LTS: Những bất cập về việc các thầy cô giáo phải làm sáng kiến kinh nghiệm đã được phản ánh nhiều lần trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Cao tiếp tục nêu lên những bất cập của vấn đề trên nhưng ở phạm vi và ngành nghề không mấy liên quan.
Đồng thời, tác giả mong muốn các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại Nghị định 56 của Chính phủ về tính hiệu quả và cả những bất cập đang tồn tại trong việc quy định công, viên chức phải có sáng kiến kinh nghiệm hàng năm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Từ lâu, chúng ta đã nghe nhiều về chuyện giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm, về những bất cập trong việc viết, chấm và công nhận giải. Những bất cập ấy, đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: "từ năm học 2017 - 2018, ngành sẽ không lấy sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua".
Các giáo viên chưa thực sự phấn khởi bởi, dù sao vẫn phải viết vì Nghị định 56 đang còn hiệu lực và quy định rõ: không có đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến…là không hoàn thành nhiệm vụ.
Hình ảnh minh họa về sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ mỗi năm tất cả công, viên chức đều phải có sáng kiến kinh nghiệm, một cải tiến…và điều này đã được thực hiện từ mấy năm qua.
Nhưng, chúng tôi vẫn phải bất ngờ khi nghe một cậu học trò cũ hiện đang làm phục vụ ở một nhà hàng phải viết sáng kiến kinh nghiệm để được công nhận là hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Trong một lần uống cà phê sáng, tình cờ, chúng tôi gặp lại cậu học trò cũ nên đã có dịp hàn huyên sau mấy năm không gặp nhau. Thầy trò hỏi nhau sức khỏe, công việc.
Bất ngờ, cậu học trò cũ hỏi tôi: “Thầy có phải viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm không?" Tất nhiên, câu trả lời của tôi là có. Bởi, đây là quy định bắt buộc mấy năm nay rồi.
Đột nhiên, em gượng gạo cười và nói với tôi: “bên em cũng phải viết thầy ạ”. Tôi ngạc nhiên vì em đang làm phục vụ bàn cho một nhà hàng thì viết sáng kiến kinh nghiệm để làm gì. Thế nhưng, đó lại là câu chuyện thật đang hiển nhiên tồn tại.
Cứ làm và chấm đề tài, sáng kiến như hiện nay thì...nên bỏ |
Cậu học trò nói: “Em làm phục vụ bàn nhưng vì nhà hàng thuộc sự quản lí của Tỉnh ủy nên tạm gọi chúng em là người “nhà nước”. Vì thế, lãnh đạo nhà hàng yêu cầu tất cả các cán bộ, nhân viên nhà hàng đều phải viết sáng kiến kinh nghiệm.
Chúng em đều mới đi làm, mà công việc là phục vụ bàn. Chẳng lẽ, chúng em viết sáng kiến kinh nghiệm về chuyện khách mời uống rượu, uống bia. Khách gọi gì thì có quản lí và nhà bếp làm. Chúng em chỉ bưng ra cho khách và dọn dẹp khi khách ăn xong. Vậy lấy gì để viết sáng kiến kinh nghiệm?
Bên em, mấy đứa con trai cứ đùa với nhau rằng: con gái còn được khách mời uống bia nên có các kĩ năng từ chối, hoặc các mẹo uống để không say; còn mấy thằng con trai thì mấy khi được khách mời mà có kinh nghiệm để viết…sáng kiến!
Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục hay một số ngành nghề khác đối với công, viên chức nhà nước với chúng ta không còn lạ lẫm nhưng chuyện nhân viên phục vụ bàn viết sáng kiến kinh nghiệm thì đúng là mới nghe lần đầu.
Những người quản lí nhà hàng, những người làm việc lâu năm trong một lĩnh vực chuyên môn thì yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm nghe còn có lý.
Bộ Giáo dục chính thức không bắt buộc giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm |
Mấy em phục vụ bàn viết sáng kiến kinh nghiệm thì có ích lợi gì và cần thiết không? Bởi, nhân viên phục vụ bàn yêu cầu đầu tiên phải là trẻ và có ngoại hình nên các em chỉ làm một vài năm rồi chuyển hoặc phải nghỉ bởi không có nhà hàng nào tuyển và sử dụng người lớn tuổi làm phục vụ.
Hơn nữa, phải nói rằng: phần nhiều nhân viên làm phục vụ bàn là những em chỉ tốt nghiệp lớp 12 thậm chí là trình độ thấp hơn. Hoặc, một số em học cao đẳng, trung cấp ra trường nhưng chưa xin được việc nên mới đi làm thêm.
Vậy, yêu cầu viết sáng kiến kinh nghiệm có phải là điều khiên cưỡng? Bởi, ngoài kinh nghiệm trong quá trình làm việc thì mỗi sáng kiến kinh nghiệm cũng yêu cầu về ngôn ngữ, về tính khoa học trong các đề tài thực hiện.
Mỗi năm, nước ta có hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Rõ ràng, đây không chỉ là áp lực của người viết mà áp lực với cả người chấm và ngân sách chi trả cho người chấm và người được giải.
Nên chăng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại Nghị định 56 của Chính phủ về tính hiệu quả và cả những bất cập đang tồn tại trong việc quy định công, viên chức phải có sáng kiến kinh nghiệm hàng năm.