“Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!”

13/04/2017 09:14
Phan Tuyết
(GDVN) - Một số giáo viên hiện nay thiếu kiến thức về văn học. Có giáo viên phán câu xanh rờn: “Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!”.

LTS: Trao đổi về lý do khiến tình trạng học sinh chép văn mẫu ngày càng phổ biến, cô giáo Phan Tuyết cho rằng các giáo viên dạy Ngữ văn hiện nay không truyền đạt được tình yêu với văn chương cho học sinh.

Điều đó một phần là do thầy cô chưa đủ năng lực và đầu tư cho những kiến thức chuyên môn cùng với thiếu tình yêu dành cho văn chương.

Nếu dạy Văn mà chỉ chăm chăm thực hiện đúng như trong sách giáo khoa thì sẽ rất nhàm chán cho cả thầy và trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quả đúng như bài viết "Giáo viên Ngữ văn than học sinh chép văn mẫu quá nhiều khi làm bài ở nhà" của tác giả Sông Trà, học sinh bây giờ toàn chép văn mẫu, chép bài viết của giáo sư, tiến sĩ để biến sản phẩm của người khác thành sản phẩm của mình để nộp cho thầy cô lấy điểm. 

Chuyện này không chỉ xảy ra ở một nơi, một trường học mà phổ biến đại trà từ cấp học tiểu học đến bậc trung học phổ thông trong cả nước.

Nếu so với cách dạy Văn, học Văn ngày xưa thì học sinh thời chúng tôi không làm như thế, chẳng phải các em không có văn mẫu để chép. 

Điều khác biệt lớn nhất là những thầy cô giáo dạy Văn ngày ấy giảng dạy tâm huyết hơn, các phương pháp dạy học cũng phù hợp hơn với tên gọi của chính môn học là “giảng văn”.

Giáo viên không yêu Văn thì làm sao có thể khiến học sinh yêu thích môn Văn. (Ảnh: vietq.vn)
Giáo viên không yêu Văn thì làm sao có thể khiến học sinh yêu thích môn Văn. (Ảnh: vietq.vn)

Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học đến nay vừa tròn 30 năm. Ngày đó, tôi may mắn được học với cô giáo dạy Văn mà mọi người ca tụng là dạy hay nhất trường. 

Những bài giảng của cô như đưa chúng tôi về với cuộc sống đời thực của từng nhân vật trong tác phẩm. Được vui với niềm vui của họ, được khóc với nỗi buồn, sự bất hạnh mà họ đang gánh chịu…

Học một tác phẩm nhưng chúng tôi cùng lúc biết được nhiều tác phẩm trước đó, những tác phẩm cùng thời và một số tác phẩm có cái nhìn nhân văn hơn ở những dòng văn học khác…

Những bài giảng của cô luôn sinh động, giàu dẫn chứng và khuyến khích được sự đam mê, kích thích sự tìm tòi học hỏi của chúng tôi. 

Nhờ thế, cứ học xong một tác phẩm nào đó, lũ chúng tôi phải tìm bằng được tác phẩm ấy để đọc lại. 

“Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!” ảnh 2

Giáo viên Ngữ văn than học sinh chép văn mẫu quá nhiều khi làm bài ở nhà

Không những thế, cô còn cung cấp cho chúng tôi những vốn sống văn học một cách phong phú, đa dạng, như việc cô dẫn chứng nhiều đoạn văn, đoạn thơ nổi tiếng của nhiều tác giả theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau. 

Dù 30 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rất nhiều bài văn, bài thơ là vì vậy.

Nhưng dạy Văn, học Văn thời nay thì sao?

Đầu tiên nói về giáo viên. Không ít những thầy cô dạy Văn nhưng vốn văn chương chỉ ở mức “xuất phát điểm”. 

Một số thầy cô khác học Văn không bằng niềm đam mê, sự hứng khởi mà là “chuột chạy cùng sào”. 

Môn Văn chưa được chú trọng nên đầu vào các trường sư phạm lại quá thấp, có thời gian dài ngành sư phạm không thể tuyển đủ giáo viên dạy Văn

Có năm giáo viên Văn thiếu trầm trọng, nhiều tỉnh xin mở cấp tốc để chiêu sinh. Đầu vào thi 3 môn (Văn, Sử, Địa) mà chỉ lấy 10 điểm, sau vài tháng học đã trở thành giáo viên dạy Văn bậc trung học. 

Bởi thế những giáo viên dạy Văn này vốn sống về văn học lại quá nghèo nàn. Đọc một đoạn thơ hay, không biết ai là tác giả. Đọc một câu nói hay chẳng thể biết của nhân vật nào, tên tác giả, tác phẩm là gì? 

Ngoài một số tác phẩm nêu trong sách, thầy cô không thể biết thêm một tác phẩm nào khác vì chưa bao giờ biết đến, chưa bao giờ đọc đến. 

Một lần, ngồi nói chuyện với một số giáo viên dạy Văn, tôi thấy á khẩu vì nghe hai giáo viên tranh luận tác phẩm truyện ngắn “Hai đứa trẻ” người nói đó là tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu (Họ nhầm lẫn với bài thơ Hai đứa trẻ của Tố Hữu) người bảo của Thạch Lam. 

Dạy Văn, trước hết cần làm cho học sinh yêu Văn

(GDVN) - Văn là cái đẹp bên trong được thể hiện ra bên ngoài thông qua hình ảnh, ngôn từ và rồi thấm đượm vào tâm hồn để góp phần hình thành nên những vẻ đẹp bên trong.

Nội dung

Một giáo viên phán câu xanh rờn: “Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!”. 

Chuyện giáo viên dạy Văn ít đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm văn học hay cũng chẳng có gì lạ. Bởi bản thân họ chưa bao giờ yêu văn. 

Với vốn sống văn học hạn hẹp như thế, làm sao thầy cô có thể gửi hồn mình vào từng bài giảng để lay động được trái tim của học trò? Để thổi bùng lên ngọn lửa, niềm đam mê văn học của các em?

Cùng với vốn kiến thức văn học của cô nghèo nàn, phương pháp dạy Văn bây giờ cũng tác động rất lớn đến việc cảm thụ văn học của các em. 

Ngày nay, học Văn, dạy Văn theo phương pháp mới. Học sinh tự tìm hiểu trong sách giáo khoa, trao đổi với bạn nội dung nêu trong sách và giáo viên chỉ hỗ trợ những điều các em thắc mắc. 

Có không ít giáo viên dạy Văn chia sẻ: “Dạy Văn kiểu này chán vô cùng. Giáo viên không được phép giảng nhiều chỉ là hướng dẫn, giải thích những điều học sinh thắc mắc. Học kiểu này trò cũng chán mà thầy cũng nản”. 

Có giáo viên nói: “Giáo viên giảng ít sẽ chẳng thể cho các em thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm, cũng chẳng thể gieo vào lòng các em niềm say mê, sự yêu thích với văn học”.

Còn học sinh lại than: “Học mà chỉ đọc trong sách giáo khoa, con cần gì phải đến lớp? Con chỉ cần ở nhà mở sách ra là biết được rồi”. 

Khi giáo viên không truyền được cho trò tình yêu văn học, thì việc các em không thể tự làm một bài văn đơn giản là điều dễ hiểu.

Bởi thế, việc lên mạng copy, sao chép luôn là giải pháp tối ưu mà các em sử dụng để đối phó với môn học mà không ít học sinh cho là “cực hình”.

Phan Tuyết