Thầy giáo mách các chuyên đề lớp 11 mà sĩ tử cần lưu ý trong kỳ thi quốc gia

17/06/2018 08:15
Thùy Linh
(GDVN) - Chỉ còn hơn 10 ngày nữa các sĩ tử sẽ bước vào kì thi quốc gia 2018. Thời điểm này, các em nên rà soát tất cả những dạng bài trọng yếu nhất ở lớp 11.

“Với môn Hóa, phần kiến thức vận dụng cao thuần tuý hoàn toàn lớp 11 sẽ không gặp, mà chủ yếu sẽ gặp bài vận dụng cao với kiến thức liên chuyên đề chương trình lớp 11 và 12.

Thời gian không còn nhiều, các em nên rà soát lại tất cả những dạng bài trọng yếu nhất ở lớp 11”.

Đó là một trong những chia sẻ của thầy Nguyễn Ngọc Anh - Giáo viên có hơn 10 năm kinh nghiệm luyện thi môn Hóa tại Hà Nội, gửi đến các sĩ tử đang tổng ôn kiến thức và sắp sửa bước vào kì thi trung học phổ thông quốc gia 2018

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Ngọc Anh đã có những lưu ý cho sĩ tử khi luyện ôn các kiến thức trọng tâm ở lớp 11 và giải đáp một số thắc mắc về các câu hỏi vận dụng cao của lớp 11 trong đề thi năm nay.  

Phóng viên: Thưa Thầy, học sinh chuẩn bị thi quốc gia 2018 nên lưu ý và nắm vững phần kiến thức (chuyên đề) trọng tâm nào ở lớp 11 ạ? 

Thầy Nguyễn Ngọc Anh:
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa các em học sinh khóa 2000 sẽ bước vào kì thi trung học phổ thông quốc gia 2018, đối với kiến thức ôn luyện phạm vi lớp 11, các em nên dành thời gian này để rà soát hết toàn bộ các chuyên đề trọng tâm như sau: 

Về chương điện ly, các em cần vững: viết phương trình ion thu gọn, phân loại các chất điện ly mạnh, yếu, không điện ly, định luật bảo toàn điện tích, xác định các hợp chất lưỡng tính, xác định môi trường của các muối. 

Về chương N-P: nắm vững tính chất hóa học của Nito - Photpho và các hợp chất quan trọng, các dạng bài tập về axit HNO3, về P2O5 với OH-, lý thuyết phân bón hóa học và bài tập tính % độ dinh dưỡng.

Về chương C-Si: nắm vững lý thuyết của C-Si và các hợp chất của chúng, bài toán CO2 với OH-, các phản ứng của Si, SiO2 với NaOH và điều kiện phản ứng, phản ứng khắc thủy tinh. 

Về chương hidrocacbon: Nắm vững danh pháp, tính chất hóa học ankan, anken, ankin, ankadien, aren, các bài toán liên quan đến tính số mol liên kết pi của hỗn hợp hidrocacbon.

Phần kiến thức về ancol-andehit thì các em cũng nắm vững danh pháp, tính chất hóa học, sơ đồ phản ứng, bài tập vận dụng thấp phần ancol, phản ứng tráng bạc của andehit.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Anh, Chỉ còn hơn 10 ngày nữa các sĩ tử sẽ bước vào kì thi quốc gia 2018. Thời điểm này, các em nên rà soát tất cả những dạng bài trọng yếu nhất ở lớp 11. (Ảnh: Thầy Ngọc Anh cung cấp)
Theo thầy Nguyễn Ngọc Anh, Chỉ còn hơn 10 ngày nữa các sĩ tử sẽ bước vào kì thi quốc gia 2018. Thời điểm này, các em nên rà soát tất cả những dạng bài trọng yếu nhất ở lớp 11. (Ảnh: Thầy Ngọc Anh cung cấp)

Thầy gợi ý bằng một ví dụ về một câu hỏi sử dụng phương pháp bảo toàn số mol pi rất hay gặp trong các đề thi thử 2018 với bài toán về hỗn hợp hidrocacbon.

Đây là dạng bài tập khá hay, học sinh chỉ cần sử dụng đến phương pháp bảo toàn mol pi là xử lý rất nhanh và gọn gàng.  

Một hỗn hợp X chứa 0,3 mol axetilen, 0,2 mol vinylaxetylen, 0,2 mol etilen, 0,8 mol H2. Dẫn hỗn hợp X qua Ni nung nóng một thời gian thu được hỗn hợp Y có tỷ khối hơi so với H2 bằng 12,7. Dẫn Y vào dung dịch Br2 dư khối lượng Br2 đã phản ứng là: 


        A. 72 gam.  B. 144 gam. C. 160 gam. D. 140 gam.

Sơ đồ ta có: 

+ Theo định luật bảo toàn khối lượng ta có mX = mY = 25,4 gam.

⇒nY = 25,4÷25,4 = 1 mol ⇒ nHỗn hợp giảm 0,5 mol ⇒ nH2 đã pứ = 0,5 mol.

Với ∑nπC=C = 0,3×2 + 0,2×3 + 0,2 = 1,4.

⇒nBr2 phản ứng = 1,4 – nH2 = 1,4 – 0,5 = 0,9 mol.

⇒mBr2 đã pứ = 0,9 × 160 = 144 gam.

Vào thời điểm “nước rút” này, các sĩ tử có nên lưu ý những phần kiến thức vận dụng cao thuần túy của lớp 11 không, thưa thầy? Liệu những câu hỏi vận dụng cao của lớp 11 có xuất hiện trong đề thi không?

Thầy Nguyễn Ngọc Anh:
Với môn Hóa, phần kiến thức vận dụng cao thuần tuý hoàn toàn lớp 11 sẽ không gặp, mà chủ yếu sẽ gặp bài vận dụng cao với kiến thức liên chuyên đề chương trình lớp 11 và 12.

Các em nên lưu ý với các dạng câu hỏi này, vì để xử lí tốt dạng bài với kiến thức liên chuyên đề lớp 11 và 12 đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức nhuần nhuyễn ở cả lớp 11, 12.

Thầy giáo mách các chuyên đề lớp 11 mà sĩ tử cần lưu ý trong kỳ thi quốc gia ảnh 2Những sai sót mà giám thi hay mắc phải khi coi thi?

Thêm vào đó, đây cũng là những câu hỏi mang tính đánh đố nhất.

Dạng bài này thường gặp ở các bài toán Kim loại, các hợp chất của Kim loại với HNO3 với nhiều quá trình xảy ra liên tiếp.

Muốn xử lý dạng bài này các em cần phải sơ đồ hóa các quá trình, sử dụng thành thạo và khéo léo các định luật Bảo toàn (khối lượng, mol electron, điện tích, nguyên tố), phương pháp quy đổi nếu cần, công thức HNO3 và kinh nghiệm xử lý bài vận dụng cao là cần thiết có để xác định hướng tư duy nhanh chóng và tiếp cận bài toán đúng hướng.

Hiện, khó khăn lớn nhất đối với các sĩ tử khi rà soát lại kiến thức lớp 11 là gì ạ? Thầy có lưu ý gì cho học sinh về cách hệ thống lại các kiến thức của lớp 11? 

Thầy Nguyễn Ngọc Anh:
Khó khăn nhất là các em chưa biết tập trung rà soát lại những chuyên đề trọng yếu nào và cách ôn ra làm sao.

Ở những ngày cận kề với kì thi, các em không nên học dồn nén thêm nữa, chỉ cần tổng duyệt lại mọi kiến thức trong các chuyên đề trọng yếu nhất mà thầy đã chia sẻ ở trên.

Các phần kiến thức lớp 11 đều không khó ôn lại vì chỉ ở mức độ cơ bản. Các em chỉ cần ôn tập cẩn thận, ghi chép lại các thông tin quan trọng, hệ thống lại các chuyên đề.

Thầy giáo mách các chuyên đề lớp 11 mà sĩ tử cần lưu ý trong kỳ thi quốc gia ảnh 3Năm nay sẽ không còn hiện tượng 30 điểm trượt đại học

Những chuyên đề nào mà thầy đã nhắc các em thì cần rà soát lại thật chi tiết và  kỹ lưỡng, dành thời gian luyện các bài tập này để áp dụng thì mới nhớ kĩ.

Rút kinh nghiệm trong việc luyện thi cho các em học sinh khóa 2000, thầy cũng muốn nhắc nhở đến các em khóa 2001 nên tranh thủ thời gian để hệ thống lại toàn bộ chương trình lớp 10 và 11 trong dịp nghỉ hè.

Để tổng ôn toàn diện kiến thức ba lớp, các em nên học ngay từ bây giờ cho đến hết tháng 12/2018 là đã có thể cân bằng được các kiến thức trọng yếu.

Đến tháng 1/2019, các em bước vào luyện các dạng bài và luyện đề thuần thục.

Vào 2 tháng còn lại trước kì thi (4/2019), các em sẽ bước vào giai đoạn ôn tập trung vào phần kiến thức trọng tâm, rèn luyện các kĩ năng tránh “bẫy”, cách loại trừ phương án nhiễu và các chiến thuật giải nhanh tiết kiệm thời gian làm bài.

Các em nên ôn luyện ngay bây giờ, tránh trì hoãn để vào trong năm học mới ôn lại sẽ không có thời gian.

Cảm ơn Thầy về cuộc trò chuyện!.

Thùy Linh