Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khó thực hiện với học sinh nông thôn

16/04/2017 07:26
Phan Tuyết
(GDVN) - Với học sinh thành phố nơi nhà trường, phụ huynh đều có điều kiện còn đỡ. Nơi vùng thôn quê, khó khăn hẻo lánh lại chẳng hề đơn giản chút nào.

LTS: Sau khi dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2017 được công bố, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ một số ý kiến của mình về môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Theo cô Phan Tuyết, môn học này có nhiều điều bổ ích nhưng để thực hiện cho học sinh ở nông thôn thì không hề đơn giản, do điều kiện và mức sống của người dân còn khó khăn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Nhìn dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới được công bố có rất nhiều điểm mới so với chương trình Giáo dục phổ thông cũ. 

Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin được bàn đến điểm mới đó là môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn học bắt buộc có phân hóa) ở tiểu học.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một môn học hoàn toàn mới, có thể hiểu ngắn gọn là “học và hành”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa - Chủ nhiệm khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói về Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: 

"Như vậy làm, thực hành, trải nghiệm đều là những phương thức học hiệu quả, gắn với vận động, với thao tác vật chất, với đời sống thực. 

Việc học thông qua làm, học đi đôi với hành và học từ trải nghiệm đều giúp người học đạt được tri thức và kinh nghiệm nhưng theo các hướng tiếp cận không hoàn toàn như nhau, trong đó trải nghiệm có ý nghĩa giáo dục cao nhất và có phần bao hàm cả làm và thực hành".

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang)
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. (Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang)

Học từ trải nghiệm (hoạt động trải nghiệm) giúp người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác. 

Chẳng hạn, học về thế giới động vật, học sinh không chỉ học thông qua sách vở, các em sẽ được trải nghiệm thông qua việc trực tiếp quan sát, chăm sóc các con vật ấy. 

Thông qua sự trải nghiệm, các em không chỉ đạt được mục tiêu là sự hiểu biết về loài vật ấy đồng thời còn hình thành và phát triển tình yêu của bản thân mình với thiên nhiên và với loài vật. 

Hoặc khi dạy về chủ đề kháng chiến thật khó để thầy cô giảng cho các em hình ảnh “Bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông”, hay cuộc sống vất vả cơ cực của người dân trong kháng chiến, sự kiên định bám đất giữ làng của đồng bào…

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khó thực hiện với học sinh nông thôn ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải đáp những thắc mắc về chương trình tổng thể

Nhưng được trải nghiệm với những hào giao thông cụ thể hay được đi tới địa đạo Củ Chi, được ăn củ mì chấm muối bên trong địa đạo…

Học sinh sẽ càng hiểu hơn nỗi khổ, sự vất vả nhưng vẫn kiên cường của cha ông mình. 

Từ đó, dấy lên lòng khâm phục, sự biết ơn của các em đối với lớp người đi trước.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (trải nghiệm sáng tạo) giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn.

Từ đó hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân.

Có nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo (trải nghiệm sáng tạo), nhưng vẫn phổ biến là:

Hình thức có tính khám phá (thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại); hình thức có tính trình diễn (diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa);

Hình thức có tính cống hiến, tuân thủ (thực hành lao động việc nhà, việc trường, hoạt động xã hội - tình nguyện). 

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những yêu cầu như trên giúp cho môn học đạt được mục tiêu đã đề ra lại chẳng đơn giản chút nào. 

Với học sinh thành phố nơi nhà trường, phụ huynh đều có điều kiện còn đỡ. Nơi vùng thôn quê, khó khăn hẻo lánh lại chẳng hề đơn giản.

Chẳng hạn, muốn tổ chức cho các em đi thực địa, thực tế, tham quan một số nơi như danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề… biết lấy nguồn kinh phí nơi đâu?

Nếu phụ huynh đóng góp, nhiều em sẽ chẳng được đi vì gia đình không có điều kiện. 

Đã thế, mỗi lần tổ chức phải kéo theo biết bao người từ việc quản lý, lo cho các em đi đứng, ăn uống, vui chơi sao cho an toàn và học hỏi sao cho hiệu quả. Như thế sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức của nhiều người. 

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo khó thực hiện với học sinh nông thôn ảnh 3

GS. Phạm Minh Hạc: Nước ta muốn phát triển thì phải đưa trẻ lên lớp dạy cả ngày

Hay như việc thực hành lao động việc nhà, việc trường, hoạt động xã hội - tình nguyện.

Nếu học sinh trải nghiệm tại nhà ai sẽ là người quản lý? Phụ huynh ư? 

Nhiều gia đình mải lo làm ăn nên phó thác các em cho nhà trường.

Ở trường, đâu phải nơi nào cũng có vườn trường cho các em chăm sóc cây? Lao động công ích? 

Việc hoạt động xã hội tình nguyện như đến thăm gia đình thương binh liệt sĩ để phụ giúp một số công việc nhà cho người già neo đơn… nghe thì dễ nhưng để đưa học sinh tới đó cũng chẳng đơn giản chút nào.

Thế rồi quanh đi quẩn lại nhà trường nào cũng sẽ chọn hình thức có tính trình diễn (diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa). Điều này hiện vẫn đang thực hiện tại các trường vào một số ngày lễ, ngày kỉ niệm.

Nhưng khi đã trở thành môn học bắt buộc thì các trường học sẽ dạy như thế nào để đảm bảo tốt mục tiêu?

Bởi khi đó, từng cá nhân học sinh phải được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động. Thầy cô lúc này chỉ có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát.

Phan Tuyết