Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện

14/12/2017 08:08
Thuận Phương
(GDVN) - Chúng tôi chưa thấy phòng giáo dục và đào tạo địa phương nào đề xuất được các giải pháp thiết thực trong cải cách quản trị và nâng cao chất lượng giáo dục.

LTS: Xung quanh đề xuất của thầy giáo Bùi Nam về việc giải tán các phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện trên cả nước để tinh giản biên chế, cô giáo Thuận Phương có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình, lý giải các nguyên nhân.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc và mong muốn tiếp tục nhận được các bài viết phân tích đa chiều xung quanh vấn đề tinh giản bộ máy quản lý và đổi mới quản trị giáo dục từ các thày cô giáo, các chuyên gia và các nhà quản lý.

Bài viết xin vui lòng gửi về tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Xin chân thành cảm ơn!

Đề xuất “giải tán phòng giáo dục ở các quận, huyện” của thầy Bùi Nam đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 12/12/2017 đã nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận xã hội. 

Hàng trăm lời bình luận đều ủng hộ đề xuất giải tán phòng giáo dục, rất nhiều người cho rằng đây là một giải pháp hay, thiết thực. 

Trong rất nhiều lời bình luận có không ít là ý kiến của đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng và đặc biệt là chính cán bộ hiện đang làm việc tại phòng giáo dục. 

Có ai tự hỏi, vì sao những đề xuất của thầy Bùi Nam lại được nhiều người ủng hộ đến thế?

Đơn giản chỉ vì thầy nói quá đúng. Bài viết đã nói lên được những ý mà nhiều người đã thấy và đã từng nghĩ như thế nhưng lại chưa ai dám đề xuất.

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Bạn đọc Hải Triều có ý kiến: “Phòng giáo dục chỉ là khâu trung gian toàn tổ chức thi thố với thao giảng tốn kém tiền, thời gian mà chỉ là hình thức”. 

Bạn Phamchi cho rằng: “Bỏ càng sớm càng tốt. Đừng nói là phòng cấp quận huyện giải quyết được gì cho trường hay toàn gây áp lực này nọ. Các ông bà hiệu trưởng làm được hết. 

Khi không có phòng giáo dục có ông bà hiệu trưởng nào xin nghỉ vì không có Phòng giáo dục tôi không làm được việc hay không hoàn thành nhiệm vụ không?

Mặt khác họ còn chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề ở trường, phát huy được năng lực của bản thân vì một số định hướng trên trời của cấp trên”. 

Từ kinh nghiệm của mình, bạn đọc Q. Trung chia sẻ: 

“Tôi là một hiệu trưởng, khi đọc bài này, tôi thấy rất đúng. Quản lý giáo dục của ta hiện nay quá nhiều tầng nấc trung gian, gián tiếp. 

Điều đó đã trói chân, trói tay các nhà trường, khiến cho các nhà trường không thể sáng tạo, không thể đổi mới. 

Mỗi giáo viên biệt phái làm việc ở phòng giáo dục trong vai trò là chuyên viên đều tự cho mình cái quyền chỉ đạo các nhà trường chứ chưa nói đến cán bộ, công chức của phòng. 

Vì thế, quyền tự chủ của nhà trường chỉ là hư danh. Nếu không giải tán cấp phòng giáo dục thì các nhà trường không bao giờ có quyền tự chủ thực sự”.

Bạn Nguyễn Minh Tú nói:

“Tôi đồng ý cao về quan điểm giải tán phòng giáo dục là hợp lí vì hiện nay tôi thấy vai trò của phòng giáo dục chỉ làm khó cho hoạt động của trường, thậm chí còn gây áp lực cho hiệu trưởng nếu không làm theo ý họ."

Bạn Long Phan cho biết:

“Mình làm chuyên viên phòng giáo dục mấy năm, thấy nhạt quá xin về trường. Nay đọc bài này thấy trùng suy nghĩ ngày trước của mình. Nên bỏ phòng giáo dục là đúng.”

Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của phòng giáo dục và đào tạo

Gồm ban lãnh đạo (1 trưởng phòng và 2 cấp phó) cùng một số bộ phận sau:

Văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch - tài chính, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục, công đoàn, Đoàn - Đội, nghiệp vụ thư viện - thiết bị, thi đua khen thưởng…

Công việc chủ yếu của phòng giáo dục thời gian này (khi đã phân cấp quản lý đối với lĩnh vực giáo dục) là làm theo và phục tùng tuyệt đối mọi chỉ đạo của sở giáo dục. 

Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện ảnh 2

Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện

Ví như những công văn, những quyết định từ sở giáo dục gửi về, phòng giáo dục sẽ sao chép gửi về các trường và tổ chức thực hiện. 

Chẳng hạn, sở chỉ đạo việc ra đề theo Thông tư 22, tổ chức chia sẻ và giao lưu giữa các trường trong toàn tỉnh. Phòng giáo dục sẽ chỉnh sửa công văn chỉ đạo việc ra đề theo Thông tư 22, tổ chức chia sẻ và giao lưu giữa các trường trong toàn huyện. 

Hay như việc sở sẽ tổ chức thi học sinh giỏi giải toán trên mạng vào tháng 3. Phòng sẽ chỉnh sửa công văn gửi về các trường chuẩn bị tổ chức thi học sinh giỏi cấp huyện vào tháng liền kề trước đó để lấy nòng cốt tham gia cấp tỉnh;

Tỉnh tổ chức thi giáo viên dạy giỏi tỉnh vào tháng 12, phòng sẽ tổ chức thi cấp thị vào tháng 11…

Có nghĩa phòng giáo dục cũng chờ những công việc chỉ đạo từ tỉnh để nhất nhất tuân theo. Vì kiểu chỉ đạo dây chuyền này, giáo viên, học sinh phải tham gia đến hai lần một kì thi. 

Trước đây, phòng nắm việc tuyển dụng giáo viên, điều chuyển giáo viên từ trường này tới trường khác. Trưởng phòng cùng với kế toán duyệt chi thường xuyên, chi hoạt động ngân sách cho các trường.

Nay những công việc này đã được bàn giao cho ủy ban nhân dân huyện.
Công việc chính của phòng giáo dục hiện nay chỉ là thanh kiểm tra chuyên môn các trường học. 

Có rất nhiều nội dung kiểm tra như kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra chuyên môn, kiểm tra việc thực hiện các phong trào thi đua, kiểm tra tài chính, kiểm tra phổ cập…

Tuy kiểm tra nhiều như thế nhưng hầu như chưa bao giờ phòng giáo dục phát hiện ra việc lạm thu ở các trường. Những trường hợp bị phát hiện toàn nhờ có đơn kiện hoặc do báo chí đưa tin. 

Ngoài ra, phòng còn thành lập các tổ cốt cán để đi về các trường dự giờ thăm lớp, đi học các chuyên đề, các phương pháp dạy học mới;

Tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán, tổ chức các buổi giao lưu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm;

Làm cầu nối cho sở giáo dục bán sách giáo khoa về các trường, bán văn phòng phẩm như giấy bút, các loại hồ sơ như học bạ, sổ báo giảng, sổ chủ nhiệm…

Phòng luôn đứng ra tổ chức các hội thi cho giáo viên và học sinh. 

Nào là thi giáo viên giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách Đội giỏi, thi tìm hiểu pháp luật, thi phòng chống bạo lực gia đình, thi tìm hiểu mối quan hệ Việt - Lào, thi gia đình hạnh phúc…

Ngoài các cuộc thi học sinh giỏi trên giấy, còn khá nhiều cuộc thi trên mạng, thi hùng biện tiếng Anh, thi chỉ huy Đội giỏi, thi tìm hiểu Lịch sử, thi tiếng hát tuổi hồng, thi tiếng hát dân ca, thi Tôi yêu Văn học…

Hỗ trợ không bao nhiêu gây áp lực là chủ yếu

Một trong những câu chuyện gây bức xúc nhất trên mạng xã hội là chuyện Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi công văn đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đóng trên địa bàn với nội dung: 

Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Các thành phần “lễ tân” này, thường được lập dựa trên “đề cử” sẵn từ các đơn vị.

Văn bản vô tình bị lợi dụng, khiến hàng chục giáo viên trở thành "lễ tân” trong các cuộc liên hoan, ăn uống của cán bộ và những vị khách của lãnh đạo thị xã. 

Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện ảnh 3

Nên sáp nhập các trường tiểu học dưới 10 lớp trong cùng một xã

Báo Người đưa tin cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

Báo còn dẫn lời một giáo viên mầm non ngậm ngùi: 

“Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ.

Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".

Giải thích điều này, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh xác nhận: Có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. 

"Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".[1]

Việc lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ ra các văn bản dưới hình thức “gợi ý” nhằm ép ủng hộ từ thiện khiến nhiều giáo viên, học sinh bất bình.

Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương này không phản đối còn tiếp tay yêu cầu hiệu trưởng các trường triển khai và thực hiện. 

Đối với cán bộ quản lý vận động ủng hộ tối thiểu từ 1.000.000 đồng/1 người trở lên. Giáo viên, nhân viên vận động ủng hộ tối thiểu từ 1 ngày lương/người.

Chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Lập là đơn vị hiểu rõ nhất nguồn cơn do các chỉ tiêu của họ ấn xuống gây áp lực cho trường học. 

Thế nhưng chuyện vỡ lở (do truyền thông phát hiện), Hội đồng sư phạm trường đã tổ chức cuộc họp vào ngày 23.10 với sự tham gia của đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Lập lại ra quyết định khiển trách giáo viên đứng lớp. [2]

Chuyện cô Lưu Mai Yến, giáo viên tiểu học thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) dù đang bị khá nhiều bệnh nhưng vẫn bị mời lên làm việc về nguyện vọng thuyên chuyển.

Quá bức xúc cô đã ngất xỉu ngay trước mặt Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều cán bộ. Khi trả lời báo chí, ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định Phòng thuyên chuyển đúng quy trình và hợp lý. [3]

Rào cản quyền tự chủ của hiệu trưởng và giáo viên bị Phòng khống chế

Nói về vai trò của phòng giáo dục đối với nhà trường, một hiệu trưởng xin được giấu tên nói rằng “Hỗ trợ không bao nhiêu gây áp lực là chủ yếu”. 

Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện ảnh 4

Đội ngũ “cầm tay chỉ việc” giáo viên từ phòng lên bộ có nên cắt bỏ?

Thế nên ý kiến của vị hiệu trưởng này không cần tồn tại phòng giáo dục nữa vì nhà trường sẽ mất dân chủ, hiệu trưởng mất quyền tự chủ vì làm gì cũng sợ. 

Phòng chỉ đạo kiểu “dài tay” (tham gia bất cứ điều gì ở ngay cơ sở) thế nên hiệu trưởng không dám làm những điều họ không đồng tình. 

Cái câu “phòng nói thế này, phải làm thế kia…nghe hoài nên thấy chán” đã quen thuộc với nhiều vị hiệu trưởng. 

Cô HL một Hiệu trưởng trường tiểu học nói với người viết bài này:

“Phòng can thiệp quá sâu vào chuyên môn của trường. Một số chuyên viên chỉ giỏi lý thuyết nhưng sẵn sàng ra lệnh các trường phải dạy theo ý của mình.

Giáo viên phản đối nhưng Ban Giám hiệu đành phải giải thích rằng “đó là phòng chỉ đạo”.

Không chỉ Ban Giám hiệu bị vô hiệu hóa mà chính giáo viên cũng bị phòng giáo dục cầm tay chỉ việc. 

Giáo viên hằng ngày dạy học sinh, chính thầy cô hiểu rõ nhất năng lực tiếp thu của học sinh mình để sử dụng phương pháp dạy học nào đạt hiệu quả. 

Thế nhưng dự giờ cán bộ chuyên viên của phòng chỉ biết mở sách giáo khoa để soi và phán:

“Dạy thế học trò thụ động, không phát huy được tính tích cực của các em. Sao không dạy thế này?”

Sau đó vị ấy chỉ đạo ngay Ban Giám hiệu nhà trường phải triển khai học tập lại chuyên đề, phương pháp vì “giáo viên nắm còn lơ mơ quá”.

Dù không phục, không đồng tình nhưng nhà trường buộc phải làm theo vì “phòng đã chỉ đạo thế”.

Mỗi đợt thanh tra, các thành viên thanh tra đã được chuyên viên phòng chỉ đạo lấy hồ sơ sổ sách làm căn cứ đánh giá tổ chuyên môn, đánh giá giáo viên. 

Họ săm soi từng con chữ, từng dấu chấm câu để bắt bẻ. Thế nên sau mỗi đợt thanh kiểm tra giáo viên lại bù đầu chỉnh sửa hồ sơ theo “ý kiến chỉ đạo” của chuyên viên phòng.

Trong thực tế, có không ít những chỉ đạo từ trên xuống mà giáo viên rất khó thực thi, khi họ có ý kiến với chuyên môn trường thì luôn nhận được câu trả lời “để hỏi chuyên môn phòng Giáo dục”. 

Chuyện chưa dừng ở đó, đôi khi phòng cũng phải xin ý kiến của chuyên môn sở giáo dục. 

Hay trường phổ biến về chuyên môn nhưng khi giáo viên hỏi sao phải thế này mà không là thế kia? Câu trả lời vẫn thường là: Thầy…(cô)…(tức chuyên viên phòng) bảo thế. 

Một điều bất hợp lý giáo viên là người trực tiếp giảng dạy nhưng không có quyền tự quyết là dạy như thế nào cho có chất lượng, vẫn buộc phải theo những chỉ đạo đôi khi chỉ có trong sách vở của không ít chuyên viên chưa một ngày đứng lớp.

Hay việc học sinh lớp 1 chưa biết âm vần vẫn buộc phải ngồi học nhóm như phương pháp VNEN. Giáo viên giảng dạy lớp 1 kịch liệt phản đối vì học sinh chưa biết gì mà ngồi theo nhóm sẽ học thế nào? 

Điều này đã được minh chứng qua một thời gian thử nghiệm, các em học yếu hơn kiểu ngồi học truyền thống. 

Thế nhưng Ban giám hiệu nhất quyết “Phòng chỉ đạo thế ai dám không làm?” Thế rồi, giáo viên dù ấm ức cũng chẳng ai dám không theo.

Hãy nghe tâm sự của cô Lại Thị Thỏa, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chia sẻ trên Báo Nhân Dân ngày 13/9 vừa qua:

“Lúc đó, tất cả cán bộ, giáo viên các trường tiểu học trong toàn huyện tập trung về Trường tiểu học Tự Tân để xem các tiết giảng mẫu trong ba buổi. Sau đó, tự về trường triển khai.

Ngay tại các buổi tập huấn, nhiều giáo viên đã phàn nàn, lắc đầu về phương pháp dạy và học như đi chơi, quá xem nhẹ kiến thức, nhất là đặt vai trò của thầy, cô giáo là phụ, còn học sinh là chủ thể, tự tìm hiểu, tự học”.

Do công tác tuyên truyền làm vội vàng, chưa đến nơi đến chốn nên hầu hết giáo viên triển khai mô hình VNEN gặp khó khăn, những người yếu năng lực khó thích nghi sẽ phản ứng. 

Đây là mô hình không bắt buộc, nhưng do bị trên ép xuống phải tổ chức thực hiện để có phong trào, nên phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Bình chỉ triển khai ở một vài khối lớp. 

Khi có đoàn kiểm tra xuống thì giáo viên và học sinh “diễn” cho tròn trịa, không dám có ý kiến phản hồi. [4]

Hiện nay phòng giáo dục và đào tạo đã được phân cấp “là cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân huyện, có chức năng tham mưu, giúp uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực giáo dục và đào tạo”. 

Chúng tôi chưa thấy phòng giáo dục và đào tạo địa phương nào đề xuất được các giải pháp thiết thực trong cải cách quản trị và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chúng tôi cũng không thấy phòng giáo dục bảo vệ được quyền lợi của giáo viên hay học sinh, không ngăn chặn được nạn lạm thu, trong khi có nơi lại tiếp tay cho nạn lạm thu.

Chỉ đạo chuyên môn thì chỉ thêm một khâu nhắc lại chỉ đạo từ sở, từ bộ. Kiểm tra chuyên môn lấy sổ sách làm chính, khiến các trường và giáo viên vô cùng mệt mỏi.

Thế nên, đã đến lúc giải tán phòng giáo dục cấp huyện thị để giao toàn quyền về chuyên môn cho trường. Có thế, chuyên môn trường cũng không bị chi phối bởi những chỉ đạo “trên mây” thiếu tính thực tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dieu-dong-giao-vien-nu-di-tiep-khach-chuyen-binh-thuong-2016111110394565.htm

[2]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Giao-vien-buc-xuc-vi-phong-giao-duc-ra-van-ban-ep-lam-tu-thien-ca-trieu-dong-post171321.gd

[3]https://laodong.vn/xa-hoi/nghe-an-vi-sao-co-giao-vien-tieu-hoc-ngat-xiu-truoc-mat-truong-phong-giao-duc-566241.ldo

[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/34077502-vi-sao-thai-binh-dung-nhan-rong-mo-hinh-truong-hoc-moi.html

Thuận Phương