Tin nóng: Cô giáo mầm non ở Hà Nội bị lừa bán sang Trung quốc

08/05/2012 18:00
Kim Ngân (Tổng hợp)
(GDVN) - Một cô giáo mầm non tư thục thuộc địa bàn quận Đống Đa bị "bạn trai" lừa bán sang Trung Quốc; trong ngày 7/5, 6 học sinh chết đuối do tắm ở sông, hồ.
Cô giáo mầm non bị lừa bán Theo An ninh Thủ đô, sáng qua (7-5), TAND TP Hà Nội đã xử phạt Nguyễn Văn Thái (SN 1980, trú ở thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội) 8 năm tù giam, vì tội mua bán người.
Cô giáo mầm non trên địa bàn Đống Đa bị "bạn trai" lừa bán (ảnh minh họa)
Cô giáo mầm non trên địa bàn Đống Đa bị "bạn trai" lừa bán (ảnh minh họa)
Tài liệu truy tố thể hiện, thông qua một người cùng thôn, Nguyễn Văn Thái làm quen và tán tỉnh chị Quàng Thị Dần (SN 1988, HKTT tại bản Tô Pang, xã Chiềng Pằn, Yên Châu, Sơn La) - cô giáo của một trường mầm non tư thục thuộc địa bàn Đống Đa.
Do đã bàn với mẹ vợ là Lục Thị Vân (hiện sống ở Trung Quốc) từ trước nên ngày 17-9-2011, Thái lừa rủ chị Dần theo đối tượng sang Trung Quốc bán hàng. Tin lời người yêu, ngay sáng hôm sau, cô giáo mầm non này liền theo Thái đón xe khách lên cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, rồi vượt biên trái phép. Tại nơi ở của mẹ vợ ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Thái lộ nguyên hình là một kẻ buôn người khi chị Dần phát hiện ra tên thật cùng tiểu sử gia đình của “người yêu”. Sau 3 ngày ở nhà mẹ vợ Thái, chị Dần bị Lục Thị Vân bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ ông này. Tuy nhiên, ngay sau đó chị Dần phải phẫu thuật vì bị đau ruột thừa nên người đàn ông Trung Quốc đã cho chị hồi hương… Ngày 14-11-2011, chị Dần làm đơn tố cáo hành vi buôn người của “bạn trai” tới cơ quan công an. Với hành vi này, Nguyễn Văn Thái bị VKSND TP Hà Nội quy kết phạm vào tội mua bán người, theo khoản 2, Điều 119-BLHS. Tại phiên toà lưu động hôm qua và trước sự theo dõi của hàng trăm người dân địa phương, Nguyễn Văn Thái đã thành khẩn khai nhận lại hành vi phạm tội của đối tượng như nêu trên. Bị cáo còn khai báo thêm với vụ lừa bán chị Dần ra nước ngoài, đối tượng được mẹ vợ trả cho 5.000 Nhân dân tệ cùng 5 triệu đồng và đã ăn tiêu hết. Sau khi xem xét tất cả các tình tiết liên quan và nhận thấy hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội nên HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã quyết định xử phạt Nguyễn Văn Thái mức án trên. Cùng với đó, toà còn tuyên buộc bị cáo phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho bị hại theo quy định của pháp luật.1 ngày, 6 học sinh chết đuối
Ngày 7/5, có 6 học sinh chết đuối do tắm sông hồ (ảnh minh họa nguồn internet).
Ngày 7/5, có 6 học sinh chết đuối do tắm sông hồ (ảnh minh họa nguồn internet).
Dân trí đưa tin, 3 học sinh trường Tiểu học Quảng Chính (Hải Hà - Quảng Ninh) đã rủ nhau ra sông tắm. 2 em không biết bơi vừa xuống nước đã bị cuốn ra xa. Ông Đặng Kỳ Hồng - Trưởng Phòng Giáo dục đào tạo huyện Hải Hà - cho biết: Sự việc xảy ra vào sáng 7/5, khi các cô giáo và học sinh trường tiểu học Quảng Chính đang chào cờ đầu tuần thì nhận được tin báo 2 em học sinh lớp 3 bị cuốn xuống sông Hà Cối. Thông tin ban đầu được biết, 3 em học sinh lớp 3 học ca chiều nên buổi sáng rủ nhau đi tắm sông Hà Cối gần nhà. Khi ra sông, 2 em xuống trước nhưng do không biết bơi nên bị dòng nước cuốn ra xa. Thấy 2 bạn chới với giữa dòng nước giơ tay kêu cứu, em còn lại hoảng sợ chạy về nhà cầu cứu người lớn. Tuy nhiên khi mọi người đến nơi thì 2 em đã bị cuốn mất. Sau nhiều giờ tìm kiếm, thi thể 2 học sinh mới được tìm thấy. Cùng ngày, vào khoảng 15 giờ chiều 7/5, 10 học sinh học lớp 7 trường THCS Lê Lợi, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai rủ nhau đi tắm hồ làng Tok Lah. Sau khi lội xuống nước, 4 em nữ là Nguyễn Thị Phương, Hoàng Thị Thanh, Đỗ Thị Phương và Lê Thị Thủy (đều SN 1999) trượt chân xuống khu vực nước sâu, kéo nhau chìm xuống nước. 3 học sinh nam Trần Minh Trọng, Thanh Hà và Lê Hải Long gần đó cũng bị đuối nước theo nhưng may mắn được một bạn cùng nhóm là Rơ Châm Ken bơi rất giỏi, cứu sống được. Sau khi cứu được 3 bạn nam, Ken bơi ngược ra để cứu 4 bạn nữ nhưng đã muộn. Người dân và chính quyền đã tổ chức lặn tìm thi thể những nạn nhân xấu số. Đến 16 giờ cùng ngày, cả 4 thi thể của các nữ sinh đã được đưa lên bờ.Hà Nội: Tuyển sinh đầu cấp từ ngày 2/7 Theo Đại Đoàn Kết đưa tin, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa cho biết các trường mầm non, tiểu học và THCS bắt đầu tuyển sinh từ ngày 2 đến 16-7, tuyệt đối không được tuyển sinh trước thời gian quy định.
Sau ngày 16/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo để được phê duyệt tuyển bổ sung. Việc tổ chức tuyển sinh phải đúng quy định, công khai, công bằng, tạo thuận lợi cho học sinh (HS) và cha mẹ HS; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiến tới phổ cập giáo dục bậc trung học. Căn cứ vào kết quả điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh theo địa bàn được phân công; cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường, các trường chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch công tác tuyển sinh năm học 2012-2013, báo cáo phòng Giáo dục – Đào tạo.Năm 2015, các trường ĐH sẽ đào tạo theo tín chỉ Báo Petrotime đưa tin, theo chương trình hành động giai đoạn 2011-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2015, tất cả các trường đại học hoàn toàn chuyển sang học theo tín chỉ. Mục tiêu chung của giai đoạn này là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Đối với giáo dục mầm non, Bộ đề ra các kế hoạch hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỉ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng xuống dưới 10% vào năm 2015. Ở bậc giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2015 có 70% học sinh tiểu học, 30% học sinh THCS, 25% học sinh THPT được học 2 buổi/ngày. Đặc biệt chú trọng nâng tỉ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số, tăng cường hòa nhập cho trẻ em khuyết tật. Mục tiêu tới năm 2015, các trường đại học chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Đối với giáo dục đại học, nâng số sinh viên lên thành tỉ lệ 300/10.000 dân vào năm 2015. Tăng tỉ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong kế hoạch đổi mới chương trình dạy, học, kiểm tra, đánh giá ở các cấp, trình độ đào tạo có một số điểm dáng chú ý. Đó là đổi mới chương trình giáo dục đại học theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong phương pháp đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ trong đào tạo pháp luật, các chức danh tư pháp, tạo nguồn nhân lực về tư pháp chất lượng cao. Chủ trương phát triển giáo dục đại học theo 2 hướng: nghiên cứu và ứng dụng nghề nghiệp. Thực hiện phân tầng giáo dục, đến năm 2015 hình thành nhóm các trường đại học định hướng nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp ứng dụng, các trường cao đẳng cộng đồng.
Kim Ngân (Tổng hợp)