Đó là chia sẻ của TS Tôn Quang Cường – chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại Học Quốc gia Hà Nội về thực trạng học Ngữ văn trong nhà trường hiện nay xung quanh ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố.
Môn thi ổn, thực hiện nóng vội
Trước đó, TS Tôn Quang Cường có đề xuất nên để ba môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bởi đây là ba môn học nền tảng. Khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi để được công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ gồm 4 môn (4 môn thi tối thiểu) trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Học sinh lớp 12 sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng luôn phương án thi quốc gia trong năm học này. (Ảnh minh họa) |
TS Tôn Quang Cường cho rằng như thế là ổn. Có hai lí do được TS Tôn Quang Cường đưa ra, thứ nhất là bản thân học sinh sẽ chủ động hơn trong lựa chọn thi để tốt nghiệp và thi để chuẩn bị thi đại học, đồng thời chủ động hơn về thời gian và đi lại. Trong mọi trường hợp, học sinh sẽ không bị áp lực khi thi đại học như trước nếu buộc phải đồng thời học để thi tốt nghiệp và thi đại học.
Những học sinh đầu tiên thi “kỳ thi quốc gia” nói gì?
Học sinh lớp 12 - thế hệ đầu tiên tham dự kỳ thi quốc gia chung chia sẻ nhiều tâm trạng khác nhau trước phương án tổ chức thi mà Bộ GD&ĐT công bố.
TS Tôn Quang Cường lấy thí dụ, như trước đây thi đại học khối A nhưng vẫn phải lo học môn Ngữ văn thi tốt nghiệp, trong khi thời gian giữa 2 kì thi khá gần nhau.
Mặc dù đồng ý với đề xuất ba môn thi bắt buộc, nhưng TS Tôn Quang Cường lại cho rằng: “Khi áp dụng luôn trong năm học này với học sinh lớp 12 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thực hiện có phần nóng vội. Học sinh chưa kịp thích ứng, dư luận xã hội chưa được chuẩn bị, các trường đại học cũng chưa biết nên chủ động tổ chức thế nào”.
TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh lại rằng phương án thi bắt đầu từ năm 2017 là hợp lý nhất.
Về kết quả của kỳ thi quốc gia với phương án mà Bộ GD&ĐT công bố liệu có tin cậy với các trường ĐH, CĐ, TS Tôn Quang Cường chia sẻ rằng: “Hai khái niệm không phủ nhận nhau. Độ tin cậy và độ giá trị của kết quả thi tốt nghiệp phụ thuộc vào nội dung và cách tổ chức (thi gì và như thế nào). Ở đây có hai mặt của một vấn đề, Bộ phải làm kì thi thật khoa học, còn các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả đến mức nào (trong sự tích hợp đánh giá với các tiêu chí riêng của họ).
Học lệch là biểu hiện của văn hóa ứng thí
Trước nhiều ý kiến lo lắng về phương án thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, quan điểm của TS Tôn Quang Cường cho rằng: “Học lệch là một quan niệm xuất phát từ việc chưa khoa học trong tổ chức kiểm tra đánh giá, là một biểu hiện của "văn hóa ứng thí". Ở một khía cạnh khác nên coi xu hướng này một cách tích cực hơn như học có định hướng, có lựa chọn, có phân hóa... Do đó không sợ hậu quả học lệch như quan niệm cũ”.
TS Tôn Quang Cường cho rằng học lệch là một biểu hiện của văn hóa ứng thí. |
Phương án thi kiểu này buộc các trường sẽ chủ động hơn trong kế hoạch, khả năng sẽ dẫn đến 1 hiện tượng rất khoa học đó là có "lớp môn học", "nhóm học"…
Như thế, có hiện tượng phân hóa mạnh để tổ chức dạy học cho học sinh, ví dụ có 10 học sinh lớp 10A1 đăng kí thi Vật lí tốt nghiệp, như vậy 10 học sinh này có thể được ghép cùng với 5 học sinh lớp 10A2, 7 học sinh lớp 10A5... thành lớp môn học Vật lí X của trường. Điều này ở các nước tiên tiến trên thế giới họ vẫn làm thế từ lâu.
Nhiều chuyện ngược đời và trái khoáy ở ngành giáo dục
Nói như vậy thật chẳng ngoa khi mà đã hô hào đổi mới mấy chục năm trời nhưng hệ thống giáo dục vẫn rối rắm, quản lý nhà nước chồng chéo, thiếu tính tiêu chuẩn.
TS Tôn Quang Cường cũng chia sẻ thêm rằng, việc đưa môn Ngữ văn vào môn thi bắt buộc cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học văn trong cuộc sống: “Việc học văn có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, từ trước nay, chúng ta luôn tạo áp lực học văn cho học sinh, dẫn đến việc học sinh chán, ngại học văn bởi cứ muốn học sinh phải như nhà phê bình văn học, áp đặt cái cô cảm thụ được thì học sinh cũng phải gần gần được như vậy, làm bài khuôn mẫu để lấy điểm cao…”.
Chia sẻ thêm, TS Tôn Quang Cường cho là: "Học sinh vẫn ngại, vẫn chán học văn (trước và cho đến thời điểm này) vì học chẳng để làm gì, vì làm bài một kiểu nhưng ra ngoài diễn đạt, thể hiện cái mình nghĩ lại theo cách khác". TS nhấn mạnh rằng “xa rời thực tế”.
Học văn là phải hướng đến các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ để thể hiện được cái mình nghĩ, cái mình hiểu… về mọi cái (khoa học tìm cách lập luận còn nghệ thuật tìm cách để trình bày). Không khuôn mẫu, miễn sao thể hiện được cái mình muốn thể hiện, diễn đạt theo những bối cảnh, chuẩn mực chung… Thuyết phục, chia sẻ được cái mình muốn thể hiện với nhiều đối tượng khác nhau; xây dựng được niềm tin, giá trị riêng, tự tin trước cuộc sống...