lưu ý rằng việc doanh nghiệp hóa đại học công ở Nhật chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố đa dạng, phức tạp, và đặc biệt bị tác động bởi một số xung đột chính trị nghiêm trọng.

Áp lực cải cách ở Nhật Bản trước năm 2000 đến từ ba phía: Bộ giáo dục, Công nghiệp và bản thân các đại học, được Bộ và các đại học khuyến khích (Doyon, 2001).

Tuy nhiên, sau khi Nội các Koizumi được thành lập tháng 4/2001, hướng cải cách giáo dục trở nên định hướng nhiều vào chính trị gia kinh tế và công nghiệp (Yonezawa, 2003).

Việc doanh nghiệp hóa đại học công chỉ được thực hiện sau quá trình thỏa hiệp lâu dài giữa các nhóm đảng phái chính trị khác nhau, gồm Văn phòng Thủ tướng, các bộ ngành khác ở Trung ương, MEXT, ngành công nghiệp và bản thân các đại học.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh