Lãng phí rất lớn từ cuộc thi đồ dùng dạy học

20/10/2017 07:08
Cát Tưởng
(GDVN) - Dù đạt giải hay không thì những bộ đồ dùng ấy cũng chỉ nằm im lìm trong phòng thiết bị cho bụi phủ đầy mà khó có cơ hội xuất hiện trong lớp học dù chỉ một lần.

LTS: Cho rằng, cuộc thi làm đồ dùng dạy học xét cho cùng cũng chỉ là căn bệnh hình thức mà nhiều trường học muốn phô trương thanh thế.

Ngoài sự mệt mỏi, mất thời gian và hao tốn tiền của thì tác dụng mang lại từ cuộc thi chỉ như con số 0 tròn trĩnh, tác giả Cát Tường đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong bài viết “Một cách tôn trọng người thầy: Hãy bỏ các quy định hình thức” của Tiến sĩ Lê Thống Nhất, tác giả đã đề cập đến căn bệnh hình thức làm đồ dùng dạy học ở các trường học hiện nay. Bài viết có đoạn:

“Đồ dùng dạy học hay thiết bị dạy học là công cụ cần thiết để "hành nghề" như các nghề khác cũng có.

Nhiều thiết bị dạy học phải do các nhà nghiên cứu chuyên lo việc này và qua một quy trình, cuối cùng có những nhà sản xuất thiết bị. Công việc này là một nghề do các cá nhân, đơn vị thực hiện, không nằm trong nghề dạy học.

Rất nhiều thiết bị dạy học, phần mềm dạy học tốt cần tích cực đưa vào các nhà trường để giáo viên có điều kiện sử dụng làm tăng chất lượng dạy học hơn là bắt buộc giáo viên phải tự làm.

Cần khuyến khích nhưng không nên bắt buộc ai cũng phải nghĩ ra và tự làm.

Bởi đây không phải là nhiệm vụ của giáo viên, nó là một chuyên môn khác với đi dạy học.

Việc đưa ra một thiết bị hay đồ dùng dạy học là một sáng tạo mà việc sáng tạo không phải ai cũng có khả năng như nhau. Đây là việc khó nên chỉ khuyến khích và đánh giá cao…”.

Thế nhưng trong thực tế, ở nhiều trường học, nhiều địa phương năm nào cũng mở cuộc thi “đồ dùng dạy học” để ép buộc giáo viên phải làm và tham gia dự cuộc thi nhằm báo cáo thành tích.

Hình minh họa, nguồn: Phong Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây.
Hình minh họa, nguồn: Phong Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây.

Điều đáng nói là những đồ dùng dạy học tự làm này lại chỉ có giá trị tham dự hội thi để tranh giải chứ hoàn toàn không có giá trị sử dụng trong các tiết dạy.

Đơn cử cấp tiểu học, nhiều trường đã áp dụng dạy theo mô hình VNEN, học sinh chủ yếu học tập trong nhóm. Nếu có đồ dùng minh họa buộc phải có ít nhất 5-6 cái giống hệt nhau để ở các nhóm.

Nếu chỉ có một đồ dùng, buộc thầy cô phải tổ chức hoạt động cả lớp (một phương pháp dạy không khuyến khích cũng chẳng được ghi nhận ở mô hình VNEN).

Không ít trường năm nào cũng tổ chức cuộc thi đồ dùng dạy học. Trường quy định mỗi tổ từ 1-2 sản phẩm. Có trường mỗi giáo viên phải có một sản phẩm.

Để chuẩn bị cho cuộc thi, giáo viên phải nát óc tìm kiếm thông tin trong sách giáo khoa xem cần làm sản phẩm nào?

Năm nào cũng thi nên đôi khi chẳng biết phải làm đồ dùng nào cho hữu ích. Một số bài có thể làm đồ dùng dạy học thì thiết bị đã có sẵn.

Bởi thế, nếu không thể nghĩ ra đồ dùng dạy học khác để làm giáo viên đành chế tác lại trên cơ sở những đồ dùng đã có, hoặc chế ra một đồ dùng nào đó cho có mà thôi.

Lãng phí rất lớn từ cuộc thi đồ dùng dạy học ảnh 2

Giáo viên "phát điên phát rồ" vì các loại cuộc thi

Nghĩ ra đồ dùng dạy học để làm dự thi đã khó, hoàn thành được nó còn khó hơn.

Không phải giáo viên nào cũng có năng khiếu và thời gian để hoàn thành.

Thế rồi “cái khó ló cái khôn” nhiều người bảo rằng mình đã tìm được địa chỉ trên mạng nơi chuyên làm đồ dùng dạy học để bán.

Một số thầy cô gửi tiền, họ gửi sản phẩm vào và đàng hoàng mang đi dự thi. Tiện ích là thế nhưng giá thành lại cao ngất ngưởng. Một sản phẩm trị giá từ một đến vài triệu đồng.

Có người lại thuê vẽ tranh, người lại bỏ công sức ra để hoàn thành vì thi xong rồi bỏ mà mất một khoản tiền lớn lại tiếc lắm. Người nói làm cho có để khỏi bị khiển trách, kiểm điểm nên sản phẩm đơn điệu, sơ sài…

Ngày chấm giải, đương nhiên những đồ dùng đạt giải toàn rơi vào những đồ dùng thuê người làm. Tiền thưởng của trường 100 ngàn đồng là cao nhưng có giáo viên đã phải bỏ gấp chục lần như thế.

Có điều, dù đạt giải hay không thì những bộ đồ dùng ấy cũng chỉ nằm im lìm trong phòng thiết bị cho bụi phủ đầy mà khó có cơ hội xuất hiện trong lớp học dù chỉ một lần, đơn giản nó chưa thật sự cần cho tiết dạy ấy.

Chỉ đáng tiếc, giáo viên vừa mất thời gian, công sức vừa mất một khoản tiền để hoàn thành sản phẩm.

Nhà trường cũng lại mất nhiều khoản tiền hơn như tiền tổ chức cuộc thi, tiền ban giám khảo, tiền thưởng cho các sản phẩm đoạt giải…

Nhưng bù lại, báo cáo nhà trường được ghi thêm một cuộc thi “làm đồ dùng dạy học” có chất lượng cao.

Có những hiệu trưởng đã rất tự hào nói rằng: “Trường mình được cấp trên khen và đánh giá cao phong trào làm đồ dùng dạy học vì đã được duy trì thường xuyên.

Bởi thế, thầy cô phải cố gắng để hoạt động này trở thành thường niên”.

Nghe thế, giáo viên chỉ biết thở dài nhìn nhau ngao ngán.

Cuộc thi làm đồ dùng dạy học xét cho cùng cũng chỉ là căn bệnh hình thức mà nhiều trường học muốn phô trương thanh thế. Ngoài sự mệt mỏi, mất thời gian và hao tốn tiền của thì tác dụng mang lại từ cuộc thi chưa thấy được nói đến.

Tài liệu tham khảo:

https://bigschool.vn/mot-cach-ton-trong-nguoi-thay-hay-bo-cac-quy-dinh-hinh-thuc

Cát Tưởng