“Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc”

05/11/2014 06:40
Xuân Trung
(GDVN) - GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói như vậy khi bàn về một năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Để chuẩn bị cho việc tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tiến hành ghi nhận ý kiến từ cơ sở, các chuyên gia và nguyên lãnh đạo quản lý ngành giáo dục.

Mô hình hay nhưng thực hiện có hay?

Trước việc thực hiện tinh thần đổi mới theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, tại một số địa phương áp dụng mô hình trường học mới (viết tắt là VNEN) vào giảng dạy, coi đó là việc làm đổi mới theo xu thế thời đại. 

GS. Nguyễn Minh Đường, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ TB&XH) cho biết, với mô hình trường học mới (VNEN), đây là mô hình mới, hiện đại nhưng chúng ta áp dụng được những gì cho việc đổi mới giáo dục, nếu chúng ta sử dụng chương trình của mình để dạy học theo chương trình của VNEN liệu có thành công? Hoặc dùng chương trình của VNEN để đổi mới dạy học thì liệu có giữ chuẩn đầu ra hay không? 

“Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc” ảnh 1

GS. Trần Hồng Quân: Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc. Ảnh Xuân Trung

GS. Đường cũng cho rằng, nếu giữ chuẩn đầu ra ở chương trình tiểu học như ở ta hiện nay thì không đủ thời gian? Sống trong thế kỷ 21 con người phải có 4 kỹ năng: giáo tiếp, học sinh phải được giao tiếp với bạn bè, xã hội, mọi người, không chỉ nói mà trình diễn, thứ nữa là kỹ năng làm việc theo nhóm, trong một xã hội hiện đại không ai làm một mình. Kỹ năng sáng tạo, phải biết sáng tạo, muốn sáng tạo thì phải có kỹ năng phản biện, phê phán. 

“Khi nhận một tri thức phải biết đúng sai như thế nào, biến tri thức của nhân loại thành của chính mình. Mô hình VNEN là rất tốt, nhưng vấn đề thực hiện như thế nào, muốn thực hiện được căn bản phải thay đổi chương trình, chứ không thể dạy chương trình hiện tại. Và phải thay đổi môi trường dạy học, thời gian dạy học” GS. Đường cho biết.

“Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc” ảnh 2Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục: Chúng ta đã làm được những gì?

(GDVN) - Từ khi Nghị quyết 29 ra đời để đổi mới cải cách toàn diện nền giáo dục, ngành giáo dục đã làm được gì và những gì còn tồn tại?

Có lời khuyên tới các trường thực hiện Nghị quyết 29, theo GS. Nguyễn Minh Đường cần tập trung vào hai vấn đề cơ bản là dạy học theo năng lực, tức là hãy biến những kiến thức trong sách vở như Toán, Lý, Hóa thành những năng lực của mỗi con người, để có thể làm được cái gì đó. 

Làm được vấn đề này không dễ, cần thay đổi chương trình, thay đổi các dạy cách học. Thứ hai là dạy tích hợp, theo GS. Đường sắp tới không dạy Lý, Hóa, Sinh mà dạy Khoa học tự nhiên, không dạy Sử, Địa mà dạy Khoa học xã hội. Giáo viên sẽ không còn Toán, Lý, Hóa hay Văn, Sử, Địa là chỉ còn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, và cái khó nhất làm thế nào để giáo viên có năng lực dạy tích hợp ba môn lại với nhau?

“Do đó, cấu trúc chương trình hãy theo chủ đề. Ví dụ, Trường Sa sẽ thành một chủ đề, động đến Địa lý, Lịch sử, Văn hóa. Dạy tích hợp vấn đề giáo viên hết sức cốt lõi, nếu không tích cực cải tổ sư phạm thì rất khó làm” GS. Đường cho biết.

Cũng theo GS. Nguyễn Minh Đường, không thể bắt giáo viên làm khác với chức năng của họ, bắt giáo viên soạn chương trình, bắt giáo viên soạn bài học tích hợp, tất cả đó không phải là nhiệm vụ của giáo viên mà là Bộ GD&ĐT phải làm, bộ phải xây dựng chương trình tích hợp, chương trình phát triển năng lực và bộ phải có sách giáo khoa để tập huấn cho giáo viên.

Có tội với dân tộc khi giáo dục chậm phát triển

GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, về phía Trung ương có Nghị quyết 29, phía Chính phủ cũng đã có những quyết tâm rất mạnh mẽ để lần này chúng ta đổi mới toàn diện giáo dục. Đó là cơ hội hiếm có cho sự nghiệp giáo dục.

“Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc” ảnh 3

Các chuyên gia, nhà giáo góp ý kiến triển khai Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Giáo dục lâu nay có thuận lợi ở một môi trường, nhân dân hiếu học, dân tộc chúng ta không nhỏ, đứng thứ 13 trên thế giới về dân số, nhưng chúng ta vẫn là một nước yếu. Giáo dục có vai trò tạo sức mạnh cho đất nước bằng sức mạnh trí tuệ. Sau khi giải phóng (đã gần 40 năm) nhưng giáo dục chưa làm được gì. GS. Quân thừa nhận, đó là cái tội, là cái nợ của chúng ta đối với đất nước.

“Lần này là dịp để chúng ta nỗ lực. Với Nghị quyết 29 lâu nay chúng ta đã trả lời được chúng ta cần làm gì, nhưng vấn đề làm như thế nào thì chúng ta vẫn dừng lại. Trước hết là trách nhiệm ở tầm vĩ mô, nhưng ở cơ sở đã có những sự sáng tạo, đó là tâm huyết của các nhà giáo. Còn một câu hỏi, đời sống của giáo viên như thế nào? Đó là câu hỏi không thể không giải quyết trong quá trình đổi mới” GS. Quân cho hay.

“Giáo dục chậm phát triển là chúng ta có tội, có nợ với dân tộc” ảnh 4

“Chưa đánh giá tác động, Quốc hội chưa thể thông qua luật”

(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết hội nhận định như vậy khi phân tích về dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (chuyển đổi từ Luật Dạy nghề).

GS. Trần Hồng Quân bày tỏ, trong giáo dục cơ bản có hai chuyện; nguồn lực và động lực sáng tạo. Nếu có được đường lối chung mà không giải quyết được hai yếu tố này cũng khó phát triển, làm sao làm cho từng cán bộ quản lý, từng nhà giáo muốn sáng tạo, muốn đổi mới. 

Còn việc đi đến dạy tích hợp như thế nào, GS. Trần Hồng Quân cho rằng, việc dạy tích hợp không chỉ tích hợp về kiến thức mà cần tích hợp về kỹ năng. 

“Với Nghị quyết lần này, với sự quyết tâm chung của toàn hệ thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ chắc chắn chúng ta sẽ làm được cái gì đó to lớn để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” GS. Trần Hồng Quân tin tưởng.

Chia sẻ thêm, GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, giáo dục toàn diện với học sinh, trong đó phải tạo cho các em sự tự tin trước xã hội. Qua đây, GS. Long có kể câu chuyện vui nhưng cũng nói lên nhiều điều suy ngẫm. “Khi tôi là trưởng ban tổ chức Olympic Vật Lý quốc tế (năm 2008), gần 100 nước tham dự, học các nước đến và buổi ấn tượng nhất là buổi liên hoan, học sinh các nước tự tin lên hát, nhảy múa mang đậm sắc dân tộc họ, riêng học sinh chúng ta không làm được điều đó. Do đó, từ cấp mẫu giáo trở lên cũng phải xây dựng cho các em sự tự tin, và giáo dục toàn diện” GS. Long chia sẻ.

Nhận định về công tác triển khai Nghị quyết 29 tại các cơ sở, GS. Bành Tiến Long vui mừng cho rằng, ở các cơ sở đang có một sự chuyển động thực sự chứ chưa nói tới kết quả. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có những cái khó, khó nhất làm sao thay đổi được tư duy giáo viên để đổi mới, đã thay đổi rồi thì hành động như thế nào? 

Xuân Trung