Hậu quả khôn lường của sách lậu với giáo dục

14/11/2012 07:16
Đỗ Quyên
(GDVN) - “Chúng ta cũng biết rõ những kẻ làm sách lậu là kẻ cắp. Chúng ăn cắp một loại tài sản cao quý và đáng trân trọng nhất - trí thức”.
Trong hội thảo chuyên đề “Chống in lậu và sách giả” tổ chức ngày 13/11, lãnh đạo Cục Xuất bản, Bộ Thông tin – Truyền thông và đại diện các Nhà xuất bản sách đã đánh giá thực trạng, nguyên nhân sách lậu, sách giả được in và bày bán công khai đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị thực tế để hạn chế nạn in lậu trên địa bàn thành phố.

Dùng sách lậu, học sinh sẽ bị sai lệch về kiến thức

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội hết sức lo ngại về hiện tượng sách lậu, sách giả được bán công khai, tràn lan trên thị trường, nhất là tại các đô thị lớn. Sách lậu được bán rất nhiều ở các nhà sách, bán trên vỉa hè, thậm chí là len lỏi cả vào các trường đại học là điều dễ nhận thấy. Học sinh, sinh viên và những người chưa có việc làm là những người mua sách lậu nhiều nhất. 

Trong hội thảo, TS Nguyễn Đăng Quang – Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục nêu lên một số vụ án sách in lậu "nổi tiếng", trong đó là những người làm trong ngành giáo dục, lợi dụng NXB Giáo dục. Vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Hữu Chiến, tức “Chiến vâu” – trùm in lậu ngang nhiên tổ chức in lậu SGK ngay tại số 2 đường Bắc Sơn. Bị bắt quả tang với hàng tấn sách giả, bị xử lý hành chính và rồi tiếp tục đi in lậu. Năm 1988 Chiến lại đi in lậu SGK. Lần này Chiến thuê in tại công ty in Hà Nam, chuyển về gấp đóng xén tại Hà Nội. Sau đó Chiến bị bắt, ngồi tù 1 năm và ra tù lại tiếp tục đi in lậu, chỉ có điều in lậu của NXB khác, không dám đả động đến SGK nữa. 

Đỗ Đức Thọ với nhà sách Tiến Thọ là người nổi tiếng với vụ in lậu lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Đỗ Đức Thọ là giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội đã thành lập nên Công ty cổ phần phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam. Sau đó Đỗ Đức Thọ bị bắt với tội danh “Vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách” điều 271 của Bộ luật hình sự. 

Thật khó có thể nhận biết cuốn sách nào là giả?
Thật khó có thể nhận biết cuốn sách nào là giả?

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Chuyên gia này cũng chỉ ra cách phân biệt tem thật, tem giả của NXB giáo dục. Qua đó các bậc phụ huynh cũng lưu ý khi mua sách cho con, nhất là dịp đầu năm học, thị trường sách giáo khoa đã nhộn nhịp. Vì thế, để tránh mua phải những cuốn sách giáo khoa "giả," chất lượng kém, các bậc phụ huynh cần kiểm tra xuất xứ sách giáo khoa, chất lượng in ấn…trước khi mua.

Sách lậu được in bằng các loại giấy xấu, mỏng, khổ nhỏ hơn, nên nội dung các cuốn sách nhiều chỗ bị thay đổi. Chỉ tính riêng các loại sách giáo khoa bị in lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của học sinh. Ví dụ như sách toán mà in sai dấu, sai ký hiệu toán học sẽ làm học sinh học sai. Hay như sách văn học in sai chữ, dấu chấm, dấu phẩy thừa, thiếu, đặt không đúng chỗ sẽ làm sai lệch ý nghĩa của đoạn văn… học sinh sẽ bị lệch lạc về kiến thức.
Dùng sách lậu là tiếp tay cho hàng giả, đánh mất nhân cách

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - TGĐ Công ty sách Thái Hà cho biết, cuốn sách “Tôi là con gái của mẹ tôi” bị in lậu nhân dịp 08/03/2008 là sản phẩm đáng nhớ nhất. Cuốn sách được mua rất mạnh nhưng có lẽ 10 ngàn bản bán ra phần lớn là… sách lậu. Sau đó khi một số cuốn sách như: “Người nam châm”, “Nghe bố này con gái” bị dân lậu đẩy lên gấp 1,5 lần thì khi đó những người làm sách đã thực sự bức xúc. Bao công lao của những người làm sách ra để giờ đây chính những bạn đọc bị lãnh đủ. Bạn đọc bị mua sách kém chất lượng với giá ở trên trời. Bạn đọc bị mang tiếng là ăn cắp (mua sách lậu là tiếp tay cho ăn cắp bản quyền), vừa bị mua dấm dúi mà vừa bị đắt. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cũng biết rõ những kẻ làm sách lậu là kẻ cắp. Chúng ăn cắp một loại tài sản cao quý và đáng trân trọng nhất - trí thức”. Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng có lần chia sẻ: “Cá nhân tôi đã đi đến gần 40 quốc gia và sống ở nước ngoài hơn chục năm nhưng hầu như chưa thấy ở đâu có sách lậu. Có quần áo, giầy dép làm nhái nhưng chưa thấy ở đâu có sách lậu bày bán. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách tịch thu hàng lậu, hàng nhái và phạt cả những người dùng nó. Chúng ta cũng biết rất rõ, những bạn đọc mua sách lậu, sách giả tức là tiếp tay cho trộm cắp, là dùng hàng trộm cắp. Vô hình trung, các bạn sinh viên, những nhà trí thức biến mình thành người tiêu thụ hàng giả, làm mất đi nhân cách của chính mình”.

Hình ảnh trong hội thảo chuyên đề “Chống in lậu và sách giả”
Hình ảnh trong hội thảo chuyên đề “Chống in lậu và sách giả”

Như vậy, sách lậu khiến tác giả mất đi tác quyền, không được nhận phần tiền bản quyền lẽ ra họ xứng đáng được nhận. Nhóm thứ 2 bị ảnh hưởng là các công ty sách, các nhà xuất bản. Họ bị mất đi cả thương hiệu lẫn doanh thu, họ bị ảnh hưởng cả uy tín lẫn kinh tế. Nhóm thứ ba bị ảnh hưởng đó chính là bạn đọc, bị mua sách sai nội dung, kém thẩm mỹ, bị đắt. Một ví dụ đơn giản là cuốn sách “Sống như Tiểu Cường” bị dân làm lậu in thành “Sống Tiểu Cường”, mất đi chữ “như” bởi dân làm sách lậu có văn hóa không cao, không hiểu biết về sách nên bỏ sai sót đi một từ rất quan trọng mà không biết. Nguy hại lớn nhất đó là xã hội, xã hội chấp nhận sách lậu tức là chấp nhận ăn cắp. Xã hội dùng sách lậu tức là đồng thuận với sách sai nội dung, kém về hình thức. Xã hội để sách in lậu hoành hành đến nỗi việc giáo dục trẻ rất khó. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc quản lý sách lậu thời gian qua buông lỏng. Một ví dụ đơn giản là tại Hà Nội hình thành những khu sách lậu mà bất cứ người dân nào cũng biết. Sách lậu được bày bán công khai nhưng không sao cả. Sách lậu ở Hà Nội rất công khai, mạnh hơn nhiều lần so với ở TP Hồ Chí Minh, tại phía Bắc nhiều lần so với phía Nam. Như vậy, cần có nhiều biện pháp để chống lại nạn sách lậu sách giả, cần sự phối hợp của tất cả ban ngành.
Đỗ Quyên