Một diễn dàn bàn luận về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông có tên: “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Thời cơ, thách thức và những giải pháp” vừa được Liên hiệp Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 6/10 đã thu hút nhiều giới học giả trong nước.
Bộ GD&ĐT không nên viết sách giáo khoa
GS. Nguyễn Minh Thuyết đặc ra 4 câu hỏi khi đổi mới sách giáo khoa. Thứ nhất, nên thay đổi toàn bộ sách giáo khoa hay chỉ thay đổi những quyển có nội dung không phù hợp? Thay đổi tức thì hay có lộ trình? GS. Thuyết nêu quan điểm phải thay đổi có lộ trình, những quyển nào không dùng được nữa thì nên thay, còn sách nào sử dụng được hãy cứ để đó và đổi mới phương pháp dạy học.
GS. Nguyễn Minh Thuyết trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh Xuân Trung |
Câu hỏi nữa mà GS. Thuyết băn khoăn, Bộ GD&ĐT có nên viết sách giáo khoa không, và câu trả lời của ông là KHÔNG, vì không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của bộ. Nhưng liệu sẽ không có ai viết sách giáo khoa mới hay không? Câu trả lời là Bộ GD&ĐT hãy giao cho một đơn vị trực thuộc (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Việc giao cho đơn vị thuộc Bộ sẽ đảm bảo điều kiện công bằng, bởi Bộ không đủ tiền để làm, lúc đó đơn vị thuộc bộ phải bỏ tiền ra làm, thiếu có thể vay nhà nước và bán sách để trả nợ. “Nhà nước không có tiền đâu để chi cho tất cả các nhóm, các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa. Nhà nước không thể bao cấp đến cùng được” GS. Thuyết cho hay.
Bộ Giáo dục nhiều việc hay ít việc?
(GDVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội đồng loạt phản đối việc giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục chuyên nghiệp thay cho ngành giáo dục.
Vậy, ai được chọn sách giáo khoa? GS. Nguyễn Minh Thuyết đồng ý giao cho trường, nhưng trường ở đây không phải là hiệu trưởng mà phải là bộ môn. Ngoài ra, theo GS. Thuyết, việc tư tưởng đổi mới sách giáo khoa theo phát triển năng lực là đúng nhưng chúng ta cần thực hiện như thế nào, vì còn đổi mới giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, cơ sở vật chất…
GS. Phạm Ngọc Đăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng - Kiến trúc cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay khi làm chương trình và sách giáo khoa là chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo. Chuyện thi cử ở các trường phổ thông hiện này thực tế còn nặng nề hơn đại học. Có thống nhất được chương trình mới tính đến biên soạn sách giáo khoa.
Từng có nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm, GS. Nguyễn Khắc Phi cho biết, lâu nay chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào sách giáo khoa mà chưa chú trọng đúng mức tới chương trình, do đó lần này xây dựng chương trình sẽ phức tạp gấp nhiều lần so với trước. Còn vấn đề thẩm định sách phải đề cao tính công tâm, bởi không chỉ có đánh giá mà còn chọn lựa.
“Tôi đề nghị sách giáo khoa lần này phải ghi tên tất cả những người thẩm định” GS. Phi đề nghị.
GS. Phi cũng cho biết, chương trình sẽ là pháp lệnh, còn sách giáo khoa không thể là pháp lệnh. Bởi trên thế giới cũng chưa có ở đâu nói có bộ sách giáo khoa chuẩn, mà chỉ là tiệm cận chuẩn.
Đến từ Đại học Hàng Hải (Hải Phòng) – GS. Hoàng Xuân Hóa cho biết, nếu có chương trình chuẩn rồi hãy bàn tới sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong bốn khâu “chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ, cơ sở vật chất” thì “chương trình” vô cùng quan trọng.
Việc có được chương trình và lộ trình làm sách giáo khoa như thế nào? Đó là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Quan điểm của GS. Hóa khẳng định, Bộ GD&ĐT không nên viết sách giáo khoa.
Lựa chọn người thực tài để làm sách
Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch Hội khoa học Giáo dục Nghệ An cho biết, khi nói tới làm sách giáo khoa phải căn cứ vào 2 cơ sở, cơ sở thứ nhất là điều kiện của đất nước, và cơ sở khoa học của việc làm sách. Vấn đề đặt ra ai sẽ là người biên soạn sách giáo khoa phổ thông tốt nhất cho các trường? Theo ông Anh, cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế đất nước để giao cho ai làm sách, chứ tuyệt đối không thể giao theo diện cảm tính như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khó khăn và những vấn đề đặt ra khi làm chương trình và sách giáo khoa là phải đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu giáo dục: hình thành và phát triển mô hình nhân cách, những phẩm chất và năng lực học sinh. Ảnh Xuân Trung |
GS. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam bày tỏ, sách giáo khoa mới phải làm được nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Do đó, phải xác định vị trí của chương trình, sách giáo khoa trong quá trình dạy và học. Chương trình là “linh hồn” định hướng cho quá trình dạy và học, do đó một chương trình là hợp lý.
Tuy nhiên, GS. Phạm Thị Trân Châu nhấn mạnh, để triển khai tốt thì khâu kế hoạch, tổ chức và quản lý là quan trọng nhất, đây đang là điểm yếu làm cho nhiều công việc không có kết quả. GS. Châu cũng đề nghị, làm sách cần tập trung trí tuệ, lực lượng, còn việc tập hợp như thế nào là tùy. Nhưng trước mắt phải xây dựng được một chương trình tốt.
“Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc”
(GDVN) - GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói như vậy khi bàn về một năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Trong chương trình thay đổi liệu có cần lưu ý đến năng lực học sinh ở các vùng miền? Trước tiên cần thống nhất một chương trình tối thiểu hay căn bản mà học sinh cần phải có để làm công việc tiếp theo chứ không chỉ để vào đại học. Vậy chương trình mới có cần lưu ý tới các em có tiềm năng để học tiếp trong nước và ngoài nước không? Chỗ này cũng rất quan trọng trong khi làm chương trình” GS. Trân Châu lưu ý.
Cũng theo GS. Châu, đã đổi mới chương trình thì phải đổi mới sách giáo khoa, bà đồng ý đổi mới nhưng phải có kế thừa. “Tôi tha thiết đề nghị, khi làm gì cũng phải có tính kế thừa, muốn kế thừa hãy rà soát lại sách hiện có, chỗ nào không dùng được, yếu thì bỏ đi, còn điểm nào tốt nhất định phải kế thừa. Tất nhiên làm được việc này rất mất công” GS. Trân Châu bày tỏ.
Trao đổi thêm, GS. Phạm Thị Trân Châu cũng tha thiết đề nghị muốn đổi mới, điều đó cần khẩn trương nhưng không thể vội vàng. Và kết quả có tốt hay không quan trọng nhất vẫn là cách tổ chức của Bộ, hãy giao việc đúng người, không bó gọn trong các cơ quan của bộ.
Theo quan điểm của GS. Châu làm sách phải có tổng chỉ huy chuyên trách, người đó phải là người lãnh đạo cao cấp của Bộ. Kinh phí để thẩm định sách giáo khoa, quan trọng là chọn được hội đồng, hội đồng này phải thực chất có quyền và chịu trách nhiệm xứng đáng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khó khăn và những vấn đề đặt ra khi làm chương trình và sách giáo khoa là phải đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu giáo dục: hình thành và phát triển mô hình nhân cách, những phẩm chất và năng lực học sinh. Phải làm sao xác định đúng và có cách tiếp cận phù hợp các đặc trưng của từng lĩnh vực giáo dục, môn học, hoạt động trải nghiệm.
Chương trình và sách giáo khoa được thiết kế tương ứng với hai giai đoạn của giáo dục phổ thông; giai đoạn giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp, và phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa dạy tích hợp và phân hóa. Ngoài ra, chương trình và sách mới phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, phải thể hiện được mục tiêu giáo dục phổ thông, đồng thời đáp ứng nhu cầu và điều kiện của mỗi địa phương, mỗi đối tượng người học, phải tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn được nhiều sách giáo khoa có chất lượng.
Bài tới: Nhiều bộ sách hay nhiều sách giáo khoa và một chương trình?