Tôi không tin đây là việc làm của một giáo viên

26/01/2017 07:26
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Vụ việc này gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người giáo viên nói chung. Đó là một hành vi gian dối hết sức nghiêm trọng.

LTS: Bày tỏ sự bức xúc trước hành vi sửa bài của học sinh từ đúng thành sai của một cô giáo ở Bắc Ninh, thầy Trần Trí Dũng gọi đây là hành vi làm mất tư cách của giáo viên.

Thầy cho rằng cần làm rõ động cơ, mục đích của cô giáo này để xử lý tận gốc của vấn đề.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong mấy ngày qua đăng tải hai bài viết nói về hiện tượng một cô giáo Tiểu học có hành vi sửa bài của học sinh mình dạy từ đúng thành sai và đề nghị kỷ luật thích đáng đối với giáo viên này. 

Trước thông tin đó, là một người cũng trong nghề dạy, tôi không khỏi băn khoăn, bức xúc trước hành động của một cô giáo đang trực tiếp đứng lớp dạy học sinh, được coi như một người giáo viên nhân dân này.

Theo đó, theo thông tin phản ánh của một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học cơ sở Song Giang (Gia Bình, Bắc Ninh) thì có việc giáo viên sửa bài thi của học sinh đúng thành sai khiến kết quả của học sinh thấp kém. 

Cụ thể, phụ huynh H.H.N phản ánh, trong đợt kiểm tra học kỳ 1 (2016-2017) vừa qua, con trai anh là cháu H.H.M (học sinh lớp 3C) có làm bài kiểm tra thi học kỳ 1 đúng nhưng vẫn phải nhận kết quả thấp kém. 

Khi gặng hỏi con trai về nguyên nhân dẫn đến điểm kém thì anh N. vô cùng bất ngờ trước việc con trai nói nói "cô giáo" đã sửa bài làm đúng thành sai, mắc nhiều lỗi khiến kết quả bài thi không như mong đợi. 

Phụ huynh trên cũng cho biết thêm, không chỉ riêng gì con trai anh mà một số học sinh khác cũng bị cảnh tương tự. 

Phụ huynh bức xúc trước bài thi của con bị cô giáo chữa đúng thành sai khiến kết quả thấp kém (ảnh HC)
Phụ huynh bức xúc trước bài thi của con bị cô giáo chữa đúng thành sai khiến kết quả thấp kém (ảnh HC)

Cụ thể, anh nói: "Vào trưa ngày 06/01/2017 tôi đi làm về vừa ngồi vào mâm cơm thì nghe vợ tôi nói con trai bố hôm nay khóc lóc từ trường về nhà, tôi hỏi tại sao thì vợ bảo con bị điểm thi thấp. 

Tôi có thắc mắc hỏi. Con trai tôi bảo“con làm đúng nhưng cô giáo sửa thành sai”. 

Tôi hỏi làm sao mà con biết thì con tôi bảo: “Con làm bài đúng con còn nhớ kết quả mà với lại mực của con là mực khác còn cô giáo sửa vào là mực khác
”.  
   
Tôi tiếp tục hỏi con là có bạn nào bị như vậy không? Con tôi bảo trong lớp có cả anh Nam, anh Trường cũng vậy.

Tôi rơi nước mắt bỏ bát cơm và bảo con mang bài cho tôi xem, tôi thật bất ngờ và không tin nổi tại sao lại có người vô lương tâm đến nỗi thế”. 
   
Anh N. còn cho biết thêm, anh đã kiểm tra bài thi của con mình và nhìn vào những phần sửa thì hoàn toàn đúng là đã sửa và có nét mực khác so với nét mực con anh đã làm bài. 

Theo anh: “Không riêng gì con tôi, một số trường hợp khác cũng vậy.

Bài thi kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, trong đoạn văn “Đêm Trăng Trên Hồ Tây” cô giáo phê rằng viết ẩu, sai nhiều lỗi, cháu viết câu gió đông nam thì có người cho dấu vào thành chữ "năm". 

Gần một đám sen cô giáo chữa thành "gầm" một đám sen. Đang là chữ n có người lại thêm một dấu vào thành chữ m, chữ tàn có người sửa thành chữ "tần". 

Từ ngạc nhiên, có người chữa thành "ngậc" nhiên, bãi cát thì chữa thành bãi "cất", thành con sóng tung bọt, chữa thành tung bột. Từ lại bị sóng cuốn, chữa thành lại bị sông cuốn,… .

“Bài phiếu kiểm tra học kỳ 1, phần kỹ năng đọc và kiến thức Tiếng Việt, ở phần đọc thầm và làm bài tập, khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng, ở câu 1 cháu nó khoanh đáp án A là “Khi giặc Mỹ ném bom, Thành về sơ tán ở quê Mến” có người lại gạch đi và khoanh vào đáp án B. 

Về phần môn Toán của cháu, cháu đề 300 m, có người thêm "số 0" vào thì thành 3000 m.

Về bài làm của cháu Trần Đăng Nam, trong đoạn văn “Đêm Trăng Trên Hồ Tây” từ vắt có người sửa thành "vắc", chữ gọi cô giáo chữa thành chữ "gợi", và mát diệu, sửa thành "mát điệu". 

Tôi nhận thấy dấu mực nó khác và các cháu làm bài các cháu cũng biết được kết quả bài làm của mình như thế nào. Tôi kiểm tra thì dấu mực nó khác, đúng như lời các cháu nói.    
  
Tôi có hỏi các cháu cùng lớp trong giờ thi hôm đấy, các cháu bảo cô giáo coi thi có mượn bút chữ A của các cháu, sửa như thế là chính là mực bút chữ A, các cháu cho biết cô giáo tên là N. hôm đấy xem thi
”.
   
Và theo thông tin từ nhà trường cung cấp, giáo viên có liên quan đến hành vi trên là bà Nguyễn Thị Nhung (hiện đang chủ nhiệm một lớp ở khối lớp 3, Trường Tiểu học Song Giang). 

Theo ông Nguyễn Thế Thuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học cơ sở Song Giang thì:

Sau khi kiểm tra và xác minh cô giáo cũng đã nhận lỗi và viết kiểm điểm, hiện chúng tôi đang làm quy trình và sẽ đưa ra hình thức kỷ luật đối với cô Nhung.

Chúng tôi cũng sẽ có báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để có ý kiến chỉ đạo, xử lý đảm bảo đúng quy định, quy trình”.
   
Có thể nói đây là một vụ việc rất nghiêm trọng liên quan đến hành vi và tư cách của một người giáo viên nhân dân. 

Tôi không tin đây là việc làm của một giáo viên ảnh 2

Sẽ kỷ luật giáo viên tự ý sửa bài thi của học sinh từ đúng thành sai

Và không có gì là ngạc nhiên khi đọc xong bài viết đăng tải về thông tin này, một độc giả có tên Anh Đức bình luận:

"Không thể chấp nhận được! Phải báo công an vào cuộc và xử lý thật nghiêm nếu cô giáo làm như vậy!".
   
Là những người giáo viên được đào tạo, các thầy cô giáo phải là những tấm gương về đạo đức, trong sáng trong cách hành xử, phải luôn thể hiện một tư cách chuẩn mực để xã hội và học sinh soi rọi. 

Song đằng này, cô Nguyễn Thị Nhung lại có hành động ngược lại, không thể hiện đúng tư cách thường có ở các thầy cô.
    
Có một vấn đề được đặt ra ở đây là cần làm rõ động cơ, mục đích của cô giáo Nhung trong vụ việc này.

Bởi lẽ, các bài báo nói về vụ việc này mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh hành vi và đề nghị xử lý kỷ luật thích đáng chứ chưa nói tới động cơ và mục đích của việc làm. 

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng một xã hội trong sạch và môi trường sư phạm phải là nơi trong sạch nhất. 

Bởi lẽ, vụ việc này còn gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người giáo viên nói chung. Đó là một hành vi gian dối hết sức nghiêm trọng. Lẽ đương nhiên, nếu thầy cô giáo mà gian dối thì còn có thể dạy được ai? 

Trong những ngày này, khi mà Tết đang đến gần và Xuân cũng sắp sang, đáng lẽ chúng ta phải mong đợi những niềm vui, tuy nhiên lại có một sự việc như vậy nên khiến chúng ta không thể không bàng hoàng và xót xa cho hành động của một cô giáo. 

Việc cần làm rõ động cơ và mục đích trong hành động của cô giáo Nhung có ý nghĩa nhằm giải quyết triệt để, tận gốc của vấn đề, để từ đó xử lý nghiêm, để làm gương cho những người khác, nhằm giữ lại hình ảnh cao đẹp trong giáo dục. 

Cũng vì do đó mà cũng có độc giả băn khoăn rằng, phải chăng cô giáo Nhung làm như thế để ép học sinh đi học thêm? 

Nếu là quả vậy thì hành động này thật khó chấp nhận, làm ảnh hưởng xấu đến tư cách của một người giáo viên và càng làm chúng ta thêm xót xa. 

Chính vì thế, cần thiết phải làm rõ các mặt khác nhau của hành vi này, để từ đó có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm thích đáng, cũng là để phòng ngừa chung, qua đó nhằm giữ lại sự trong sáng và thanh cao nơi học đường.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của riêng tác giả.

Trần Trí Dũng