Giáo viên đừng mơ thưởng Tết nữa

23/01/2019 06:39
An Nguyên
(GDVN) - “Giáo viên thì làm gì có thưởng tết bởi đó không phải là ngành nghề sản xuất nhưng đời sống các thầy, cô quá khó khăn, cần có giải pháp tiền lương căn bản".

Đó là chia sẻ của ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam khi nói về chuyện thưởng tết cho giáo viên.

Cần có những thay đổi về chính sách tiền lương và tiền hỗ trợ, phụ cấp cho giáo viên. Ảnh minh họa trên giaoduc.net
Cần có những thay đổi về chính sách tiền lương và tiền hỗ trợ, phụ cấp cho giáo viên. Ảnh minh họa trên giaoduc.net

Nếu như ở Đà Nẵng và một số địa phương có chi tiền hỗ trợ cho các giáo viên đón tết thì tại nhiều tỉnh còn khó khăn thì khoản chi này không có.

Riêng khoản tiền thu nhập tăng thêm của giáo viên miền núi cũng không đủ trang trải vì nhà trường hầu như không tiết kiệm được.

Ông Hà Thanh Quốc cho biết, các đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ mong chờ vào một nguồn chủ yếu là lương.

Còn trong năm, các trường tiết kiệm được bao nhiêu thì cuối năm chia đều cho anh em. Nhưng khoản đó tại các trường ở Quảng Nam cũng rất ít ỏi.

Đà Nẵng thưởng tết cho giáo viên

“Nếu mình gọi khoản tiền thu nhập tăng thêm là thưởng tết thì tội anh em.

Cuối năm, giỏi lắm thì mỗi người có khoảng 100.000 - 200.000 đồng/giáo viên, mà năm có năm không”.

Cũng theo ông Quốc, ngoài các khoản chi thường xuyên để chăm lo cho đời sống giáo viên như lương bổng, bảo hiểm thì nhà trường có một nguồn thu từ trích học phí để lại và nguồn chi cho các hoạt động.

Bao gồm hoạt động chính là phục vụ cho vấn đề chuyên môn giảng dạy và hoạt động dành cho các hoạt động văn hóa - thể dục thể thao trong nhà trường.

“Các trường phải làm đúng theo tinh thần kế hoạch đăng ký từ đầu năm học. Sau khi sử dung tiết kiệm các chi phí thì sẽ dư ra một khoản còn lại dành cho cuối năm.

Còn nếu trường nào không chi cho hoạt động mà để đó cuối năm chia nhau thì sai. Bởi vậy, số tiền còn lại của các trường rất ít. Nhiều trường còn không có dư nguồn này.

Có trường giỏi lắm cũng chỉ lo đủ 200.000 – 300.000 đồng/giáo viên. Nên đừng gọi thưởng tết mà người ta cười cho, rồi giáo viên cũng chạnh lòng”.

Ông Quốc cũng cho rằng, thầy cô cũng không nên quá trông mong vào khoản tiền thưởng tết.

Vì trường học không có một nguồn thu nào như các đơn vị sự nghiệp có thu hay như doanh nghiệp. Họ là những đơn vị sản xuất nên mới thưởng tháng lương thứ 13 chứ thầy cô các trường xưa nay làm gì có.

Ở khu vực đồng bằng thì thầy cô may mắn được nhận 300.000 – 1 triệu đồng/giáo viên, tùy theo mức độ tiết kiệm của từng trường.

Thưởng Tết vẫn là từ xa xỉ đối với nhiều giáo viên

Còn tại các trường ở miền núi (phía Tây Quảng Nam) còn cực và khó khăn hơn nữa.

Hầu như các khoản kinh phí rót xuống các trường này còn không đủ nên giáo viên cũng không dám nghĩ đến chuyện thưởng tết.

“Ở miền núi rất khó khăn, các thầy cô phải đi lại rất khổ, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Nhưng muốn hỗ trợ thêm cho các thầy cô cũng rất khó vì vướng phải cơ chế, chính sách”.

Chia sẻ sự đồng cảm với các giáo viên, ông Quốc cho rằng, bản thân ông không quan tâm đến chuyện thưởng tết cho các thầy cô vì nó rất khó thực hiện.

Bởi cũng như nhiều công chức khác đang hoạt động trong bộ máy, họ cũng không có thưởng tết.

Nhưng để cải thiện đời sống cho giáo viên thì vấn đề bức bách và cần thiết là từng bước cần cải cách vấn đề tiền lương cho giáo viên.

Cần tăng thêm phụ cấp hỗ trợ cho giáo viên từng vùng miền. Chứ thực ra, với đồng lương như thế thì nếu không có sự hỗ trợ, phụ cấp thì rất khó khăn cho cuộc sống của các thầy, cô. Nếu giải quyết được vấn đề đó mới là cái căn cơ, cốt lõi.

Còn nguyên tắc thưởng là làm ra, sản xuất ra mới có thưởng, chứ lấy đâu ra thưởng, không lẽ nhà nước đưa tiền về để thưởng tết thì cũng không đúng đâu”.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng nhìn nhận việc tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên vẫn còn rất nan giải.

Bởi vấn đề này được đưa ra bàn thảo nhiều rồi, đưa ra bàn “nghị sự” của Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

An Nguyên