LTS: Đã có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định quy mô đại học chính quy chỉ được tối đa 15.000 sinh viên ban hành kèm theo Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 vừa qua.
Băn khoăn có, phản đối có và ủng hộ chủ trương này của Bộ GD&ĐT cũng có, vì thực tế nhiều năm qua quy mô sinh viên đại học không ngừng giảm, bên cạnh đó số lượng cử nhân thất nghiệp mỗi năm một tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu nguồn nhân lực đất nước.
Bài viết dưới đây của tác giả Phạm Hiệp (*) sẽ phân tích sự kiện này trên cơ sở đối sánh với thực tế và kinh nghiệm giáo dục đại học trên thế giới.
Để làm điều này, tác giả tra cứu quy mô đào tạo đại học nói riêng và quy mô đào tạo nói chung của một số trường đại học trên thế giới và tổng hợp thành 2 bảng như phía dưới:
Bảng 1 thể hiện quy mô đào tạo đại và quy mô đào tạo tất cả các hệ của 10 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải năm 2015.
Xếp hạng | Tên trường | Nước | Quy mô đào tạo đại học | Quy mô tất cả các hệ (bao gồm ĐH, SĐH) | Loại hình trường | Năm thành lập |
1 | Đại học Harvard | Mỹ | 6700 | 21000 | Tư | 1636 |
2 | Đại học Stanford | Mỹ | 6980 | 15877 | Tư | 1885 |
3 | Học viện Công nghệ Massachusetts | Mỹ | 4512 | 11318 | Tư | 1860 |
4 | Đại học California tại Berkeley | Mỹ | 27126 | 37581 | Công | 1868 |
5 | Đại học Cambridge | Anh | 12155 | 19580 | Công | 1209 |
6 | Đại học Princeton | Mỹ | 5391 | 8808 | Tư | 1746 |
7 | Học viện Công nghệ California | Mỹ | 983 | 2209 | Tư | 1891 |
8 | Đại học Columbia | Mỹ | 8410 | 19532 | Tư | 1754 |
9 | Đại học Chicago | Mỹ | 5134 | 9820 | Tư | 1890 |
10 | Đại học Oxford | Anh | 16655 | 25905 | Công | 1096 |
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ nhiều nguồn; số liệu quy mô sinh viên ghi nhận các năm 2013-2014 tuỳ theo từng trường.
Bảng 2 thể hiện quy mô đào tạo của tất cả các hệ đào tạo của một số trường đại học siêu cỡ (mega university)- đại học có quy mô tối thiểu 100.000 sinh viên ở một số nước trên thế giới.
Xếp hạng thế giới theo quy mô sinh viên | Tên trường | Nước | Quy mô đào tạo (bao gồm ĐH, SĐH) | Loại hình trường | Năm thành lập |
1 | Đại học Mở Indira Gandhi | Ân Độ | 3.5 triệu | Công | 1985 |
2 | Đại học Anadolu | Thổ Nhĩ Kỳ | 1.9 triệu | Công | 1958 |
3 | Đại học Islamic Azad | Iran | 1.6 triệu | Tư | 1982 |
4 | Đại học mở Allama Iqbal | Pakistan | 1.3 triệu | Công | 1974 |
30 | Đại học Mở | Anh | 0.25 triệu | Công | 1969 |
33 | Đại học Mở quốc gia Hàn Quốc | Hàn Quốc | 0.21 triệu | Công | 1972 |
60 | Đại học Công nghệ MARA | Malaysia | 0.1 triệu | Công | 1956 |
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ nhiều nguồn; số liệu quy mô sinh viên ghi nhận các năm 2013-2014 tuỳ theo từng trường. Số liểu không đủ để tách được quy mô đào tạo đại học từ tổng quy mô sinh viên nhưng về nguyên tắc, với các đại học theo mô hình siêu cỡ, đào tạo đại học là chủ yếu.
Từ hai bảng này, có thể đưa ra hai “nghịch lý” so với với logic thông thường:
Thứ nhất, các đại học thành lập lâu đời (từ thế kỷ 19 trở về trước) trong Bảng 1 dường như lại không muốn mở rộng quy mô: mặc dù có uy tín cao hơn nhưng chỉ giữ quy mô vừa phải (nhỏ hơn 40.000 sinh viên) trong khi các trường đại học non trẻ (thành lập sau 1950) trong Bảng 2 dường như lại “thành công hơn” trong việc mở rộng quy mô rất nhanh (đại học lớn nhất thế giới có 3.5 triệu sinh viên chỉ sau 30 năm thành lập).
Thứ hai, các trường tư, về nguyên tắc là năng động hơn trường công, nhưng lại không muốn mở rộng quy mô đào tạo như các trường công: tại Bảng 1, những đại học có quy mô lớn nhất trong Top 10 đều là các trường công (thứ 1 - Đại học California tại Berkeley, thứ 2 - Đại học Oxford; thứ 4 – Đại học Cambridge).
Tại Bảng 2: trong 7 trường đại học được khảo sát, chỉ có 1 trường tư. Vậy phải chăng, đại học tư là tổ chức không có nhu cầu hoặc không thể mở rộng quy mô như các tổ chức kinh tế khác?
Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh Xuân Trung |
Hai điều trên là có vẻ là “nghịch lý” đối với logic thông thường nhưng với giới nghiên cứu giáo dục thì thực tế là hoàn toàn dễ hiểu.
Với nghich lý 1, các đại học được liệt kê tại Bảng 1 đều là các Đại học định hướng nghiên cứu với các đặc điểm như: quy mô đại học vừa phải, quy mô sau đại học lớn tương đương hoặc hơn quy mô đào tạo đại học.
Chi phí trên đầu sinh viên rất cao vì đối tượng học và dạy đều thuộc nhóm tinh hoa; chương trình học, vì đều định hướng nghiên cứu nên tốn kém. Vì vậy, việc mở rộng quy mô là khó khả thi. Với những trường thuộc nhóm này, quy mô khoảng 40.000 sinh viên như Đại học California tại Berkeley đã là khá lớn.
Ngược lại, các trường thuộc Bảng 2 và nhiều trường theo mô hình siêu cỡ thường thành lập sau 1950, thời điểm giáo dục đại học toàn cầu bắt đầu mở rộng nhanh chóng để chuyển dịch từ mô hình tinh hoa (cho số ít) sang đại chúng (cho số nhiều).
Khống chế đại học tuyển không quá 15.000 sinh viên vì lo ...ế cử nhân(GDVN) - “Quy định giới hạn quy mô tối đa để đảm bảo cân đối giữa sự gia tăng số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng”. |
Vì vậy, các trường đại học sinh sau đẻ muộn này thường có học phí thấp và hướng tới đối tượng sinh viên thuộc thành phần gia đình nghèo hoặc người lao động chân tay muốn quay trở lại học đại học để nâng cao trình độ. Vì vậy, quy mô đào tạo của các trường này lớn là điều dễ hiểu.
Với nghich lý 2, về mặt truyền thống, đại học công thường được nhà nước hỗ trợ rất nhiều: từ kinh phí thường xuyên cho đến cơ sở vật chất, chính sách ưu tiên. Vì vậy, dù là đại học theo định hướng nghiên cứu (tinh hoa) hay đại trà (siêu cỡ), quy mô đại học công lớn hơn so với đại học tư là điều dễ lý giải.
Quay trở lại với Thông tư 32, rõ ràng Bộ GD&ĐT đang tin rằng việc hạn chế quy mô đào tạo đại học ở mức 15.000 sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy vậy, từ kinh nghiệm thế giới và việc phân tích 2 nghịch lý trên có thể thấy không có nước nào trên thế giới có quy định chặn trần quy mô sinh viên cứng nhắc như Bộ đang làm.
Thực tế, số lượng sinh viên của một trường nhiều hay ít phụ thuộc vào định hướng chiến lược của chính đại học đó: nếu là nghiên cứu, quy mô không thể lớn vì cần tập trung nguồn lực đầu tư xứng đáng; nếu là đào tạo cho số đông, quy mô có thể lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu sinh viên là điều bình thường.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, đại học công (do Nhà nước quản lý) lại được khuyến khích để có quy mô lớn hơn so với đại học tư có cùng mô hình phát triển.
Tất nhiên, Bộ có thể giải thích quy định chặn trần 15.000 sinh viên phù hợp với đặc thù của Việt Nam và chỉ áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định. Nhưng rõ ràng, việc đưa quy định này cũng đang đem lại rắc rối không cần thiết, ít nhất là cho 18 trường đang có tổng quy mô đào tạo đại học chính quy lớn hơn con số này.
Nếu áp dụng, thì trước tiên, trong một vài năm tới, các trường này sẽ phải giảm dần quy mô tuyển sinh. Sinh viên thì có thể giảm dần bằng cách đó, nhưng với giảng viên thừa ra sẽ làm gì khi bỗng nhiên họ bị thiếu việc làm?
Bộ sẽ cho phép các trường này mở mã ngành ở bậc sau đại học để số giảng viên dư thừa này có giờ giảng? Hay Bộ sẽ cấp học bổng cho các giảng viên này đi nước ngoài tu nghiệp?
Hoặc Bộ sẽ cấp kinh phi để họ tập trung nghiên cứu? Một cách khác: Bộ chuyển hết giảng viên này sang một đại học mới, có quy mô sinh viên đại học nhỏ hơn con số 15.000.
Tất cả các giải pháp trên, về lý thuyết đều có thể thực hiện, nhưng chắc chắn sẽ rất tốn công và gây mệt mỏi cho chính Bộ và tất cả các bên liên quan khác.
(*) Tác giả là nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan, ông Hiệp là 1 trong 3 thành viên sáng lập của Sciencetometrics for Vietnam - Trắc lượng khoa học Việt Nam.
Đây là một dự án có mục tiêu minh bạch hoá các thành tựu và kết quả nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu khoa học ở Việt Nam theo các chuẩn quốc tế.