Những người luôn bảo thủ, trì trệ mới lo phải ra khỏi công chức, viên chức

25/05/2017 03:22
XUÂN QUANG
(GDVN) - Những người luôn luôn có ý thức phấn đấu trong công việc thì không có gì phải lo lắng bị chấm dứt hợp đồng, hoặc đào thải. Ngược lại...

Nhà giáo phải luôn đổi mới, trau dồi kiến thức 

Đánh giá về quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sắp tới sẽ bỏ biên chế công chức, viên chức trong ngành giáo dục và chuyển sang dạng hợp đồng, Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng cho rằng, đây là ý tưởng mới và hay. 

"Quan điểm này đặt ra giáo viên ở trạng thái "động" chứ không phải "tĩnh".

Điều này có nghĩa rằng, giáo viên luôn luôn phải nỗ lực,

Những người luôn bảo thủ, trì trệ mới lo phải ra khỏi công chức, viên chức ảnh 1

Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục

cạnh tranh, phấn đấu để cải thiện năng lực bản thân, giải phóng sức ì. Làm thay đổi suy nghĩ an phận rằng, cứ vào được biên chế là chắc chân suốt đời.

Việc giáo viên cải thiện năng lực bản thân không chỉ để thi đua, cạnh tranh lành mạnh với người khác mà còn chiến thắng với chính bản thân mình.

Điều đó phải bắt đầu từ ngày hôm nay. 

Việc hoàn thiện mình phải bằng cách trau dồi các kiến thức ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ... để không bị tụt hậu trong "cuộc đua" này.

Mục tiêu cuối cùng của ý tưởng này là nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đầu ra của sản phẩm giáo dục.

Ý tưởng này cũng loại bỏ suy nghĩ, không phải cứ là công chức, viên chức thì không thể thay thế được", Giáo sư Nghị nói.

Từ những phân tích trên, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng cho rằng, ý tưởng này có thể trở thành hiện thực nếu có lộ trình, kế hoạch cụ thể.

"Một ý tưởng mới nếu muốn thực hiện được sẽ không dễ dàng chút nào, thậm chí vấp phải sự phản đối quyết liệt.

Nhưng nếu hỏi tôi tính khả thi của ý tưởng này, tôi sẽ trả lời rằng, nó có thể thực hiện được nếu ý tưởng đưa ra được lộ trình, kế hoạch cụ thể, khoa học".

Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng (ảnh: Vnexpress.net).
Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng (ảnh: Vnexpress.net).

Có ý kiến cho rằng, trước khi bỏ biên chế công chức, viên chức giáo viên để chuyển sang hợp đồng “có vào - có ra”, cần thực hiện thí điểm bỏ công chức, viên chức ngành giáo dục từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trở xuống nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan khi thực hiện ý tưởng này. 

Nhận định về vấn đề nêu trên, Giáo sư Nghị cho rằng, Nghị quyết số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhấn mạnh yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Do đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết cần phải thay đổi từ cấp cơ sở - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

"Yếu tố đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của chúng ta hiện nay là thầy giáo, cô giáo.

Cho nên hãy tập trung vào vấn đề này trước đã, những thứ khác có thể làm sau.

Vấn đề là phải đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp, cụ thể. 

Một cuộc "cách mạng" bao giờ cũng cũng đụng chạm tới nhiều thứ, đặc biệt là quan điểm có ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Do đó, tôi nhắc lại, phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo rằng chúng ta không bị mất ổn định, xáo xộn về mặt nhân sự và các vấn đề xã hội khác có liên quan.

Khi đưa ra kế hoạch thực hiện cần giải đáp được các vấn đề như: Thực hiện vào thời điểm nào? Cách thức thực hiện ra sao? Chúng ta đã đủ điều kiện để thực hiện việc này chưa?", Giáo sư Nghị đặt câu hỏi.

Cần bộ chuẩn hóa đội ngũ giáo viên bằng bộ tiêu chí đánh giá, tuyển chọn 

Giáo sư Trần Hữu Nghị cho rằng, cần có bộ tiêu chí cụ thể, thống nhất trong kiểm tra đánh giá năng lực, tuyển chọn, sàng lọc nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo khi thực hiện bỏ biên chế công viên chức ngành giáo dục để chuyển sang hợp đồng.

"Cần xây dựng bộ tiêu chí chung, khoa học, thống nhất khi thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực, tuyển chọn, sàng lọc giáo viên cho từng cấp học.

Nếu những người tham gia thi tuyển, vượt qua những tiêu chuẩn chung cho từng cấp học thì mới được tuyển dụng, còn không thì bị loại.

Hiện nay chúng ta chưa có bộ tiêu chí chung, thống nhất trong đánh giá, tuyển dụng, sàng lọc, cho nên mỗi nơi làm một kiểu. Đây là vấn đề còn thiếu sót.

Việc đưa ra bộ tiêu chí chung trong tuyển chọn nhân sự ngành giáo dục cũng sẽ loại bỏ được "công thức" chung trong tuyển dụng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ" đã tồn tại nhiều năm.

Đưa ra bộ tiêu chí đánh giá năng lực của giáo viên cũng chính là cách để họ luôn nỗ lực, phấn đấu tiếp cận kiến thức, phương pháp giảng dạy khoa học, tự hoàn thiện mình hơn, từ đó nâng cao được chất lượng giáo dục", Giáo sư Nghị nói.

Từ những phân tích trên, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng cho rằng, khi đưa ra được bộ tiêu chí để tuyển chọn, sàng lọc, những người có năng lực thật sự, luôn luôn có ý thức phấn đấu trong công việc thì không có gì phải lo lắng bị chấm dứt hợp đồng, hoặc đào thải.

"Chỉ sợ những người luôn bảo thủ, trì trệ mới lo bị ra khỏi công chức, viên chức", Giáo sư Nghị nhận định.

XUÂN QUANG