Theo Dự thảo, ở mỗi "tầng", các trường sẽ được xếp theo 5 hạng. Các hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số, cụ thể như sau:
Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất.
Hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1.
Hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2.
Hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3.
Hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Ảnh minh họa |
Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần, do Bộ GD&ĐT lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.
Việc phân tầng, xếp hạng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, công khai minh bạch chất lượng đào tạo, tạo sự cạnh tranh lành mạnh,v.v...
Dự thảo cũng quy định các cơ sở đào tạo giáo dục Việt Nam sẽ có các "tầng" theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành.
Nhóm định hướng nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực từ trình độ đại học đến trình độ tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học đa dạng, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho các viện nghiên cứu, các trường đại học, học viện trong cả nước, đóng vai trò chủ lực trong xây dựng đội ngũ nhân lực để phát triển nền kinh tế tri thức.
Nhóm định hướng ứng dụng cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhóm định hướng thực hành là trường cao đẳng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Việc phân tầng được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm, do Thủ tướng duyệt.