Đổi mới giáo dục là liên tục, phải kiên trì, bền bỉ, không được sốt ruột

19/09/2018 08:50
Thùy Linh
(GDVN) - Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội nêu một số ưu điểm và hạn chế, bất cập của giáo dục Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29.

Ngày 18/09, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”. 

Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn- Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của con người và đất nước. 
 
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sau đó được Chính phủ cụ thể hoá thành các Chương trình hành động triển khai Nghị quyết.

Trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội về 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW, các nghiên cứu đã tổng kết lý luận và kinh nghiệm, khảo sát hơn 2500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học;

Trao đổi, phỏng vấn được trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1000 học sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh.

Nhóm nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập hợp các cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành và các cơ quan trong khoảng thời gian 5 năm.

Đồng thời, tập trung khảo sát, làm rõ và đánh giá những thay đổi, chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29 với 3 chủ đề: Những đổi mới về tự chủ đại học; Đổi mới về thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; Đổi mới trong giáo dục phổ thông.

Đối với giáo dục phổ thông, thay mặt nhóm, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: 

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự chuyển biến về giáo dục phổ thông trong 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29, ở góc độ nào đó, chất lượng giáo dục phổ thông, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới và đã được Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Đổi mới giáo dục là liên tục, phải kiên trì, bền bỉ, không được sốt ruột ảnh 1Những lời bàn sâu sắc của thầy Tạ Quang Sum về thi quốc gia

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của giáo dục phổ thông là một bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo.

Ví như khả năng thích ứng và sức ì của một bộ phận giáo viên cản trở việc việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Chương trình mới đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu; Chương trình hiện hành đang còn chú trọng về nội dung kiến thức. 

Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ về chính sách như: Chính sách về trường chuẩn nhưng chi phí cho cơ sở vật chất chưa theo kịp; Chính sách về chuẩn giáo viên nhưng chính sách về đào tạo và bồi dưỡng chưa theo kịp.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước: Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ; Tăng cường xã hội hóa.

Điều chỉnh lương cho giáo viên theo tiếp cận nhu cầu, vị trí việc làm. Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý các kiến thức quản trị cập nhật, thực tiễn đáp ứng chuẩn.

Thiết kế chương trình phổ thông tăng cường tính cá nhân hóa; chọn lựa môn học; Sự triển khai chương trình cần theo lộ trình và căn cứ vào điều kiện vùng miền…

Tại hội thảo, đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới thi và kiểm tra, Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục cho rằng, Nghị quyết 29 được thể chế hoá bằng chính sách ở tất cả bậc đào tạo:

Trọng tâm định lượng sang trọng tâm định tính ở bậc tiểu học; Đánh giá tổng kết – đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra đối với bậc trung học và đại học.

Duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Theo đó, tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; Kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; Tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện: tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn...

Đổi mới giáo dục là liên tục, phải kiên trì, bền bỉ, không được sốt ruột ảnh 2Để giao quyền tự chủ đại học, nhà trường phải đạt kiểm định chất lượng

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, đổi mới thi và kiểm tra đánh giá vẫn thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá:

Chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức; Số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; Tâm lí thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.

Một số chương trình đào tạo giáo viên trước đây chưa có chuyên đề riêng biệt về kiểm tra đánh giá. Tổ chức kì thi trung học phổ thông quốc gia: Vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị cơ quan quản lý, thể chế hoá chính sách; đồng bộ chương trình và chính sách kiểm tra đánh giá; Quy định về số lượng học sinh/lớp phù hợp với đánh giá năng lực; Đẩy mạnh công tác tư vấn, phân luồng, giảm áp lực thi cử.

Nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, đặc biệt là năng lực kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, tiếp tục duy trì mô hình thi quốc gia để đảm bảo tính ổn định, phát huy những điểm tích cực. Bên cạnh đó, cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp; hoàn thiện kĩ thuật; Điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát…

Công khai dạng thức và đề thi trên mạng, học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản; xét tốt nghiệp kết hợp giữa điểm tích luỹ môn học và đánh giá năng lực cơ bản; khuyến khích các trường xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan đến ngành đào tạo.

Đối với vấn đề tự chủ đại học, thay mặt nhóm nghiên cứu Phó giáo sư Nguyên Xuân Huy, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi thực hiện Nghị quyết 29, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm sinh viên...

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế của tự chủ đại học là: Cơ sở pháp lý về tự chủ đại học hiện nay thiếu đồng bộ, chồng chéo; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp;

Vai trò kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn trong các nội dung như: bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng; Quyết định biên chế, lương; Định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học.

Vai trò của cơ quan chủ quản, ban giám hiệu và hội đồng trường trong quản trị đại học chưa rõ ràng. Văn bản hướng dẫn về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học không có cơ quan chủ quản vẫn chưa được ban hành.

Cơ chế tài chính chưa chuyển đổi kịp thời so với yêu cầu thực tiễn; Chưa tạo được cơ chế tài chính đặc thù cho phép các cơ sở giáo dục chủ động áp dụng các chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực xuất sắc, chất lượng cao.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị các cơ quan quản lý tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định rõ quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; làm rõ nội dung tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để bảo đảm bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Hoàn thiện xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ giáo dục đào tạo và thực hiện cơ chế tự chủ.

Tăng cường thí điểm, xây dựng lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm theo quy định pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các trường đối với chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Thúc đẩy trách nhiệm giải trình của trường đại học với các bên liên quan và xã hội.

Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường đồng thời triển khai kiểm định chất lượng trường và chất lượng chương trình đào tạo ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Các trường đại học chủ động tham gia các bảng xếp hạng đại học do các tổ chức quốc tế thực hiện.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. (Ảnh: Lê Cường)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, đây cũng là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. (Ảnh: Lê Cường)

Với một nghị quyết lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW, để đi vào cuộc sống và nhìn thấy được kết quả rõ ràng thông thường cần phải 10 năm.

Nhìn nhận về đổi mới giáo dục cần thấu đáo, toàn diện và không thể sốt ruột.

Có nhiều việc cần phải giải quyết ngay trước mắt, nhưng nhiều việc phải lâu dài. Nhiều việc đã làm nhưng chưa thể hiện được kết quả.

Đánh giá cao và khẳng định vai trò quan trọng của việc tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho biết, để xây dựng được một chính sách, cao hơn là tầm chiến lược về giáo dục, không thể không có nghiên cứu sâu, đánh giá thực tiễn, không thể không có tư vấn của các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tầm nhìn dài hạn.

Triển khai Nghị quyết 29 đến nay đã có hàng chục đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau được thực hiện, từ đó làm cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ trưởng, đây là bước chuyển quan trọng.

"Tôi có chỉ đạo các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo không tham gia sâu vào nghiên cứu nhưng phải phối hợp chặt chẽ, phải lắng nghe, để chắt lọc, xây dựng chính sách dựa trên các minh chứng . Đây có thể là một bước tiến, ít người biết nhưng thực tế đang diễn ra" - Bộ trưởng chia sẻ. 

Đánh giá cao Ban chủ nhiệm đề tài, các nhà khoa học và các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe, tiếp thu, cùng lĩnh hội các đề xuất, cùng phối hợp để các chính sách đề xuất có tính thiết thực, khả thi, hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn.

Thùy Linh