Thầy Trần Trí Dũng góp giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

15/01/2017 05:42
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Nhờ năng lực sáng tạo, các cử nhân tương lai sẽ tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng của xã hội

LTS: Tiếp tục bàn về các giải pháp đổi mới giáo dục toàn diện, thầy giáo Trần Trí Dũng đưa ra một số ý kiến giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập sẽ giúp sinh viên tự tin, chủ động, tăng khả năng tư duy nghiên cứu khoa học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Giáo dục ở bậc Đại học được xem là lá cờ đầu cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, giáo dục ở bậc học này được đánh giá còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng chung. 

Vì thế, xét trong công cuộc đổi đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, việc đổi mới giáo dục Đại học được xem là sự tiên quyết cho sự phát triển của giáo dục. 

Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc học này đóng vai trò then chốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.             
   
Thực trạng giảng dạy ở bậc học đại học trong nhiều qua cho thấy, phương pháp dạy học hiện nay ở nhiều trường đại học vẫn nặng về cách 'lấy giảng viên làm trung tâm", nặng về thông báo, truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu độc thoại làm sinh viên thụ động trong việc tiếp thu kiến thức bài giảng.             
Tại nhiều trường đại học hiện nay, phương pháp giảng dạy vẫn là phương pháp truyền thống.

Theo đó, quá trình giảng dạy được xem là quá trình truyền tải thông tin từ người dạy sang người học và do đó phụ thuộc căn bản vào tài năng sư phạm của người thầy. 

Khi đó, thầy thuyết trình, diễn giảng, trò nghe và ghi theo đang hiện hữu là phương pháp giảng dạy phổ biến. 

Giáo dục đại học cần đổi mới để nâng cao tính độc lập và khả năng phản biện của sinh viên. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Giáo dục đại học cần đổi mới để nâng cao tính độc lập và khả năng phản biện của sinh viên. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Quan hệ sư phạm giữa thầy và trò là qua hệ trực diện, đơn tuyến theo đường thẳng từ trên xuống. Thầy là chủ thể, tâm điểm và trung tâm của quá trình giảng dạy, còn học trò là khách thể, xem như những quỹ đạo bao quanh.                
Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân nên ở Việt Nam ta quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy chưa được nhận thức nhất quán rộng rãi trong đội ngũ thầy cô giáo. 

Tình trạng giảng dạy theo kiểu "nhồi sọ", thuyết giảng và truyền thụ một chiều vẫn đang tồn tại. 

Trong lối giảng dạy đó, vai trò của người thầy là số một, lấn át vai trò của học trò; trò rất thụ động, ỷ vào sách và giáo trình; quan hệ sư phạm giữa thầy giáo và sinh viên do đó thiếu thân thiện, mất dân chủ, mang tính áp đặt một chiều. 
   
Mặt khác, khả năng lựa chọn và tổ chức sử dụng, phối kết hợp một cách hợp lý các phương pháp giảng dạy của các giảng viên còn yếu. 

Trong quá trình giảng dạy, người thầy chưa chú ý tổ chức các hoạt động nhận thức nhằm phát huy khả năng độc lập và sáng tạo của học sinh. Phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, đơn điệu và hình thức.
   
Khi xét tới tình trạng học tập của sinh viên Việt Nam trong nhiều năm qua, "chơi cả năm, học một tuần" là thực tế của sinh viên tại hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay. 

Theo đó, sinh viên vẫn lên lớp thường xuyên nhưng không phải chỉ để chuyên tâm học tập.

Đối với học đại học của sinh viên ta hiện nay, không còn các bài kiểm tra đều đặn như thời học sinh, mà sinh viên hiện giờ chỉ coi trọng các kỳ thi cuối kỳ và chỉ thực sự quan tâm chuyện sách vở trước mỗi kỳ thi đó. 

Thầy Trần Trí Dũng góp giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học ảnh 2

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Kết quả khảo sát đã cho thấy, sinh viên hiện nay không còn quá câu nệ chuyện ghi chép, ngay cả khi nhiều giảng viên truyền đạt những kiến thức không có trong giáo trình, và nhiều sinh viên ngày càng ỷ lại vào những cuốn sách in sẵn. 

Tuy nhiên, những cuốn giáo trình thì không thể chỉnh sửa hàng năm nên nhiều sinh viên đang tự thỏa mãn với những kiến thức từ cách đây tới cả chục năm.
   
Trong giờ học, sinh viên cũng không cần ghi chép tất cả lời giảng của thầy cô vào vở. Một chiếc điện thoại có tính năng ghi âm, chụp ảnh phần nội dung trình chiếu trên bảng là trợ thủ đắc lực trong giờ học. 

Dựa dẫm vào đề cương và những tài liệu in sẵn, phương pháp học tập theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” đã và đang làm lười đi một thế hệ cử nhân tương lai của đất nước. 
  
Nếu như cấp học phổ thông một môn học kéo dài 10 tháng thì khi lên Đại học, Cao đẳng, một môn chỉ học trong vòng 1 tháng là thi, do đó thi xong quên là chuyện bình thường đối với sinh viên. 

Vì thế, nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học đã trở nên bức thiết. Vậy cần thiết đổi mới phương pháp giảng dạy theo những định hướng cụ thể nào?  
   
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung vẫn theo theo một định hướng nhất quán là lấy người học làm trung tâm. Khi đó, tuỳ từng đối tượng sinh viên mà áp dụng những pháp giảng dạy thích hợp.

Trên thực tế, các sinh viên trước khi vào đại học đã được tuyển lựa qua khâu tuyển sinh của từng trường nhưng năng lực và ý thức học tập của sinh viên không đồng đều nhau. 

Vì thế, đối với những sinh viên có trình độ còn thấp, thái độ học tập yếu thì ngoài việc chấn chỉnh ý thức học tập, giảng viên nên giảng dạy theo phương pháp truyền thống và có cải tiến. 
   
Trước hết, giảng viên cần làm cho sinh viên nắm vững mục tiêu bài học là để giải quyết vấn đề gì và để giải quyết nó cần phải có kiến thức gì? 

Về các nội dung này, giảng viên không đọc nhưng nói chậm, ngắn gọn, chặt chẽ để sinh viên có thể ghi chép các nội dung cơ bản nhất. 

Tiếp đến là dẫn dắt vấn đề sinh viên suy nghĩ và trả lời cùng với vận dụng kiến thức đã được trang bị từ các học phần khác. 

Trên cơ sở các kiến thức đã trang bị thì vấn đề đã được giải quyết đến đâu, việc còn lại phải làm tiếp theo là gì và bằng cách nào.
 
Sau đó cần tiến hành cho sinh viên thảo luận. Sau khi thảo luận, tương tác giữa sinh viên với nhau và với giảng viên, giảng viên rút ra kết luận có phân tích sâu hơn về căn nguyên của vấn đề. 

Khi đó, giảng viên nên động viên người học ghi chép nhiều nhất, nhanh nhất. Bởi khi ghi chép, sinh viên buộc phải chăm chú nghe, tai làm việc và mắt làm việc, đầu phải suy nghĩ để câu viết ra có nghĩa. 

Cách động viên sinh viên làm việc như vậy cũng là hình thức rèn kỹ năng nghe, ghi chép nhanh và đó cũng là một phương pháp làm việc khoa học.
   
Theo đó, tập trung làm việc ở lớp là một lần học rất quan trọng. 

Theo phương pháp giảng dạy này, giảng viên vẫn đặt ra các vấn đề (nhưng không quá lớn) để truy vấn sinh viên. 

Câu hỏi đưa ra để truy vấn là một chuỗi vấn đề để hệ thống hóa kiến thức, có thể là các vấn đề vận dụng kiến thức mới học cho công tác thực tế, có thể là các bài tập…
   
Khi đó, sự tương tác giữa thầy và trò cần được diễn ra liên tục, để sinh viên phải luôn hoạt động, phải luôn tập trung vì lúc nào cũng có việc để làm. 

Theo đó, những vấn đề dễ để sinh viên yếu hơn trả lời, còn vấn đề khó dành cho sinh viên khá. Sao cho kết quả là, ai cũng cảm thấy mình có đóng góp cho thành công chung; từ đó, sinh viên sẽ tự tin, phấn khởi.
    
Đối với những sinh viên có năng lực, thái độ học nghiêm túc, tích cực và chủ động thì cuối buổi giảng, giảng viên giới thiệu những vấn đề sẽ nghiên cứu trong buổi học kế tiếp. 

Thầy Trần Trí Dũng góp giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học ảnh 3

Những vấn đề cần điều chỉnh về quản trị giáo dục đại học trong khung cơ cấu mới

Giảng viên giao các vấn đề, các tình huống có thể xảy ra, các nguồn tài liệu, cách tìm kiếm để sinh viên tìm đọc và chuẩn bị báo cáo trình bày vào buổi học tiếp theo.
    
Ở đây, cách tốt nhất đối với sự tiếp cận vấn đề là giao cho từng cặp sinh viên đọc và phản biện cho nhau. 

Trước lớp, các nhóm lần lượt trình bày báo cáo đã chuẩn bị, nghe phản biện của nhóm được phân công và của cả lớp. Trên thực tế cách làm này rất lôi cuốn sinh viên. 

Họ tìm đọc, suy nghĩ và chuẩn bị công phu, hiểu vấn đề sâu sắc, đa chiều. Do thực tế nhiều phong phú nên để giải quyết một vấn đề có thể có nhiều phương án khác nhau. 

Lúc này, giảng viên là người hướng dẫn, trọng tài, phân tích và đưa ra kết luận. 

Các tình huống đặt ra có thể là vấn đề liên quan đến lý thuyết, có thể là vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, các vấn đề này không nhất thiết là giảng viên gợi mở mà có thể là từ quan sát thực tế sinh viên có thể đặt ra để cùng giải quyết.
    
Cách làm này sẽ giúp sinh viên hiểu sâu sắc vấn đề, nâng cao năng lực tiếp cận, phân tích, đánh giá vấn đề một cách toàn diện hơn và chủ động; đồng thời rèn luyện cho sinh viên kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày và sự tự tin. 

Đó là cách dạy học thích ứng với kiến thức không ngừng thay đổi. Bởi lẽ, cái mà sinh viên được học, được làm quen, tính toán, biết đâu chỉ một vài năm nữa đã thay đổi và khả năng đó là rất lớn. 

Và thị trường lao động cũng không ngừng thay đổi; tính cạnh tranh ngày một cao và khắc nghiệt hơn.  

Trong hoàn cảnh đó, trong giảng dạy và trong chương trình đào tạo phải cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản để có đủ năng lực học thêm, tiếp cận với kĩ thuật và công nghệ mới. 
   
Tiếp đến, phải rèn cho sinh viên kỹ năng xử lý tình huống, biết nhận định, chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng để định hướng giải quyết vấn đề. 

Trên cơ sở đó, biết thu thập tài liệu cần thiết, tổng hợp, phân tích số liệu, xây dựng bài toán và giải bài toán. 

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần định hướng nội dung và gợi mở vấn đề để sinh viên tiếp cận tìm tòi.

Các vấn đề cần được mở rộng ra thực tiễn, và từ đó giảng viên giới thiệu nguồn tài liệu tham khảo cần thiết cho những nội dung được học.     
   
Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra đối với giáo dục đại học là tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên. 

Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam còn yếu. Vì thế, cần phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. 

Theo đó, cần năng cao nhận thức, khơi gợi khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên. 

Mặt khác, cần đầu tư về cơ sở vật chất, huy động tăng cường những nguồn lực hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. 

Từ đó, gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đối với nhu cầu thực tế từ các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng.               
    
Để thích ứng với sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại, ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, con người cần có kỹ năng mềm. 

Vì kỹ năng mềm cùng với các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ là những kỹ năng giúp con người sống hạnh phúc và thành công. 

Qua khảo sát cho thấy kỹ năng mềm của sinh viên ở mức độ trung bình thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do chưa có biện pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên một cách phù hợp. 

Do đó, việc nghiên cứu thực trạng và đề ra biện pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên là hết sức cần thiết.
   
Bên cạnh đó, hình thành năng lực sáng tạo cho sinh viên cũng rất cần thiết.

Bởi lẽ, nhờ năng lực sáng tạo, các cử nhân tương lai sẽ tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng, ngày càng tăng của sự phát triển con người và xã hội.
   
Đổi mới định hướng và phương pháp giảng dạy cho sinh viên là cả một quá trình mà các giảng viên phải đầu tư công sức để tìm tòi và sáng tạo. Khi đó, tùy theo từng ngành nghề mà cần có những phương pháp thích hợp. 

Theo đó, những phương pháp tác nghiệp trong giảng dạy cùng hết sức cần thiết.

Để sinh viên học chăm chỉ hơn, bớt đi sự "nhàn hạ" như hiện nay, các thầy cô giáo cần tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận theo chuyên đề trên cơ sở nội dung đã học. 

Cụ thể, các thầy cô giáo cần thường xuyên ra các chủ đề thảo luận cho sinh viên ở từng môn học theo định kỳ hàng tháng. Nội dung thảo luận là những chuyên đề cụ thể theo những chủ điểm của môn học. 

Những buổi thảo luận này sẽ tăng cường tính chủ động của sinh viên trong việc học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm, từ đó có sự đào sâu kiến thức đã học theo từng chủ điểm, và nhờ đó môn học cũng trở lên hấp dẫn hơn, kiến thức theo đó được trau dồi thường xuyên hơn. 
   
Sau mỗi buổi thảo luận sinh viên sẽ phải viết cụ thể những kiến thức thu lượm được thành một tham luận chuyên đề dưới dạng tiểu luận khoa học. 

Các bản tiểu luận này sẽ được giáo viên cho điểm và lấy đó làm cơ sở đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng môn học. 

Đây cũng là cơ sở đặt ra để sinh viên tự giác học tập, chủ động và tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, có sự ứng dụng thực tiễn trên cơ sở nhận thức và những kiến thức đã được tích lũy.  
   
Như thế, khi tiến hành thực hiện đồng thời các giải pháp liên quan trực tiếp đến việc đổi mới giảng dạy và học tập ở bậc đại học này sẽ làm tăng hiệu quả học tập của sinh viên, hoạt động học hành của sinh viên được sôi động hơn và không có chuyện càng học lên cao càng nhàn và không có chuyện khi thi thì mới học, để rồi khi thi xong kiến thức rơi vào quên lãng. 

Khi thực hiện các giải pháp đó đòi hỏi các thầy cô giáo và các sinh viên cũng có sự nỗ lực chung, tạo đà thúc đẩy hiệu quả giảng dạy và học tập.   
   
Trên đây là một số nội dung liên quan đến những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà đổi mới phương pháp giảng dạy là khâu trọng tâm đối với với quá trình đổi mới, để chúng ta cùng quan tâm, tham khảo. 

Hy vọng rằng, với những giải pháp thích hợp, giáo dục dục đại học sẽ luôn là lá cờ đầu trong sự phát triển của nền giáo dục nói chung.

Trần Trí Dũng