LTS: Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô chia sẻ bài viết đưa ra những góp ý chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Luật Giáo dục được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/06/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2006, thay thế Luật Giáo dục năm 1998.
Ngày 25/11/2009 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (số 44/2009/QH12).
Ngày 1/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8, ngày 28/11/2014 đã thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết số 88/2014/QH13).
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã đề ra đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn mới trong đó có giáo dục và đào tạo.
Ngày 27/7/2017, Ban chỉ đạo Chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để bắt đầu thực hiện từ năm 2019.
Như vậy từ năm 2009 đến nay đã có nhiều chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi nên việc xem xét sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005 là cấp thiết.
Tiến sĩ Võ Thế Quân đề nghị phổ cập giáo dục mầm non từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại |
Xin được kiến nghị một số nội dung sửa đổi, bổ sung như sau:
I. Về phổ cập giáo dục
● Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (số 44/2009/QH12) đã quy định sửa đổi Khoản 1 Điều 11 của Luật Giáo dục như sau:
“1. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.
● Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Thực tế cho thấy khi thực hiện phổ cập mầm non trẻ em 5 tuổi, các trường mầm non công lập đều ưu tiên cho trẻ em 5 tuổi nên số trẻ em dưới 5 tuổi vào học bị suy giảm vì số lượng chỗ học có hạn.
Đó là một nguy cơ cho chất lượng giáo dục mầm non và ảnh hưởng tới sự phát triển giai đoạn đầu đời của trẻ em.
Còn nhiều em nhỏ không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí |
Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi được khoa học giáo dục hiện đại xác nhận là giai đoạn vàng trong sự phát triển của đời người.
Vì vậy đề nghị toàn bộ giáo dục mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi) phải được coi là bậc học phổ cập.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội: “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng” (Điều 34, khoản 1).
Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo điều kiện cho phổ cập giáo dục mầm non vì tương lai phát triển của các thế hệ người Việt Nam.
●Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung
Xin đề nghị sửa lại Khoản 1 Điều 11 như sau (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
“1. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.
Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.
II. Về giáo dục phổ thông
●Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung: Điều 31.
●Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Từ Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII được thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; từ Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dẫn tới một số nhận thức sau:
1. Học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (lớp 9) là đã hoàn thành chương trình “giáo dục cơ bản” và phải “phân luồng mạnh sau Trung học cơ sở”.
Hiện nay theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, trong đó tỉ lệ vào học Trung học phổ thông chiếm 70%, học bổ túc Trung học phổ thông hơn 8%, học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề hơn 5%, tham gia thị trường lao động khoảng 15%.
Theo Chỉ thị số 10 CT/TW ngày 4/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa X): Đến 2020 thực hiện mục tiêu phân luồng 30% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đi học nghề.
Nhà nước không lo cho trẻ mầm non 3 tháng đến 6 tuổi tới trường thì ai sẽ lo? |
Đây là bài toán khó cho ngành giáo dục, là điểm nghẽn lâu nay trong phân luồng sau Trung học cơ sở.
Cần tìm chìa khóa giải quyết vấn đề này ngay từ Luật Giáo dục.
Vì vậy xin kiến nghị:
Để đảm bảo chất lượng và đánh giá đúng trình độ học vấn phổ thông của học sinh sau khi học xong Trung học cơ sở cần tổ chức một kỳ thi nghiêm túc gọi là Kỳ thi Tốt nghiệp chương trình giáo dục cơ bản (có thể gọi là Kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở).
- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi, ra đề thi và xét duyệt kết quả thi.
-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng Tốt nghiệp chương trình giáo dục cơ bản (hoặc Bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở).
-Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi và giám sát, thanh tra về tổ chức thi.
- Văn bằng tốt nghiệp, chương trình giáo dục cơ bản (tốt nghiệp Trung học cơ sở) là cơ sở để chủ động phân luồng từ phía người học và từ nhu cầu xã hội vì vậy nên phân loại trình độ: Giỏi, Khá, Trung bình.
Có thể xem đây là chìa khóa để phân luồng sau Trung học cơ sở (ví dụ: Học sinh tốt nghiệp loại Giỏi, Khá có thể học lên Trung học phổ thông, tốt nghiệp loại Trung bình vào học nghề).
2. Ở bậc Trung học phổ thông là giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp”.
Học sinh lớp 10, 11,12 được tự chọn học 5 (mỗi nhóm ít nhất 1 môn) trong tổng số 9 môn học tự chọn (các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp …).
Học sinh được lựa chọn môn học định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, các chuyên đề học tập cũng đa dạng hơn; như vậy trình độ học sinh đã được phân hóa theo yêu cầu “giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông cho chất lượng” (Nghị quyết số 44/2009/QH12).
Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những vấn đề “nóng” Bộ Giáo dục cần giải quyết |
Do đó khi học hết lớp 12 học sinh có vốn kiến thức văn hóa hoàn toàn khác nhau theo các chương trình khác nhau (tạm gọi là chương trình học tập cá nhân).
Do chương trình học tập đa dạng nên cần nghiên cứu việc học và kiểm tra theo hình thức tín chỉ, học sinh hội tụ đủ các tín chỉ cần thiết theo quy định sẽ được công nhận hoàn thành chương trình Trung học phổ thông.
Chính vì vậy không thể và không cần tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như cách làm hiện nay (theo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017).
Vì vậy xin kiến nghị:
- Bỏ Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia theo cách làm và cách tổ chức hiện nay.
Kỳ thi này chỉ tiếp tục thực hiện đến năm 2023 dành cho khóa học sinh lớp 12 cuối cùng học theo chương trình hiện hành.
- Từ khi có học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình mới (năm 2024) thì Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học phổ thông sau khi đã được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
-Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế về việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học phổ thông.
Đại biểu Ngô Thị Minh và hai điều băn khoăn về dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục |
3. Các trường Đại học, Cao đẳng tự chủ tuyển sinh theo Quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Luật Giáo dục đại học.
4.Sau khi học sinh đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học, Hiệu trưởng cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học để thuận tiện cho việc quản lý hồ sơ xác nhận kết quả học tập của học sinh. Hiện nay Hiệu trưởng xác nhận vào học bạ của học sinh tiểu học.
Theo các đề xuất này vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân cấp mạnh về quản lý giáo dục cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, các trường Đại học, Cao đẳng;
Tăng quyền tự chủ của các nhà trường trong việc đảm bảo tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo.
Cơ chế mới này cũng đảm bảo tính phân luồng mạnh sau Trung học cơ sở, phân luồng sâu sau Trung học phổ thông diễn ra phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
Phương án trên đáp ứng đúng yêu cầu căn bản, đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
● Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung.
Từ những lập luận trên xin đề xuất việc sửa đổi Điều 31 của Luật Giáo dục như sau (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
1. Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường tiểu học cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học.
2. Học sinh học hết chương trình Trung học cơ sở phải tham gia kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục cơ bản (Bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở) cho các học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học phổ thông.
III. Về cơ chế tài chính cho giáo dục
Đề nghị 1:
●Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung: Khoản 1, Điều 105.
●Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
1. Theo Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) thì trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí về Bảo hiểm y tế.
Theo Luật Giáo dục hiện hành thì học sinh tiểu học được miễn học phí. Như vậy học sinh mầm non phải đóng học phí.
Cách tính học phí hiện nay đang bất cập và cản trở tự chủ đại học |
Điều này không hợp lý ở chỗ học sinh mầm non phải đóng học phí, học sinh tiểu học được miễn học phí.
Học sinh mầm non được miễn phí về Bảo hiểm y tế nhưng lại phải đóng học phí.
Nhà nước cần đảm bảo việc giáo dục miễn phí cho học sinh tiểu học và trẻ em mầm non.
Đây là một việc làm cần thiết để đảm bảo tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với tiềm lực kinh tế hiện nay và tính nhân văn của chế độ chính trị, chúng ta có đủ quyết tâm chính trị và đủ khả năng tài chính để thực hiện việc này.
Điều đáng nói là từ thời kỳ chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và giai đoạn rất khó khăn sau giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc chúng ta vẫn làm được thì ngày nay không có lý gì chúng ta không làm được.
●Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
Để giải quyết những bất cập trên đây xin đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 105 Luật Giáo dục như sau:
“Học sinh mầm non (từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi) và học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí”.
Nếu nhà nước có đủ điều kiện kinh tế thì có thể mở rộng việcmiễn học phí đến hết bậc Trung học cơ sở, nhưng ở giai đoạn hiện nay cần ưu tiên miễn học phí đối với bậc mầm non trước.
Đề nghị 2:
●Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung: Điều 102.
●Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Để đảm bảo công bằng về phúc lợi xã hội đối với học sinh trường công lập và trường ngoài công lập đề nghị Nhà nước nghiên cứu việc cấp kinh phí cho người học từ mầm non đến hết bậc Trung học phổ thông như nhau cho mọi học sinh.
Xin được gọi kinh phí này là phúc lợi giáo dục.
Nhà nước chuyển kinh phí này về nơi học sinh học (trường công lập hoặc ngoài công lập).
Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo điều kiện các trường ngoài công lập giảm học phí cho học sinh (vì đã được Nhà nước cấp một phần kinh phí học tập cho học sinh).
Muốn thoát ly Bộ, các trường phải tự chủ và có trách nhiệm giải trình |
Học sinh trường ngoài công lập hiện nay không được hưởng phúc lợi xã hội về giáo dục.
Hiện nay học sinh trường ngoài công lập đang phải đóng học phí cao, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình; trong khi học sinh trường công lập đóng học phí rất thấp, lại được Nhà nước cấp kinh phí cho từng học sinh với mức độ khác nhau tùy từng địa phương.
●Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
Xin đề nghị bổ sung vào Khoản 4 Điều 102:
“4. Nhà nước dành một khoản ngân sách gọi là phúc lợi giáo dục cấp cho tất cả học sinh đang học tập trong các trường công lập, dân lập, tư thục một khoản tiền như nhau theo từng bậc học mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Kinh phí này được chuyển trực tiếp đến nhà trường nơi học sinh theo học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính phối hợp hướng dẫn thực hiện nội dung này”.
IV. Về chính sách đối với trường dân lập, tư thục.
●Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung: Điều 68
●Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Để tạo điều kiện cho các trường dân lập, tư thục thực hiện chính sách phổ cập giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục Trung học phổ thông định hướng nghề nghiệp, Nhà nước cần tạo điều kiện ưu đãi về thuế và tín dụng để tạo thuận lợi cho các trường này phát triển góp phần thực hiện sự nghiệp phát triển giáo dục.
Xin đề nghị Nhà nước không thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các trường dân lập, tư thục bậc mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Khoản kinh phí này để các trường thực hiện tái đầu tư phát triển.
●Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
Xin đề nghị bổ sung vào Điều 68 như sau:
“Trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo đơn đặt hàng, được hưởng các chính sách về thuế và tín dụng, Nhà nước không thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các trường dân lập, tư thục bậc mầm non,tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để các trường tái đầu tư phát triển.
Trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 89 của Luật này.
Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, tư thục”
V. Hợp tác quốc tế về giáo dục
●Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung: Điều 109
●Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đảm bảo việc đào tạo nền tảng phát triển các thế hệ người Việt Nam theo truyền thống văn hóa, bản sắc Việt Nam, Nhà nước thực hiện chính sách bảo hộ đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; người nước ngoài không được dạy chương trình nước ngoài trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Việt Nam.
Các trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Khuyến khích người nước ngoài dạy nghề, mở trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam.
Chương trình học tập trong các trường do người nước ngoài đầu tư phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn.
●Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
Xin đề nghị bổ sung vào Điều 109 nội dung sau:
“Nhà nước thực hiện chính sách bảo hộ đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Người nước ngoài không được dạy chương trình nước ngoài trong các trường mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở Việt Nam”.
VI. Về điều kiện thành lập trường
● Nội dung Luật Giáo dục cần sửa đổi, bổ sung: Mục 1 Điều 50
●Cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung:
Hiện nay tên gọi của một số nhà trường có biểu hiện lai căng lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt, không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, thiếu tính văn hóa và tính giáo dục trong tên trường.
Vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ban hành quy định về việc đặt tên trường để đảm bảo truyền thống văn hóa Việt Nam và sự trong sáng của tiếng Việt.
●Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (phần in đậm là nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung):
Xin đề nghị bổ sung vào mục 1, Điều 50 nội dung sau:
“c) Tên gọi của trường phải đảm bảo truyền thống văn hóa Việt Nam và sự trong sáng của tiếng Việt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đặt tên trường”.
Kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét để việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này đáp ứng các yêu cầu về đổi mới giáo dục, đào tạo và phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần định hướng sự phát triển, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Tóm tắt:
Trên cơ sở phân tích tính pháp lý và thực tiễn thực hiện Luật Giáo dục hiện hành, tác giả đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục:
Phổ cập giáo dục mầm non (cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi);
Học hết chương trình Trung học cơ sở phải tham gia kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức để cấp Bằng tốt nghiệp chương trình giáo dục cơ bản (Bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở), Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học phổ thông;
Bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia theo quy chế hiện hành;
Thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;
Nhà nước dành ngân sách gọi là phúc lợi giáo dục cấp cho tất cả học sinh từ mầm non đến Trung học phổ thông theo mức quy định thống nhất dù học sinh học ở trường công lập hoặc ngoài công lập;
Không thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập để tái đầu tư phát triển;
Nhà nước thực hiện chính sách bảo hộ đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông…