LTS: Bày tỏ thẳng thắn quan điểm cũng như mong muốn của bản thân về việc các vị phụ huynh và một số bạn đồng nghiệp của mình đi xin điểm cho học sinh, thầy giáo Việt Đăng đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuông điện thoại reo vang, không thấy vợ nhấc máy tôi nhắc: “Em xem ai gọi kìa?” chưa nhìn điện thoại nhưng vợ đã phàn nàn nói “em cá với anh đến 90% là cuộc gọi xin điểm”.
Rồi em bức xúc nói: “ở trường nghe chán điệp khúc ấy, về nhà cũng chẳng được yên thân. Cho điểm là làm hư học trò mà không cho lại mất tình đồng nghiệp, tình chị em, biết sao cho vẹn cả đôi đường?”.
Chẳng cần vợ nói ra thì tôi cũng hiểu vì chính mình cũng đang trong tình cảnh ấy.
Sáng nay trên trường, thầy hiệu phó nói nhỏ: “thằng Minh lớp cậu chủ nhiệm là cháu tớ đấy. Nó thiếu 0.1 là đạt học sinh giỏi, cậu nâng cho nó môn cậu là được”.
Nói rồi thầy cho biết cơ quan ba mẹ nó có quy định con cán bộ công nhân viên nếu đạt học sinh giỏi sẽ được cơ quan khen thưởng thêm.
Chẳng lẽ ba mẹ là lãnh đạo phát động phong trào ấy mà chính con mình không đạt thì khó ăn nói với người ta.
Cho cháu thầy hiệu phó còn cháu cô giáo cùng tổ, người quen của đồng nghiệp trong trường thì sao?
Chưa hết, còn khá nhiều người nhờ các mối quan hệ khác tác động như anh chị em vợ (chồng), em mình…
Việc các vị phụ huynh, giáo viên đi xin điểm cho con nhằm nâng cao thành tích có thể sẽ dẫn đến những tác dụng ngược (Ảnh minh họa: báo Công Lý). |
Môn học được xin điểm nhiều nhất phần lớn là những môn mọi người gọi là môn phụ như giáo dục công dân, lịch sử, địa lý, kĩ thuật hay những môn xin nhận xét tốt (âm nhạc, thể dục, giáo dục quốc phòng)…do hàng ngày học sinh coi thường những môn học này và chẳng chịu học.
Bởi thế cuối năm, thấy rõ nguy cơ không đạt điểm mới bắt đầu tìm mọi cách để xin. Thôi thì đủ lý do để xin nâng điểm. Người xin để được thi lại, người xin không phải thi lại, người xin đạt học sinh tiên tiến, người lại xin đạt học sinh giỏi.
Nếu là phụ huynh trực tiếp đi xin điểm, giáo viên chỉ cần đưa ra những lý do “điểm số hàng ngày được nhập trên phần mềm Vnedu nhà trường quản lý, nay sửa điểm hoặc cho điểm khống sẽ bị phát hiện” thì phụ huynh sẽ tin và cảm thông với giáo viên.
Khá nhiều thầy cô đã nói rằng mình thường làm cách này để thoát khỏi vòng vây xin điểm mà không bị mất lòng.
Thế nhưng là đồng nghiệp lại chẳng thể nói như thế. Bởi vì, chỉ là giáo viên không đồng ý nâng điểm chứ chẳng thiếu gì cách để cải thiện điểm cho học sinh.
Ví như điểm miệng thầy cô cho bao nhiêu điểm là tùy (vì nó không để lại bằng chứng như những điểm trên bài thi 1 tiết thậm chí là 15 phút).
Hay như việc đánh giá nhận xét là hoàn thành, hoàn thành tốt hoàn toàn có thể đánh giá bằng cảm tính của thầy cô.
Cũng là giáo viên nhưng ít sự thấu hiểu đồng cảm với nhau. Một số thầy cô cho rằng “điểm số trong tầm tay của mình thì khó khăn làm gì?”.
Họ không cần hiểu vì việc xin nâng điểm vô tội vạ như thế mà phần lớn học sinh có tính ỉ lại khi không cần học “cuối năm nhờ xin điểm là ok”.
Giáo viên xin điểm là đang đẩy đồng nghiệp của mình vào thế khó. Làm vừa ý họ, học sinh sẽ càng lười học hơn “cứ chơi thoải mái, điểm đã có thầy cô lo”.
Nếu cương quyết không đồng ý thì chắc chắn những mối quan hệ ấy sẽ sứt mẻ ít nhiều.
Thế nên khá nhiều thầy cô tâm tư “đừng vì lợi ích cá nhân của một ai đó mà đưa đồng nghiệp của mình vào thế khó”.