Kế sách của Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho các kỳ thi

19/08/2018 07:51
Hưng Long
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Trường Tùng đưa ra giải pháp đẩy nhanh đề án Trung tâm khảo thí độc lập để tránh tình trạng gian lận thi cử như hiện nay.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi, ắt hẳn phải có tiêu cực

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đồng ý cho lùi thời hạn thông qua Luật Giáo dục đến năm 2019.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến đánh giá công tác tổ chức thi cử và chấm thi có nhiều lỗ hổng. Rõ ràng nhất, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 bộc lộ rõ sự yếu kém khiến hàng loạt cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố, bắt giam.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT về công tác thi cử và “hiến kế” cho các kỳ thi tới.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng. (Ảnh: Trường Đại học FPT)
Tiến sĩ Lê Trường Tùng. (Ảnh: Trường Đại học FPT)

Tiến sĩ Lê Trường phân tích, mọi người vẫn đang viện dẫn luật, để tốt nghiệp phổ thông thì phải qua một kỳ thi mà cụ thể là kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, kỳ thi có đến 98% thí sinh tốt nghiệp thì có nên thi hay không, hay chỉ cần xét chứ không nên thi? Ý kiến này đã đụng đến điều trong Luật Giáo dục và chỉ liên quan đến kỳ thi Trung học phổ thông.

Còn việc thi Đại học, Luật Giáo dục Đại học hiện nay nói chung đang cho phép đi theo xu thế tự chủ và các Trường Đại học được tự chủ tuyển sinh.

Tiến sĩ Tùng nói, tự chủ tuyển sinh là các trường có thể dựa vào kỳ thi xét tốt nghiệp để có thể được chọn, xét tuyển của mình và sử dụng như thế nào là tùy từng trường. Có những trường không sử dụng cũng không sao cả!

Trong bối cảnh hiện nay, đa số các trường sử dụng điểm của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia không ít thì nhiều. Một số ít trường phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi đó, phải có điểm cao của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia như điều kiện tiên quyết.

Rất nhiều trường đại học đã có nhiều hình thức khác nhau, như: Xét tuyển học bạ, có kỳ thi kiểm tra năng lực riêng, hoặc dựa vào một số kết quả của các cuộc thi quốc tế khác…

Tiến sĩ Lê Trường Tùng đưa ra nhận xét, thống kê hiện nay có khoảng 1/4 trường đại học thuộc diện thi Trung học phổ thông là điều kiện quyết để vào được trường.

Những trường còn lại chỉ xem kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia là một phần trong những điều kiện có thể làm căn cứ và đặt ra các điều kiện khác.

Tiến sĩ Tùng nhấn mạnh, liên quan đến kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như thời gian qua thì vấn đề tiêu cực muốn hay không muốn cũng đã xảy ra.

Nguyên nhân chính là ở vấn đề các trường đại học “quan trọng hóa” việc sử dụng điểm của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia để xét tuyển

Những trường đại học này thuộc những trường đứng đầu, như: ngành Y, An ninh, Quân đội…

Đối với thí sinh thí cũng như phụ huynh đã đặt nặng và xem đây như kỳ thi tuyển sinh để vào các trường đại học.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng đã chỉ ra sự thật, họ kỳ vọng phải có điểm cao để vào những trường “top” thì cũng là mục đích chính đáng. Nhưng nhiều người đã muốn đạt nó bằng hình thức không chính đáng vì lợi ích đã dẫn đến tiêu cực.

Cách thức tổ chức kỳ thi cũng không hợp lý dẫn đến tiêu cực. Và có lẽ, cách thức không hợp lý nhất trong năm 2017 – 2018 vừa tiến hành là có những quy định tạo ra cơ chế không đảm bảo tính độc lập, không đảm bảo được vấn đề hài hòa dẫn đến xung đột lợi ích.

Tiến sĩ Tùng dẫn chứng thể hiện rất rõ là đã giao cho địa phương chủ trì việc thi cử và các trường đại học chỉ phối hợp.

Trong khi các địa phương thì mong muốn cho con em mình được đi học đại học ở những trường đứng đầu lại là chính đáng. Bởi vì, chính việc giao cho địa phương chủ trì việc thi cử này đã mâu thuẫn về mặt lợi ích.

Địa phương tự chủ trì, tổ chức thi, tự tổ chức chấm thi và nếu con – em mình đạt điểm cao thì đạt loại tốt. Khi đó, giống như “lửa gần rơm” nên nó “bén” luôn và mới ra vấn đề.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng đặt trường hợp không giao cho địa phương chủ trì tổ chức thi. Chẳng hạn như việc chấm thi hoặc có các đơn vị giám sát độc lập thì mọi chuyện sẽ khác hơn.

Đơn cử, đã chấm trắc nghiệm rồi thì chấm bằng máy. Đáng lý ra, khâu chấm trắc nghiệm có thể chấm tập trung được nhưng lại không thực hiện.

Năm 2017, địa phương chủ trì việc tổ chức thi, chấm thi lần đầu đã biết được những kẻ hở trong quá trình thực hiện. Nên đến năm 2018, một số cán bộ phát hiện quyền hành của địa phương rất lớn trong vấn đề coi thi, chấm thi và chỉ cần can thiệp để cho con – em mình có thể trót lọt.

Do đó, năm nay mọi chuyện đã bị vỡ lỡ.

Cần phải có Trung tâm khảo thí độc lập

Tiến sĩ Tùng hiến kế, năm sau, có thể không để cho địa phương tổ chức chấm thi nữa mà giao hết quyền hành cho các trường đại học thì mọi chuyện sẽ khác.

Nhưng về mặt lâu dài, cần phải thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập để hỗ trợ cho trường đại học dựa vào đó xét tuyển đại học. Và hơn hết, cũng cần xác định mục tiêu của kỳ thi là để làm gì?

Mục tiêu của kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây là để kiểm tra xem học sinh nắm bắt kiến thức phổ thông như thế nào? Thi đại học, mục tiêu lớn nhất là để kiểm tra tố chất của các thí sinh chọn ngành sẽ học ra làm sao, thí sinh sẽ học những gì và làm những gì?

Hai vấn đề trên là hoàn toàn khác nhau! Học phổ thông giỏi, Tốt nghiệp Trung học phổ thông loại giỏi chỉ là một khía cạnh để xét chọn.

Mỗi một ngành của bậc đại học có những yêu cầu khác. Ngành Y có yêu cầu khác, ngành Công nghệ thông tin có yêu cầu khác, ngành Sư phạm có yêu cầu khác, ngành Báo chí có yêu cầu khác.

Kế sách của Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho các kỳ thi ảnh 2Những cải tiến, thay đổi bắt buộc phải làm để giữ lại kỳ thi Quốc gia 

“Có những tố chất mà nhiều khi không có những tố chất đó thì sinh viên tốt nghiệp ra trường không thể đáp ứng được nhu cầu cho nhà tuyển dụng”, tiến sĩ Lê Trường Tùng khẳng định.

Do đó, cần phải có bài kiểm tra đặc thù của những Trung tâm khảo thí độc lập để các trường làm căn cứ xét tuyển.

Lúc này, Trung tâm khảo thí đóng vai trò tiến hành có những bài trắc nghiệm thường xuyên để các thí sinh có thể thích thì nộp đơn ứng thí vào những trường mong muốn.

Các trường đại học dựa trên những bài trắc nghiệm này có để thể chọn lựa cho mình những thí sinh nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn năng lực cho đất nước, cho xã hội.

Những thí sinh cần đáp ứng kỹ năng đặc biệt thì các trường tự kiểm tra bằng hình thức phỏng vấn, viết bài tự luận, các bài kiểm tra về năng khiếu.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng nói, đây cũng là cơ chế tự chủ cho các trường nhưng cũng có căn cứ để dựa vào mà lẽ ra không thể làm chung được trong kỳ thi Trung học phổ thông.

Ở những nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, các trường đại học vẫn có những kỳ thi chung và kỳ thi độc lập nhưng vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp.

Tiến sĩ Tùng nhắc lại từ năm 2014, vấn đề thành lập Trung tâm khảo thí độc lập đã nằm trong kế hoạch nhưng triển khai rất chậm.

Trung tâm khảo thí độc lập nếu được hình thành thì ngoài việc đóng vai trò tổ chức tốt các kỳ thi còn có dữ liệu, có những bài thi để cung ứng cho việc thi cử.

Nếu được áp dụng tại Việt Nam, mô hình Trung tâm khảo thí có thể hoạt động dựa trên cơ chế giám sát của các Hiệp hội, doanh nghiệp hoặc liên kết liên doanh…

Quan trọng nhất, kết quả của Trung tâm khảo thí độc lập phải đủ độ tin cậy.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng dẫn chứng các kỳ thi Tiếng Anh, các cơ quan chức năng đã phải công nhận trình độ TOEIC, TOEFL, IELTS,..

“Những trung tâm trên không thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phải của cơ quan nhà nước nhưng đủ độ tin cậy, đáp ứng được nhu cầu học tập và sự tin tưởng của người học”, tiến sĩ Tùng nhấn mạnh.

Hưng Long