LTS: Trước những thay đổi, định hướng mới ở môn Ngữ văn, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc và nhiều các thầy cô giáo khác bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào việc xây dựng sự tự chủ, tự do bày tỏ suy nghĩ cho học sinh.
Thầy Đỗ Tấn Ngọc cho rằng, những đổi mới này hứa hẹn sẽ hạn chế tình trạng dạy học áp đặt.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo dự thảo chương trình mới, Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, số lượng tiết học chiếm tới 18,75% thời lượng của cả 3 cấp học, cao nhất so với các môn.
Mới đây, trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, một chuyên gia bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một số hình dung về những thay đổi lớn trong môn học này:
“Về tính chất của môn học được xác định lại, coi đây trước hết là môn học công cụ, trang bị cho học sinh công cụ đọc, viết, nghe, nói để học tốt các môn học khác; giúp học sinh giao tiếp để phục vụ cuộc sống hằng ngày; kỹ năng đọc hiểu tốt để học suốt đời...
“Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!” (GDVN) - Một số giáo viên hiện nay thiếu kiến thức về văn học. Có giáo viên phán câu xanh rờn: “Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!”. |
Ngoài ra, môn văn còn có tính chất thẩm mỹ, tính chất nhân văn...Về ngữ liệu, môn văn sẽ xây dựng theo hướng mở.
Nếu như hiện nay quy định đến từng bài, dạy tác phẩm nào, văn bản nào... thì tới đây sẽ chỉ quy định một số tác phẩm lớn không thể không dạy.
Ví dụ Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, Truyện Kiều của Nguyễn Du…
Còn lại chúng tôi chỉ gợi ý một danh sách để các tác giả sách giáo khoa và các thầy cô giáo có thể lấy một văn bản trong hoặc ngoài gợi ý đó để dạy, miễn là đạt được yêu cầu đặt ra.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh phải biết một số tác phẩm tiêu biểu của dân tộc nhưng vẫn còn nhiều thời lượng trong chương trình để giáo viên và học sinh có thể chọn những tác phẩm đương đại phù hợp với sở thích, tâm lý lứa tuổi của các em.
Về đổi mới đánh giá, đề thi môn văn sẽ không kiểm tra những tác phẩm đọc được trên lớp mà phải là một văn bản tương tự”.
Các thầy cô giáo tâm đắc với những đổi mới ở môn Ngữ văn. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn) |
Trước định hướng thay đổi như vậy, theo Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, quan trọng nhất là cách dạy của giáo viên.
“Ví dụ lâu nay chúng ta cứ dạy cho học sinh cái hay của tác phẩm văn học cụ thể nào đó nhưng cái hay ấy chủ yếu là theo thầy cô, theo sách là chính.
Còn bây giờ cái đó phải lùi xuống, nhường chỗ để tôn trọng cách tiếp cận của học sinh, hướng dẫn học sinh cách đọc và để các em tự cảm nhận, tự phát biểu suy nghĩ của mình về tác phẩm.
Dạy viết cũng vậy, chúng ta đưa ra một đề tài và phải tôn trọng ý tưởng của học sinh, tránh tả con mèo thì 100 con mèo trong bài văn của học sinh đều giống nhau”, ông Thống chia sẻ.
Cô giáo Hồ Thị Hồng Thủy, giáo viên dạy môn Văn của Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) cho rằng:
“Qua trao đổi, các ý kiến nêu trên của Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, giáo viên dạy Văn, chúng tôi cũng đã nắm bắt và hình dung ra được những thay đổi căn bản của bộ môn này.
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ về tính chất môn học, về xây dựng ngữ liệu theo hướng mở, giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn dạy và học các tác phẩm phù hợp với sở thích và tâm lý học sinh, về đánh giá, ra đề theo hướng các văn bản, tác phẩm tương tự, không dạy trên lớp.
Kể từ đây, người dạy, người học được tự chủ, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình”.
Học trò “tập làm thơ” và những khó khăn của giáo viên (GDVN) - Bản thân các thầy cô giáo không phải ai cũng biết làm thơ mà đi dạy học sinh… làm thơ thì làm sao mà dạy nổi. Văn chương đâu phải là ai cũng có thể làm. |
Thầy Lê Chấn Thi, dạy môn Văn, hiện là Phó Hiệu trưởng, Trường Trung học phổ thông Vạn Tường (Quảng Ngãi) cho hay:
“Cách thiết kế môn Ngữ văn như vậy là tốt, là yên tâm rồi.
Nhưng điều mà tôi lo lắng, băn khoăn nhiều nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên môn văn hiện nay liệu có đáp ứng được với cách dạy mới hay không?
Bao nhiêu phần trăm giáo viên cần đào tạo, bồi dưỡng lại. Các năm đầu, đòi hỏi người thầy phải làm việc, tìm tòi nhiều lắm để chọn lựa, định hình phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả.
Ví dụ, muốn có 1 văn bản nhật dụng hay, 1 tác phẩm văn học khiến các em xúc động, thổn thức, giáo viên cần có tâm huyết, năng lực và thời gian đọc, ngẫm nghĩ, lựa chọn, tham khảo, khảo sát tâm lý học sinh…”
Người viết bài này, cũng là một thầy giáo dạy Văn có 21 năm trong nghề, tôi rất tâm đắc với thay đổi, cải tiến về đánh giá, kiểm tra và cảm thụ tác phẩm luôn tôn trọng ý kiến, cách tiếp cận khác của học sinh.
Đề kiểm tra, đề ra ngoài ngữ liệu, văn bản trong sách giáo khoa, ở trên lớp tránh được lối mòn học tủ, học vẹt, làm theo văn mẫu, không khác bài giảng của giáo viên …như hiện nay.
Qua đó, tạo điều kiện, bắt buộc học sinh phải đọc, tìm hiểu nhiều nguồn kiến thức ở bên ngoài (như các đề thi đại học môn Văn của các trường đại học ở Trung Quốc đã làm).
Đồng thời, dẹp bỏ được tình trạng dạy học áp đặt, một chiều, cô khen thì các em phải khen, thầy chê thì các em đều phải chê giống y như vậy, mở ra một “chân trời” cởi mở, tự do thật sự ở thầy và trò trong từng tiết dạy.
Tất nhiên để chương trình mới, cách dạy học mới khả thi, thành công ở bộ môn Văn nói riêng, các hoạt động, môn văn hóa khác nói chung, cả ngành giáo dục cần có quyết tâm cao, động lực lớn, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo.