LTS: Với mong muốn được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà, bản thân là một nhà giáo luôn hăng say trong công việc, không ngừng cố gắng, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, tác giả Nhật Duy có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Một mùa Xuân nữa đã về giữa bao những bộn bề mà ngành giáo dục đang triển khai, đang lấy ý kiến nhằm thay đổi, phát triển cho ngành giáo dục nước nhà.
Là những giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, mỗi thầy cô chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Có lẽ ai cũng mong muốn, khát khao được góp sức mình để ngành giáo dục của chúng ta đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn cho xã hội.
Và những ngày đầu xuân này, chúng tôi lại mong ước, hy vọng những điều tốt đẹp đến với ngành nghề mà mình đang công tác.
Những điều ước muốn của giáo viên dịp đầu năm mới (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Một nền giáo dục sạch
Người xưa từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” thật chí lí. Một khi chúng ta xây dựng được đội ngũ tri thức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, khát khao cống hiến cho học học nước nhà thì khi đó chúng ta mới có thể nghĩ đến sự phát triển trong xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay có nhiều điều giả dối mà chúng ta liên tục phải chứng kiến.
Khi còn nhỏ thì học sinh cũng phải theo thành tích của thầy cô, theo chỉ tiêu chất lượng của nhà trường.
Lớn lên, thi vào các cấp học cao hơn lại dính vào thành tích của lãnh đạo, đề thi phải thật dễ để điểm số cao hơn để khỏi lãnh đạo không phiền lòng, các trường cấp 3 không phải ca thán.
Khi trưởng thành, nhiều người vẫn “ham học” để có bằng này, bằng kia…nhưng mục đích lại không phải là để cống hiến, đóng góp cho ngành, cho đất nước.
Vì thế, năm mới, điều chúng tôi luôn mong muốn là giáo dục nước nhà cần hướng tới một nền giáo dục “sạch”, có chất lượng thật để tạo niềm tin cho xã hội.
Muốn được như thế thì lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương cần có những chỉ đạo sát sao, có sự quan tâm, đầu tư hơn. Lãnh đạo đừng đề ra chỉ tiêu rồi áp đặt chỉ tiêu xuống cấp dưới, xuống cơ sở và bắt buộc cơ sở phải gian dối để có những bản thành tích đẹp.
Các trường, các học viên đề ra chỉ tiêu mỗi năm đào tạo ra bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ để duy trì hoạt động của nhà trường nên đã không có sự chọn lọc trong việc tuyển sinh và chất lượng đào tạo không được đảm bảo.
Mạnh dạn cho học sinh ở lại lớp
Trước những năm 2005 về trước, hiện tượng học sinh ở lại lớp là chuyện rất đỗi bình thường khi một số em chưa đáp ứng được yêu cầu về học tập, tu dưỡng đạo đức. Thế nhưng, những năm gần đây thì chuyện học sinh ở lại lớp bỗng trở nên “khan hiếm” vô cùng.
Học sinh của chúng ta đã học giỏi hơn chăng? Hoàn toàn không phải thế, học sinh không được phép lưu ban vì những quy định hướng dẫn của ngành giáo dục. Điều lệ nhà trường không được phép cho học sinh lưu ban 2 lần/cấp học. Vì thế, dù dở đến đâu thì đa phần các em cũng phải được lên lớp.
Trong hướng dẫn về xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng khống chế không được quá % học sinh lưu ban/lớp nên thầy cô cứ phải “đôn” lên theo đúng quy định bởi sĩ số đã được quy định.
Vì vậy, điều chúng tôi mong muốn là các cấp lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục đừng chạy theo thành tích, hãy để cho giáo viên quyền quyết định.
Thầy cô nào cũng mong muốn học sinh học tập tốt nhưng một khi các em còn yếu kém thì việc để các em ở lại lớp là một việc làm tốt và có trách nhiệm với các em hơn.
Ở lại lớp để các em này bổ sung lại kiến thức và cũng là giúp cho học sinh có động lực trong học tập. Tránh tình trạng một bộ phận học sinh tự cho mình cái quyền dở mấy cũng lên lớp nên không có động lực học tập, thờ ơ với tương lai của chính mình.
Cán bộ quản lý ở nhà trường phải thực sự gương mẫu, cầu tiến mà không tư lợi
Trong nhà trường, đội ngũ ban giám hiệu là “bộ mặt” của mỗi đơn vị. Nếu lãnh đạo gương mẫu, thường xuyên trau dồi chuyên môn, đạo đức để làm gương cho cấp dưới, cho học sinh của mình.
Trong quản lí nhân sự cần khách quan, công tâm, khích lệ, động viên để mọi người phát huy được khả năng chuyên môn của mình qua từng vị trí.
Trong quản lí tài chính cần minh bạch, rạch ròi, không tư lợi, không lợi dụng vị trí để làm lợi cho bản thân mình và một số người trong đơn vị.
Muốn vậy, mỗi thành viên trong ban giám hiệu nhà trường cần thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình, cần thể hiện tư tưởng “tiên ưu, hậu lạc” trước tập thể.
Lãnh đạo các ủy ban tỉnh, huyện, phòng, sở giáo dục cần nhìn nhận, đánh giá để bổ nhiệm trúng, đúng người cho các vị trí lãnh đạo nhà trường thì mới thúc đẩy sự đi lên của giáo dục và tạo niềm tin cho nhân dân trong từng địa phương.
Giáo viên không ngại đổi mới và yêu thương học trò
Sự đổi mới giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân nhưng người nắm giữ chìa khóa thành công hay không lại chính là những thầy cô đang đứng lớp. Người thầy giỏi về chuyên môn, sáng trong về đạo đức sẽ dạy dỗ và tác động sâu rộng đến học trò, đến hàng trăm học sinh mỗi năm.
Tuy nhiên, trong ngành giáo dục vẫn còn một bộ phận thầy cô chưa thực sự là những tấm gương sáng. Vẫn làm công việc của mình giống như một người làm công ăn lương, hết ngày đầy công nên chưa đầu tư cho chuyên môn của mình, chưa uốn nắn học trò khi các em chưa ngoan, chưa có ý thức cao trong học tập.
Muốn thay đổi mình, mỗi giáo viên phải có sự chủ động tiếp thu kiến thức, trau dồi phẩm chất, đạo đức của chính mình.
Trong mỗi đơn vị cần quán triệt, tuyên truyền đến từng giáo viên về nhiệm vụ, trách nhiệm của người thầy.
Hàng năm, khi đánh giá giáo viên, xét thi đua cần khách quan, minh bạch, chính xác để tạo động lực cho từng giáo viên phấn đấu trong công tác.
Học sinh thay đổi động lực học tập
Mỗi năm, có rất nhiều em chuyên tâm học hành để xây dựng một tương lai cho mình bằng cách học hành nghiêm túc và rèn luyện, tích lũy các kĩ năng trong cuộc sống thì vẫn còn một bộ phận học sinh chưa có động lực hoặc thờ ơ trong học tập.
Nhiều em chưa hiểu được mục đích học để làm gì, nhiều em chưa được gia đình quan tâm và tạo điều kiện tốt trong học tập, nhiều em vẫn mải mê với những trò chơi vô bổ, đến trường chỉ đến…để chơi.
Vậy nên, muốn trở thành người công dân tốt cho tương lai đất nước thì hôm nay các em phải là người con ngoan trong gia đình, là học sinh tích cực trong nhà trường. Muốn được như vậy, ngoài sự nỗ lực của cá nhân các em thì gia đình vẫn là điểm tựa cơ bản nhất để tạo bệ phóng cho các em.
Cha mẹ, người thân cần tạo cho các em điều kiện học tập, quan tâm, gần gũi, giúp đõ, động viên các em khi khó khăn. Nhà trường, thầy cô có những định hướng đúng đắn, tạo cho các em một điểm tựa để các em vui thú đến trường.
Những chính sách vĩ mô cần đúng đắn, phù hợp
Sự nghiệp giáo dục thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô của ngành giáo dục. Một khi chính sách đúng, định hướng đúng và phù hợp sẽ tạo sự chuyển mình cho ngành. Nhưng, chính sách, chỉ đạo sai hoặc không phù hợp sẽ làm mất niềm tin cho toàn xã hội.
Thế nhưng, những năm qua chúng ta vẫn thấy còn nhiều dự án, còn nhiều kế hoạch từ Bộ Giáo dục triển khai mà chưa nhận được sự đồng thuận của giáo viên, của xã hội nên nhiều kế hoạch, dự án đã thất bại và dẫn đến sự nghi hoặc cho dư luận.
Vậy nên, những ngày đầu xuân này, chúng tôi hy vọng những thầy cô, những chuyên gia đầu ngành hãy vững tâm, cầu thị để kiến tạo giáo dục nước nhà phù hợp với bối cảnh đất nước để tiệm cận sự phát triển nền giáo dục tiên tiến của quốc tế.
Những chính sách, những sự thay đổi phải được nghiên cứu sâu, kĩ lưỡng trước khi ban hành. Bởi chỉ cần một chỉ đạo, chỉ cần một kế hoạch không đúng, không phù hợp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu con người, thậm chí nhiều thế hệ sau này.
Có lẽ, chúng tôi cũng như hàng triệu thầy cô giáo còn mong muốn nhiều điều để có thể thay đổi một cách tích cực ngành giáo dục trong những ngày đầu xuân này.
Sự mong muốn của chúng tôi cũng là mong muốn chung của toàn xã hội. Tất cả vì một nền giáo dục tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc để chúng ta xây dựng, đào tạo nên những con người có đủ tâm, tài để có thể hội nhập được với các nước trên thế giới.