Lễ hội, cái tát và hành trình “chui vào hang đá”

24/02/2014 06:15
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Luật của trời là lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu, luật của người là lấy chỗ thiếu bù chỗ thừa. Xã hội nào cũng vậy, kẻ giàu ngày càng giàu, kẻ nghèo ngày càng khốn.

Ngày xưa có hai loại “thầy” được xã hội kính trọng là thầy giáo và thầy thuốc, còn một vài loại “thầy” khác tuy không bị xã hội miệt thị nhưng cũng chẳng được thiện cảm mấy như thầy bói, thầy cúng, thầy phong thủy… Ngày nay cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội nhiều loại “thầy” mới xuất hiện với số lượng ngày càng đông như thầy cãi, thầy chùa, thầy dùi, thầy vườn…

Hai loại thầy được xã hội kính trọng ngày nay lại được tuyển chọn bởi hai tiêu chí hoàn toàn trái ngược nhau, với thầy thuốc, điểm thi tuyển sinh dường như không có đối thủ, thi ba môn, mỗi môn được 9 (trên 10) vẫn bị trượt.

Vụ thầy trò đánh nhau ở Bình Định xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định)
Vụ thầy trò đánh nhau ở Bình Định xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định)

Còn với thầy giáo thì “chuột chạy cùng sào” mới phải làm cái nghề “bán cháo phổi”. Cả hai thái cực ấy chẳng mang lại cho xã hội điều gì tốt đẹp, nó chỉ tạo nên một mâu thuẫn trong cách lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ.

Chẳng thế mà trong buổi chầu 23 tháng chạp của chương trình Táo quân 2014, Táo Giáo dục đòi tát Táo Y tế “rơi răng”.

Đương nhiên sự xuống cấp của y đức và giáo đức cần phải lên án, nhưng có lẽ hành động dọa đánh phụ nữ (Táo Y tế) cũng cho thấy nỗi bức xúc của người cầm bút không còn đơn thuần chỉ là sự châm biếm.

Vì sao giới trẻ đổ xô vào ngành Y, đơn giản chỉ vì thầy thuốc thời nay kiếm tiền quá dễ chứ không phải chỉ vì mục đích cao đẹp duy nhất là cứu người, còn vì sao người ta ghét nghề dạy học, cũng đơn giản vì nghề này không những không mang lại cho thầy cô sự đảm bảo về vật chất mà luôn có nguy cơ phải đón nhận sự “ném đá” của dư luận xã hội và truyền thông.

Vậy thì trước khi trách những con người cụ thể, hãy nghiêm túc nêu câu hỏi: “vì sao lại xuất hiện những thầy thuốc và thầy giáo như vậy?”.

Táo quân 2014 VTC: Táo Giáo dục đòi tát Táo Y tế “rơi răng”
Táo quân 2014 VTC: Táo Giáo dục đòi tát Táo Y tế “rơi răng”

Lâu rồi, không biết ai đã chế ra câu: “Từ trong hang đá chui ra, vươn vai một cái rồi ta chui vào”. Chuyện thầy đánh trò, trò đánh lại thầy ở trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định không biết có phải là hành trình “chui vào hang đá”, trở lại thời kỳ mông muội hay chỉ là một sự kiện “bình thường” đang diễn ra không chỉ ở ngành giáo dục mà còn ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều cấp độ khác nhau?

Lời cảnh báo cho sự suy đồi đạo đức hiển hiện hàng ngày cả ở trong và ngoài khuôn viên nhà trường đã được gióng lên từ lâu, song có vẻ như “nghe nhiều hóa quen”, nó không còn là sự kiện gây sốc với một bộ phận dân cư, thậm chí cả với một số người đang mải lo “việc lớn”.

Nói đến việc lớn, lại nhớ đến sự tích trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt cạnh đường, mải nghĩ việc chống kẻ thù đến nỗi giáo đâm vào đùi chảy máu mà không để ý.

Hưng Đạo Vương thử trình độ học vấn, thấy Phạm Ngũ Lão tinh thông văn thư, binh pháp, ứng đáp trôi chảy các câu hỏi bèn cho lên kiệu cùng về kinh.

Trong hai cuộc chiến chống xâm lược, Phạm Ngũ Lão đã lập được nhiều chiến công hiển hách, được Hưng Đạo Vương nhận làm con rể, được Vua Trần Anh Tông phong chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu, thế nhưng ông vẫn tự răn mình:

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân cho dựng núi đá bít hẳn cổng chính vào trụ sở UBND huyện. (ảnh VOV)
Lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân cho dựng núi đá bít hẳn cổng chính vào trụ sở UBND huyện. (ảnh VOV)

Lâu nay, trên một đài truyền hình có hẳn một chương trình “phong và thủy”, điểm mặt các “thầy phong thủy” thấy thật đa dạng, không ít trong số đó là nữ. Có lẽ chính nhờ chương trình này mà ở huyện nọ người ta xây cả hòn non bộ trước cổng Ủy ban để trấn yểm".

Xem ra những con người hiểu biết về duy vật biện chứng, là đại diện cho tư tưởng tiên tiến nhất thời đại cũng đang trên hành trình “chui vào hang đá”, họ chẳng biết tin vào cái gì nên phải tin vào phong thủy, ấy thế mà họ vẫn ngồi đó để dạy cho người khác phải tin vào luật pháp, tin vào học vấn và trình độ lãnh đạo “uyên thâm” của họ!

"Tương tự như sự trấn yểm ở Ủy ban huyện, hành động thầy giáo tát học sinh ở Bình Định phải chăng chỉ là hưởng ứng, chỉ là hiện thực hóa “cái tát” mà chương trình truyền hình nọ đã trang bị cho Táo Giáo dục? Nếu thế thì ai dám đảm bảo, rằng với sức lan tỏa mạnh mẽ của truyền hình, sẽ không xuất hiện tiếp những “cái tát” khác?

Điều này đã được minh chứng qua “cái tát thủng màng nhĩ” mà Tuanvietnam/Vietnamnet đưa tin ngày 22/2/2014. Nói vậy không phải là đổ lỗi hoàn toàn cho truyền hình, cũng không phải là biện minh cho Giáo dục, nói thế để thấy cái gì cũng có nhân quả, không phải cứ đổ rác sang nhà hàng xóm thì nhà mình sẽ hết mùi hôi". 

Hành trình “chui vào hang đá” còn thể hiện ở một nét “văn hóa truyền thống” đó là lễ hội. Ngày 13/1/2006 Vietbao.vn đưa tin “Gần 350 người chết vì bị giẫm đạp tại thánh địa Mecca”, Vnexpress.net thì viết “Giẫm đạp ở Ấn Độ, 109 người thiệt mạng” (14/10/2013). Tại Hà Nội, “Chen lấn kinh hoàng, nhiều người ngất trong đêm đón giao thừa 2014” (Thanhnien.com.vn 1/1/2014).

Điểm sơ qua một vài tin cho thấy, sự cuồng nhiệt thái quá không diễn ra ở châu Âu hay Bắc Mỹ, những nơi khoa học kỹ thuật phát triển, nhận thức của con người về tự nhiên mang tính khoa học hơn là mê tín.

Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng

Một bản tin văn hóa trên VTC thống kê nước ta hàng năm có khoảng 8.000 lễ hội. Hội làng bé nhất cũng thu hút khoảng 300-400 người và thường diễn ra trong 03 ngày, ít nhất vài triệu ngày công đã được sử dụng cho lễ hội.

Lễ hội là họat động văn hóa cộng đồng vì thế không thể ngăn cấm, song có nên khuyến khích thái quá như hiện nay? Hội làng thì có vài chức sắc xã, huyện về dự, hội tỉnh thì có quan chức cấp bộ, cao hơn nữa đánh trống khai hội phải là cấp chính phủ, cấp nhà nước.

Sự xuất hiện của một số lãnh đạo, chức sắc ở Hội Đền Hùng, Hội chùa Yên Tử không có gì phải bàn luận vì đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên đã có công dựng nước, giữ nước.Tuy nhiên ở nhiều lễ hội khác, nếu không thận trọng nó rất dễ bị hiểu như là một sự quảng bá, như là lời kêu gọi người dân hãy đi lễ nhiều hơn.

Đến với lễ hội người ta rải tiền không chỉ cầu mong sức khỏe, an bình mà còn là tiền tài, bổng lộc, quan chức. Nếu quả thật thánh thần có hiển linh, liệu các vị ấy có chấp nhận biến đền chùa thành nơi phàm tục, cho vay và trả lãi? Liệu thánh thần có đủ của cải để ban phát cho bao nhiêu con người chỉ muốn giàu có mà không phải làm gì?

“Luật của trời là lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu, luật của người là lấy chỗ thiếu bù chỗ thừa”. Xã hội nào cũng vậy, kẻ giàu ngày càng giàu, kẻ nghèo ngày càng khốn khó. Phải chăng đó là căn bệnh không có thuốc chữa?

Những hình ảnh phản cảm, gây nhiều suy nghĩ
Những hình ảnh phản cảm, gây nhiều suy nghĩ

Quan niệm cầu may bằng ít tiền lẻ, ấn tiền vào tay, thậm chí cả vào tai, vào miệng tượng không chỉ là hành động bất kính đối với nhà Phật, mà còn thể hiện sự mông muội của nền văn minh “hang đá”, của những con người tiền sử, thời “ăn lông ở lỗ”, tuyệt không phải của loài người thế kỷ 21.

Các không gian linh thiêng không thể khuyến khích trở thành nơi phàm tục, luật của người không thể được dung dưỡng để thay thế luật trời.

Không khó để giải thích vì sao người ta đi lễ ngày càng nhiều, không phải chỉ tầng lớp trung lưu mà cả những người kinh tế eo hẹp. Vietbao.vn ngày 14/2/2014 viết: “Công chức Việt xin được ấn đền Trần là yên tâm công tác”.

Hóa ra trình độ, năng lực, tư cách không phải là cái bảo đảm cho một vị trí nơi công sở. Người ta chẳng biết tin vào cái gì nên phải tin vào thánh thần. Sự “không tin” một lần nữa được nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nêu trong buổi tọa đàm truyền trên VTV1.

Trả lời câu hỏi của BTV Quang Minh, vì sao vẫn chưa thể bầu trực tiếp chủ tịch xã mặc dù đã có nghị quyết TƯ 5 khóa 10 từ năm 2007, ông Tuyển nói đại ý “vì chúng ta chưa tin tưởng vào người dân có đủ sáng suốt lựa chọn và cũng vì chúng ta chưa tin rằng các đảng viên (ứng cử) sẽ được người dân lựa chọn”.

Lễ khai ấn ở Đền Trần Nam Định
Lễ khai ấn ở Đền Trần Nam Định

Không tin người mà cũng không tin mình, nhưng niềm tin lại là một nhu cầu nguyên thủy vậy nên phải tin vào cái hư ảo, đó phải chăng là nghịch lý cuộc sống mà chúng ta buộc phải chấp nhận?

Triết học Mác-Lênin khẳng định: “Sự phát triển theo đường “xoáy ốc” là sự biểu thị rõ ràng, đầy đủ các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng của sự vật. Mỗi vòng của đường “xoáy ốc” thể hiện sự lặp lại nhưng cao hơn, thể hiện trình độ cao hơn của sự phát triển”.

Loài người bắt đầu tiến trình phát triển bằng nền “văn minh hang đá”, phải chăng theo quy luật sẽ đến lúc con người trở lại với nền văn minh này nhưng ở mức cao hơn? Nếu quả như thế, có phải chúng ta đang đi trước nhân loại, đang bước vào “kỷ nguyên hang đá mới” với điện thắp sáng và tivi màu?

Chắc bạn đọc sẽ có câu trả lời của chính mình, người viết hy vọng sẽ được cùng đàm luận.

Tác giả: TS. Dương Xuân Thành