Những lời gửi gắm và sự hoang mang của thầy giám thị!

20/06/2017 07:13
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Mệt mỏi với vấn nạn gửi gắm con em trong thi cử mà nhiều giáo viên ở các địa phương đến mùa thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi quốc gia lại chẳng mấy mặn mà

 LTS: Nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính minh bạch trong giáo dục, công tác coi thi luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Bày tỏ sự trân trọng của mình với những khó khăn, vất vả mà các thầy cô phải đối mặt khi thực hiện công tác coi thi trong tình hình hiện nay, thầy Kiên Trung đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những suy nghĩ của mình về vấn đề này. 

Đồng thời tác giả mong muốn các thầy cô sẽ luôn làm tốt chức trách của mình, không phụ sự tin yêu của quý phụ huynh và học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Từ ngày 21 đến ngày 24/6 trên toàn quốc sẽ diễn ra kỳ thi trung học phổ thông với hình thức thi “2 trong 1”.

Hình ảnh thầy cô thực hiện công tác coi thi. (Ảnh: newws.zing.vn)
Hình ảnh thầy cô thực hiện công tác coi thi. (Ảnh: newws.zing.vn)

Mấy ngày nay, những người chuẩn bị tham gia công tác coi thi như chúng tôi, liên tục nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn, thậm chí tìm đến tận nhà của nhiều phụ huynh, anh, chị, em đồng nghiệp.

Họ thẳng thắn đặt vấn đề với chúng tôi để nhờ vả, giúp đỡ con em của mình trong kỳ thi lần này. 

Chúng tôi không được quyền tiết lộ ra ngoài rằng mình sẽ coi ở điểm thi nào, nhiệm vụ là gì… vậy mà họ nắm các thông tin rất cụ thể và tường tận. 

Khi phụ huynh “đặt vấn đề” nhờ gửi gắm thí sinh A, thí sinh B, chúng tôi đã có giải thích: 

“kỳ thi này không giống như các kỳ thi của địa phương tự tổ chức, trong mỗi phòng thi, buổi thi luôn có 2 cán bộ coi thi của trường trung học phổ thông và trường đại học, cao đẳng ở nơi xa cử đến. 

Vòng ngoài là lực lượng cán bộ giám sát, theo dõi mọi động thái của giám thị và thí sinh. 

Các cán bộ coi thi thứ nhất và thứ hai không phải do điểm thi phân công từ trước mà bốc thăm ngẫu nhiên, do đó chuyện gửi gắm rất khó khăn, mong đồng nghiệp, phụ huynh thông cảm…”

Những lời gửi gắm và sự hoang mang của thầy giám thị! ảnh 2

Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm

Việc gởi gắm trong kỳ thi quốc gia năm nay là vô cùng khó khăn nên có người đành nói lời cảm ơn và nhẹ nhàng cáo lui. 

Bên cạnh đó, có những phụ huynh rất “ngoan cố” năn nỉ: 

“cỡ như thầy cô thì khó khăn gì, nói một tiếng là các đồng nghiệp, các giảng viên đại học, cao đẳng phải nghe và giúp thôi. Cháu nó học yếu, sợ không đỗ theo nguyện vọng nên tôi mới nhờ cậy đến các thầy”. 

Nhiều bậc phụ huynh còn mang trong mình những suy nghĩ hạn hẹp, nhận thức đơn giản.

Họ nghĩ chỉ cần có người thân quen trong hội đồng coi thi, chấm thi thì chuyện tiêu cực, móc nối, hỗ trợ thí sinh sẽ rất dễ dàng và đơn giản.

Họ thường tin vào những lời đồn đại, thí sinh D, thí sinh C con ông A, bà B thi điểm cao ngất ngưởng là nhờ giỏi chạy chọt, quan hệ, quen biết…

Thực tế ở các kỳ thi học sinh giỏi, tuyển sinh vào lớp 10… do địa phương tổ chức từng nảy sinh tiêu cực từ việc gửi gắm, đáp bài, mà nhờ đó nhiều thí sinh đỗ đạt, thậm chí được giải cao. 

Khi thấy con em của phụ huynh khác (bằng thực lực) đạt điểm cao hơn và được tuyển vào lớp chọn, họ quay ngược lại, đi trách móc những người đã “giúp đỡ” con em mình.

Những lời gửi gắm và sự hoang mang của thầy giám thị! ảnh 3

Khi giám thị “gà bài” cho thí sinh

Mệt mỏi với vấn nạn gửi gắm con em trong thi cử của không ít phụ huynh, đồng nghiệp…mà nhiều giáo viên ở các địa phương đến mùa thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi quốc gia chẳng mấy mặn mà.

Các thầy cô trông mong được cấp trên điều động đi làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi để không có tên ở nhà cho đỡ phiền phức. 

Có tên đi coi thi, chấm thi mà từ chối giúp đỡ trường hợp này, trường hợp kia, nhất là diện bà con, anh em, đồng nghiệp, không may con em họ thi trượt thì bị trách, thậm chí bị nói xấu, áp lực, mệt mỏi đủ đường. 

Dẫu sao đi nữa, đã mang cái nghiệp vào thân, các thầy cô giáo không được nhụt chí, cố gắng làm việc, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, quyết không để những cám dỗ vật chất, tình cảm và các mối quan hệ khác chi phối, tổn hại đến môi trường giáo dục, đến tính công bằng, nghiêm túc trong thi cử. 

Tôi tin rằng dư luận xã hội, mọi thí sinh, các bậc phụ huynh sẽ luôn tin tưởng khi trao bảo kiếm cho thầy cô trong  kỳ thi năm nay và những năm về sau.

KIÊN TRUNG