Nhiều nhầm lẫn trong sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam của Bộ Giáo dục

19/11/2015 07:47
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - “Ở mảng giáo dục chuyên nghiệp (bao gồm các trình độ sơ cấp và trung cấp nghề) không được sắp xếp theo một trật tự nhất quán của hệ thống giáo dục quốc dân”.

Đó chỉ là một trong những băn khoăn của TS. Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, khi ông nhận xét về sơ đồ cơ cấu lại hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại mà Bộ GD&ĐT đề xuất.

Những lý do cần tái cấu trúc lại hệ thống

Về Hệ thống Giáo dục Việt Nam hiện tại (dựa theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp ) theo TS. Lê Viết Khuyến về cơ bản không đáp ứng nhiều định hướng quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Theo đó, toàn hệ thống không có sự nhất quán do khối Giáo dục nghề nghiệp được tách riêng biệt. Do không phải là một bậc học nên không thể xem khối này nằm ở vị trí trên giáo dục trung học và dưới giáo dục đại học. 

TS. Lê Viết Khuyến (Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Viết Khuyến (Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh Xuân Trung

TS. Khuyến cũng cho biết thêm, ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trong khối đó cũng không có sự liên thông thực sự. Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định muốn được dự tuyển vào cao đẳng thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông). 

Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo (do 2 cơ quan Nhà nước khác nhau quy định).

Điều thứ nữa ở hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại không có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO (ISCED 2011), thì các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của ISCED2011. 

Nhiều nhầm lẫn trong sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam của Bộ Giáo dục ảnh 2

Đất nước khó qua đói nghèo khi nguồn nhân lực thấp kém

(GDVN) - “Ở Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế nên nguồn lực con người đương nhiên sẽ đóng vai trò quyết định”.

TS. Lê Viết Khuyến lấy ví dụ, đối với trình độ trung cấp, tùy theo trình độ học vấn (văn hóa) đầu vào của người học, nếu người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở thì người đó chỉ đạt được cấp độ 2 của ISCED (vì có thời gian đào tạo quá ngắn), còn nếu người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông thì người đó đã đạt được cấp độ 4 của ISCED. 

Nhưng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cả 2 loại người học đều có cùng một trình độ. Ngoài ra ISCED2011 cũng quy định trình độ cao đẳng phải thuộc về giáo dục đại học trong khi theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cao đẳng không được xem thuộc giáo dục đại học. 

Điều vô lý nữa cho thấy, không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông. Theo TS. Khuyến, việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở là lối đi vào “ngõ cụt” vì người học không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Do đó, xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau trung học cơ sở người học đều cố đi vào trung học phổ thông. Còn sau trung học phổ thông người học chỉ có một hướng duy nhất là đi vào đại học vì muốn vào cao đẳng thì còn phải có cả bằng trung cấp nghề nghiệp).

Nhiều băn khoăn về sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục của Bộ GD&ĐT 

Hệ thống giáo dục Việt Nam mới do Bộ GD&ĐT đề nghị tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ngày 5/11, có khá nhiều nét tương đồng với Hệ thống giáo dục Việt Nam do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người kiến nghị trước đây.

Sơ đồ Khung tái cơ cấu hệ thống giáo dục theo đề xuất của Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung
Sơ đồ Khung tái cơ cấu hệ thống giáo dục theo đề xuất của Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung

Theo đó, chỉ chủ yếu tập trung ở các mảng giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và mảng giáo dục đại học. Riêng khu vực giáo dục giữa giáo dục đại học và giáo dục trung học cơ sở còn nhiều bất hợp lý, lẫn lộn.

TS. Lê Viết Khuyến chỉ rõ, ở mảng giáo dục chuyên nghiệp (bao gồm các trình độ sơ cấp và trung cấp nghề) vẫn được tách ra riêng biệt, không được sắp xếp theo một trật tự nhất quán của hệ thống giáo dục quốc dân. 

Trung cấp nghề, theo đó cho dù đã kéo ra 3 năm (không phải chỉ có 1- 2 năm như ở Luật Giáo dục nghề nghiệp) nhưng không thể xem là tương ứng với cấp độ 4 của ISCED2011 (xem khổ 185 và 186 của ISCED2011).

Sơ đồ không nêu rõ điều kiện đầu vào của các trình độ cũng như không chỉ ra căn cứ để liên thông lên cao đẳng (liệu có giống Luật Giáo dục nghề nghiệp hay không?).

Nhiều nhầm lẫn trong sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam của Bộ Giáo dục ảnh 4

Tái cấu trúc hệ thống, giáo dục sẽ bật lên

Một điều nữa khiến TS. Khuyến băn khoăn, trung học kỹ thuật với cấu trúc có thể tới 80% nội dung về văn hóa nên chỉ mang tính hướng nghiệp cho học sinh, do đó chỉ được xem như một chuyên ban của Trung học phổ thông, không phải là một luồng khác với Trung học phổ thông. 

Trong ISCED2011, luồng thứ 2 khác với Trung học phổ thông, đều cùng ở cấp độ 3, là Trung học nghề (không phải là Trung cấp nghề hay Trung cấp như cách gọi ở Việt Nam hiện nay).

Hơn nữa, học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông phải được liên thông lên cả đại học lẫn cao đẳng như tất cả các nước vẫn quy định chứ không phải chỉ được lên đại học. Cao đẳng (thực hành) phải được đặt dưới Đại học ứng dụng, không được đặt ngang với Đại học ứng dụng.

Trong mảng giáo dục đại học, theo TS. Khuyến chỉ có Thạc sỹ nghiên cứu mới được học liên thông lên Tiến sỹ, còn Thạc sỹ ứng dụng không được quyền đó, chứ không phải cả 2 loại Thạc sỹ đều có quyền liên thông lên Tiến sỹ.

Trên sơ đồ khung nên dự kiến quy mô phân luồng người học sau mỗi trình độ, cấp độ đào tạo để thể hiện hiện định hướng phân luồng của hệ thống.

Xuân Trung (ghi)