Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài

14/11/2018 07:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Thiết nghĩ, nếu thực sự vì tương lai giống nòi, nếu thực sự vì trẻ em Thủ đô và không để Sữa học đường bị nhiễm "vị hoa hồng", Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu.

Báo Đấu Thầu ngày 12/11/2018 đưa tin, 15 giờ cùng ngày tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội diễn ra lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu mua sữa học đường có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại Lễ mở thầu, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ý nghĩa của Chương trình sữa học đường là rất lớn, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trong một cuộc gặp báo chí về đề án triển khai chương trình sữa học đường trên địa bàn Thủ đô, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trong một cuộc gặp báo chí về đề án triển khai chương trình sữa học đường trên địa bàn Thủ đô, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình sữa học đường nhưng là 1 trong những địa phương thực hiện Chương trình này. 

Đối tượng thụ hưởng mà mục tiêu hướng đến của Chương trình là để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. [1]

Nhập nhằng sữa tươi với sữa tiệt trùng

Để đạt được mục tiêu tốt đẹp, nhân văn của chương trình Sữa học đường như ông Phạm Xuân Tiến nêu, thì sản phẩm phục vụ chương trình phải là sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

Đề án thực hiện chương trình Sữa học đường được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt theo quyết định 4019/QĐ-UBND ngày 6/8/2018 cũng ghi rõ:

Về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180 ml.

Về giải pháp đào tạo tập huấn kĩ thuật thực hiện đề án, phải cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn sữa tươi phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ mẫu giáo và tiểu học tại thành phố Hà Nội. [2]

Tuy nhiên trong phần Yêu cầu về kĩ thuật của Hồ sơ mời thầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, dường như đang có những lỗ hổng mà nếu không kiểm soát kĩ, sữa bột pha lại có thể trà trộn vào chương trình sữa học đường, thì mục tiêu đề án đưa ra khó mà đạt được.

Hồ sơ mời thầu yêu cầu chung, sữa phục vụ đề án phải "được chế biến từ nguyên liệu sữa tươi", có đường hoặc không đường; được sản xuất theo quy định hiện hành về quy chuẩn kĩ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng và được bổ sung các vi chất dinh dưỡng. (Trang 82).

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài ảnh 2

Hà Nội vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch về sữa học đường

Phần yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm sữa phục vụ đề án, thành phần: "sữa tươi, đường (nếu có), chất ổn định, vitamin, khoáng chất, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm..." (Trang 84).

Theo quy chuẩn kĩ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT), sữa dạng lỏng bao gồm 2 nhóm là sữa tươi (có 4 loại: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng) và sữa tiệt trùng.

Sữa tiệt trùng được chế biến bằng cách bổ sung nước với một lượng cần thiết vào sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi để thiết lập lại tỉ lệ nước và chất khô thích hợp.

Cả quy định hiện hành về sữa tiệt trùng (QCVN 5-1:2010/BYT) lẫn Hồ sơ mời thầu của Hà Nội đều không đưa ra tỉ lệ bắt buộc bao nhiêu % trong 1 hộp 180 ml sữa học đường là sữa tươi.

Thành phần quy định trong yêu cầu của Hồ sơ mời thầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại để thêm dấu "...".

Với yêu cầu kỹ thuật Hồ sơ mời thầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra, sản phẩm sữa phục vụ chương trình sữa học đường phải là sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng có thể bị đánh tráo bằng sữa tiệt trùng.

Bởi sữa tiệt trùng cũng có thể chứa một ít sữa tươi được thêm vào khi pha sữa bột với nước.

Mức chênh giá nguyên liệu đầu vào giữa sữa tươi và sữa bột nhập khẩu hiện nay cộng với sự thiếu minh bạch nguồn cung sữa tươi, hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng này.

Sau 82 cuộc hội thảo, họp hành liên ngành, ngày 22/3/2017 của Bộ Y tế ra Thông tư 03/2017/TT-BYT, ban hành quy chuẩn kĩ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng minh bạch hóa tên gọi cũng như thành phần bản chất các loại sữa dạng lỏng để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin lựa chọn sản phẩm cho mình và gia đình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trong cuộc hội thảo về an toàn thực phẩm, các loại sữa dạng lỏng. Ảnh: Chí Tuấn / Báo Đại biểu Nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trong cuộc hội thảo về an toàn thực phẩm, các loại sữa dạng lỏng. Ảnh: Chí Tuấn / Báo Đại biểu Nhân dân.

Tiếc thay, chỉ 6 tháng sau đó, vì sự phản đối của Hiệp hội sữa Việt Nam với Thông tư 03/2017/TT-BYT đã khiến Bộ Y tế đã phải ra Thông tư 36/2017/TT-BYT ngày 11/9/2017 bãi bỏ Thông tư 03/2017/TT-BYT.

Lý do là vì Hiệp hội sữa Việt Nam muốn duy trì tên gọi "sữa tiệt trùng" theo quy chuẩn cũ, QCVN 5-1:2010/BYT. [3] [4]

Trên cổng thông tin Ủy ban Châu Âu vẫn còn lưu phiên bản thứ 3 năm 2018 Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường. [5]

Ấy vậy mà trước yêu cầu từ Hiệp hội Sữa Việt Nam và một số doanh nghiệp đang ăn nên làm ra từ "sữa tiệt trùng", Bộ Y tế lại làm văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung "sữa dạng lỏng khác" vào chương trình Sữa học đường.

Trong khi ngay từ cuối tháng 8/2015, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội họp chuyên đề và kết luận: 

Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về sữa dạng lỏng (QCVN: 5-1:2010), đặc biệt là khái niệm “sữa tiệt trùng” để minh bạch nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Codex 206-1999). 

Đề nghị này nêu rõ: “Nên tách thành 2 khái niệm là “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại tiệt trùng”. [3]

Viết đề bài mời thầu có lợi cho chỉ 1 nhà thầu

Trong các tiêu chí năng lực và kinh nghiệm Hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra, yêu cầu nhà thầu phải có doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong vòng 3 năm 2015, 2016, 2017 lên tới 3.680 tỷ đồng.

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài ảnh 4

Hà Nội âm thầm thay đổi tiêu chuẩn sữa chỉ Thủ đô mới có?

Tiếng rằng có 11 đơn vị tham gia đấu thầu, nhưng với điều kiện về doanh thu như trên đã gạt hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sữa khỏi cuộc chơi.

Nếu không có sự điều chỉnh trong công văn số 4173/SGDĐT-KHTC ngày 28/9/2018 hạ chuẩn doanh thu nói trên xuống 2.760 tỷ đồng, thì có lẽ chung cuộc chỉ còn 1 doanh nghiệp và 1 "quân xanh".

Nhưng điều đáng nói hơn nằm ở chỗ, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá năng lực nhà thầu là đảm bảo nguồn cung sữa tươi nguyên liệu sạch cho chương trình Sữa học đường, thì Hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoàn toàn không đếm xỉa gì đến.

Nếu doanh nghiệp chỉ nhập khẩu sữa bột (đủ loại với chất lượng khác nhau, giá thành khác nhau) về pha lại và bán với giá như sữa tươi hoặc gần bằng sữa tươi, sẽ là một thương vụ mang lại siêu lợi nhuận.

Và doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động kinh doanh là tiêu chí rất chung chung.

Nếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng...mà có đủ doanh thu nói trên, cũng được nhảy vào cung cấp sữa học đường?

Nếu không làm rõ các yêu cầu về nguồn cung sữa tươi nguyên liệu, thì quả thật chỉ cần có chút vốn cũng có thể nhập khẩu sữa bột về pha thành "sữa dạng lỏng" với tên gọi "sữa tiệt trùng", rồi bán.

Những dấu hiệu này cho thấy, đề bài gói thầu đã được viết nhắm tới một đối tượng cụ thể và sử dụng các hàng rào kĩ thuật khác loại bỏ các doanh nghiệp khác muốn tham gia.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì ra sức quảng cáo cho một sản phẩm sữa mới, chỉ Thủ đô mới có, tham gia chương trình mới được uống, giúp tăng chiều cao và phát triển trí tuệ...

Trong khi muốn bổ sung thêm vi chất nào, Nghệ An phải tiến hành nghiên cứu thí điểm với 2 nhóm đối chứng, mời các chuyên gia y tế - dinh dưỡng trong và ngoài nước tham gia mấy năm trời, mới rút ra được công thức.

Còn Hà Nội, chỉ ngồi đây là có.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình Sữa học đường để phụ huynh hiểu và tham gia. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình Sữa học đường để phụ huynh hiểu và tham gia. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Cũng triển khai chương trình sữa học đường, thành phố Hồ Chí Minh tiến hành một cách bài bản và khoa học, không vội vàng triển khai đồng loạt mà thí điểm tại một số quận nội thành, một số huyện ngoại thành, có tổng kết đánh giá rồi trên cơ sở kết quả thí điểm, mới triển khai đại trà.

Vậy tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại vội vã triển khai đại trà bằng được, trong khi các bước chuẩn bị để đảm bảo cho sự thành công của một chương trình rất nhân văn, cao cả vẫn còn nhiều lỗ hổng chính sách?

Thiết nghĩ, nếu thực sự vì tương lai giống nòi, nếu thực sự vì trẻ em Thủ đô và không để Sữa học đường bị nhiễm "vị hoa hồng", Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu nhà cung cấp và viết lại đề bài đấu thầu một cách khoa học, khách quan và giữ cho được ly sữa đến tay trẻ em phải là ly sữa tươi và sạch đúng nghĩa.

Nguồn:

[1]http://baodauthau.vn/dau-thau/mo-ho-so-de-xuat-tai-chinh-goi-thau-mua-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-84482.html

[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-4019-qd-ubnd-ha-noi-de-an-thuc-hien-chuong-trinh-sua-hoc-duong-cai-thien-dinh-duong-165917-d2.html

[3]http://baodatviet.vn/kinh-te/chu-tich-hiep-hoi-sua-muon-khai-niem-sua-nhap-nhem-3305118/

[4]http://soha.vn/thu-truong-bo-y-te-truong-quoc-cuong-khong-chap-nhan-vi-loi-cho-doanh-nghiep-ma-de-ten-sua-nhap-nhem-20170310145331453.htm

[5]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ZjHf8oqQuZIJ:ec.europa.eu/growth/tools-databases/tbt/en/search/%3Ftbtaction%3Dget.project%26Country_ID%3DVNM%26num%3D135%26dspLang%3Den%26basdatedeb%3D10/09/2018%26basdatefin%3D28/09/2018%26baspays%3D%26baspays2%3D%26basnotifnum%3D%26basnotifnum2%3D%26bastypepays%3DANY%26baskeywords%3D%26project_type_num%3D1%26project_type_id%3D1%26lang_id%3DVI+&cd=16&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

Hồng Thủy