LTS: Vào thời điểm cuối năm học, khi các em học sinh đã hoàn thành xong chương trình học tập của mình, thì các thầy cô giáo vẫn phải vật lộn với những yêu cầu đánh giá, xếp loại.
Chia sẻ trước nỗi niềm của các thầy cô, tác giả Đỗ Quyên đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời điểm này, học sinh đã hoàn thành chương trình học tập nhưng giáo viên lại bù đầu với hàng đống giấy tờ, hồ sơ sổ sách để đánh giá, phân loại cuối năm.
Hàng chục biểu mẫu được phát ra mà trong đó có khá nhiều mục giống nhau, trùng lắp như “chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Kết quả nhiệm vụ được giao… nhưng giáo viên vẫn phải ghi chép lại từ phiếu này qua phiếu khác để nộp.
Ngoài ra, còn một số biểu mẫu dành cho viên chức các ngành nghề nhưng vẫn đưa vào để đánh giá cho giáo viên khiến cho việc ghi nhận xét, đánh giá của giáo viên gặp khá nhiều khó khăn.
Chồng hồ sơ đánh giá, xếp loại giáo viên cuối năm (Ảnh minh họa: qdnd.vn). |
Những quy định buộc đánh giá giáo một cách ngớ ngẩn, máy móc
Từ trước đến nay, giáo viên được đánh giá xếp loại theo quyết định số: 06/2006/QĐ-BNV và Chuẩn nghề nghiệp (riêng cho từng bậc học).
Ở quyết định số: 06/2006/QĐ-BNV có 4 loại: Tốt, Khá, Trung bình và Kém.
Ở Chuẩn nghề nghiệp cũng có 4 loại: Xuất sắc, Khá, Trung bình và Kém.
Dù có hai bảng đánh giá xếp loại nhưng cái này lại phụ thuộc vào cái kia để khống chế lại một mức như nhau.
Ví như giáo viên đã xếp Chuẩn nghề nghiệp là khá thì bên quyết định số: 06/2006/QĐ-BNV không thể xếp tốt.
Nghĩ việc đánh giá xếp loại giáo viên dựa trên 2 quy định trên được coi là tạm ổn thì hai năm học này, khá nhiều địa phương lại “đẻ” thêm một mẫu đánh giá khác “Phiếu đánh giá và phân loại viên chức” dành chung cho tất cả công chức các ngành nghề.
Mới đọc qua nội dung bản đánh giá thôi, giáo viên đã thấy sự vô lý không thể nào tả nổi. Nhưng do là quy định nên ai cũng nhắm mắt để làm.
Ví dụ mục “Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, quy định điểm trừ “Vi phạm Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước; Vi phạm Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí…”.
Mục kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã kí” có quy định điểm trừ “tham mưu văn bản không đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, sai sót về thể thức kỹ thuật trình bày văn bản…” không có kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ thích hợp để thực hiện công việc, để quên để sót việc, “tự ý đề ra thủ tục hành chính không đúng pháp luật, mâu thuẫn với quy định của cơ quan cấp trên…”.
Tổng điểm của tất cả các phần là 80 điểm. Theo quy định đạt từ 70 đến 80 là loại xuất sắc. Thế nhưng hai phiếu đánh giá (theo 06 và chuẩn nghề nghiệp) đã xếp loại Khá thì phiếu đánh giá phân loại viên chức giáo viên cũng chỉ được xếp loại Khá.
Thế nhưng không thầy cô nào chịu trừ điểm những mục vừa trình bày ở trên. Thầy cô lý giải “mình không vi phạm Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác…sao phải trừ điểm?
Xin thẳng thắn nói ra đây các lo lắng, áp lực đang đè lên các thầy cô |
Không để người thân lợi dụng chức vụ của mình để thu vén cá nhân, không tự ý đề ra thủ tục hành chính không đúng pháp luật…Và như thế, tất cả giáo viên sẽ đạt mức điểm dành cho loại xuất sắc.
Nhưng nếu đánh giá xuất sắc hết thì hai bản đánh giá (06 và chuẩn nghề nghiệp nếu xếp Khá) sẽ chọi nhau?
Vì thế Ban giám hiệu không chịu và buộc giáo viên phải tìm chỗ để hạ điểm sao cho đủ 69 điểm trở xuống để đạt mức Khá cho phù hợp với hai phiếu đánh giá kia.
Và lần này, thầy cô phải “nhắm mắt” trừ bừa khoảng 11 điểm để còn đủ điểm ở mức Khá hoặc Trung bình cho khớp với hai phiếu đánh giá trên.
Sao không quy về một mối?
Một phiếu đánh giá đã xếp loại Khá hoặc Trung bình thì những phiếu đánh giá sau giáo viên vẫn chỉ được xếp mức ấy.
Thế nhưng không hiểu vì sao người ta cứ thích bày ra đủ loại bản đánh giá để thầy cô phải viết cho mỏi tay như thế mà ích lợi đem lại chẳng được gì?
Ba công việc vất vả, áp lực nhất đối với giáo viên cuối năm học |
Câu hỏi “Sao không quy về một mối” được giáo viên hỏi hàng ngàn lần nhưng câu trả lời chưa bao giờ thỏa đáng.
Bởi, thầy cô chỉ biết hỏi Ban giám hiệu còn lãnh đạo lại chỉ biết thi hành lệnh trên. Thế nên mới có chuyện nực cười kiểu đánh giá xếp loại cuối năm cho các thầy cô giáo như vậy.
Người ta cứ suốt ngày hô hào giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm bớt hồ sơ sổ sách không cần thiết nhưng xem ra cũng chỉ là những lời nói sáo rỗng nằm trong các bản báo cáo.
Thực tế thì cuối năm, giáo viên nào cũng bù đầu bù cổ chỉ để ghi ghi, chép chép, sao qua sao lại những mục gần y chang nhau trong tất cả các bảng đánh giá xếp loại nhưng cuối cùng cũng chỉ được xếp chung một loại.