Hiệp hội góp ý một số nội dung về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ

14/07/2017 05:19
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệp hội vừa gửi Thủ tướng và Bộ Giáo dục những kiến nghị về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trước đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận công văn số 2643/BGD-KHTC ngày 21/6/2017 về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập. Kèm công văn này là các dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định nhằm hướng dẫn Nghị định 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa Dự thảo Nghị định lên trang website của Bộ và trước đó, vào tháng 9/2015, Bộ đã xin ý kiến các trường, các bộ ngành, tháng 2/2016 Bộ Tư pháp đã thẩm định.

Tuy thế, đến nay Nghị định vẫn chưa được ban hành, không ít thành viên Hiệp hội thuộc đối tượng thực hiện Nghị định đang còn nhiều ý kiến trái chiều. 

Trong khi đó, ở loại việc tương tự lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo “nếu chúng ta không cụ thể mà chỉ lướt qua rồi ban hành thì xã hội cũng vẫn không chấp nhận” (Phó TTg Vũ Đức Đam  phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng ngày 8/7/2017). 

Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "việc quy định quyền hạn của mỗi mô hình chính là trao quyền tự chủ" (Ảnh minh họa: Báo tin tức/TTXVN)
Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "việc quy định quyền hạn của mỗi mô hình chính là trao quyền tự chủ" (Ảnh minh họa: Báo tin tức/TTXVN)

Với tinh thần đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin kiến nghị Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo một số nội dung sau: 

Thứ nhất
, tập trung chỉ đạo tất cả các trường đại học công lập căn cứ đặc điểm riêng của mình xây dựng phương án thực hiện Nghị định 16, trong đó làm rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước của nhà trường – làm cầu nối để mỗi trường tiến tới tự chủ toàn diện.

Thứ hai, kịp thời tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 77. 

Thứ ba, song hành với triển khai việc sửa đổi các luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp tiến hành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn luật sửa đổi. 

Hiệp hội gợi ý một trong những cách tiếp cận là:

Một là, có một văn bản dưới luật (nên là một Nghị định) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học (không phân biệt đại học công lập và đại học ngoài công lập, đại học quốc gia, đại học vùng,…).

Trong văn bản này, việc quy định quyền hạn của mỗi mô hình chính là trao quyền tự chủ.

Hai là, hoạt động về học thuật (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học) của mọi trường đại học có tính chất giống nhau. 

Về nguyên tắc, các trường được tự chủ về học thuật. Tuy nhiên, không ít trường bộ máy chưa hoàn chỉnh, giáo chức quá ít, kinh nghiệm chuyên môn ít, trách nhiệm giải trình xã hội chưa rõ (thường là trường đại học ngoài công lập, trường đại học công lập mới thành lập) thì không thể trao quyền quản lý học thuật như đối với các trường có bề dày quản lý (đại học quốc gia, đại học vùng vùng…). 

Ba là, điều hành hoạt động về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính phụ thuộc chủ sở hữu tài sản. Các trường đại học công lập có tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước, hiển nhiên, Nhà nước thay mặt dân phải dùng “quyền tài sản” của mình sắp đặt cách quản trị nhà trường. 

Trái lại, đối với trường đại học ngoài công lập tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân hoặc tập thể. Phải để các nhà đầu tư quản trị và định đoạt tài sản của họ.

Bốn là, kèm theo Nghị định trên nên có một “Điều lệ mẫu”. Nội dung Điều lệ mẫu hướng các cơ sở giáo dục đại học quy định chi tiết hoạt động của mỗi cơ sở.

Thùy Linh