LTS: Với góc nhìn của một nhà giáo đang đứng lớp, thầy giáo Bùi Nam cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục thì giải pháp tăng lương giáo viên chưa hẳn đã hiệu quả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tôi và hàng triệu giáo viên trong cả nước tất nhiên là rất vui mừng với thông tin từ chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên lề Quốc hội ngày 16/11 rằng:
Bộ trưởng hứa, đồng hành để tăng lương cho giáo viên theo Nghị quyết 29 của Trung ương, để giáo viên được hưởng thang, bậc lương cao nhất.
Dù chưa biết bao giờ lời nói của Bộ trưởng thành hiện thực nhưng phát biểu trên của Bộ trưởng cũng cho thấy sự quan tâm của Bộ trưởng dành cho hàng triệu giáo viên trong cả nước. Xin cám ơn Bộ trưởng!
Hình minh họa, nguồn: VnEconomy. |
Nhưng nhìn lại tôi thấy chưa an tâm lắm vì hình như Bộ trưởng có nhiều phát biểu hay cho ra đời các văn bản quy phạm pháp luật chưa thành hiện thực như:
Đầu tháng 3/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản gửi các sở về việc không ép giáo viên thi giáo viên giỏi để lấy thành tích;
Nhưng đến nay đã hơn 1,5 năm, các sở, phòng giáo dục và đào tạo vẫn giao chỉ tiêu thi giáo viên giỏi mỗi trường tối thiểu bao nhiêu giáo viên dự thi nếu không trường, giáo viên sẽ bị cắt thi đua;
Hay như Thông tư 35/2015 khi xét thi đua giáo viên bồi dưỡng học sinh đạt giải I, II, III cấp tỉnh, giáo viên đạt giáo viên giỏi sẽ được tính như sáng kiến kinh nghiệm;
Hay phát biểu của Bộ trưởng về bỏ sáng kiến kinh nghiệm;
Rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, bỏ bớt các kỳ thi nhưng đâu lại vào đấy…
Những vấn đề trên đều rất thực tế nhưng hiểu sao lại không triển khai thực hiện được, vướng mắc ở đâu?
Vì thế, phát biểu của Bộ trưởng dù rất vui tôi thấy rất “băn khoăn”.
Nhưng bản thân tôi và nhiều giáo viên khác có điều “băn khoăn” khác lớn hơn.
Đó chính là cho dù phát biểu của Bộ trưởng có thành sự thật đi chăng nữa thì liệu việc tăng lương giáo viên có làm tăng chất lượng và hiệu quả giáo dục, học sinh học tốt, trở thành người có ích cho xã hội hay không?
Tăng lương giáo viên chưa phải là giải pháp triệt để giúp nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
Lương giáo viên đang cao hay thấp?
Chúng ta thường dùng cụm từ lương giáo viên thấp. Theo suy nghĩ cá nhân tôi là đúng nhưng chưa đầy đủ.
Mức lương, thang bảng lương hiện nay là không phù hợp, không tương xứng với năng lực làm việc mà chi trả lương theo tuổi, giáo viên càng lớn tuổi thì lương càng cao.
Lực lượng giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường chính là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất, dù làm rất nhiều công việc, tham gia nhiều phong trào, nhiệt tình năng nổ, đi đầu trong đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin,…nhưng mức lương lại “èo uột”, “bèo bọt”.
Một số giáo viên từ 50 tuổi trở đi thì năng suất làm việc sụt giảm, ít tích cực, chỉ đến lớp dạy và về ít tham gia các phong trào, kỳ thi giáo viên giỏi,…nhưng mức lương lãnh tương đối “khá” vì ngoài lương, phụ cấp ưu đãi còn có phụ cấp thâm niên, chức vụ,….
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về mức lương giáo viên từ 3,2 triệu đồng đến 10 triệu đồng, theo tôi văn bản trên đúng nhưng chưa đầy đủ.
Đó chỉ là mức lương trên lý thuyết, còn thực nhận (thu nhập thực tế) của giáo viên mới ra trường thấp hơn rất nhiều.
Tôi xin phân tích cụ thể như sau, nếu giáo viên mới ra trường công tác tại trường mầm non, tiểu học theo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mức lương khi mới nhận công tác (lương bậc 1) là 3.264.300 đồng.
Bốn giải pháp cứu ngành sư phạm của cô Phan Tuyết |
Nhưng tiền thực nhận của giáo viên trên tôi tạm tính như sau:
Giáo viên mới ra trường sẽ tập sự từ 6 tháng đến 12 tháng chỉ nhận lương 85% là 2.774.655 đồng, đóng bảo hiểm xã hội, y tế là 10,5% còn khoảng 2.483.316 đồng.
Đó là chưa kể 1% quỹ công đoàn, quỹ tương trợ tỉnh, huyện, quỹ khuyến học, tiền báo, trừ các ngày lương để ủng hộ thiên tai, lũ lụt, mái ấm công đoàn,…mỗi tháng trên dưới 300.000 đồng.
Vậy số tiền thực nhận của giáo viên mới ra trường thực nhận chỉ trên dưới 2.183.316 đồng, đó là chưa kể các khoản hiếu, hỉ, tang, lễ,...
Nếu giáo viên dạy hợp đồng thì còn tệ hơn rất nhiều vì không có phụ cấp ưu đãi 35% thì lương thực nhận chỉ trên dưới 1,8 triệu đồng.
Khối trung học cơ sở, trung học phổ thông giáo viên mới ra trường cũng không khá hơn là bao.
Điều bất cập là đa số giáo viên mới ra trường đều tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng dạy mầm non, tiểu học chỉ hưởng lương trung cấp (từ hệ số 1,86), dạy trung học cơ sở hưởng lương cao đẳng (từ hệ số 2,1).
Thử hỏi với số tiền thực nhận từ lương như trên, giáo viên mới ra trường làm sao đủ trang trải cuộc sống, chứ đừng nói gì đến khơi gợi đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề.
Nhìn mức lương trên, có ai dám thi vào ngành sư phạm, ai sẽ dành hết tâm huyết cho việc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục mà Đảng và nhà nước đang triển khai rất quyết liệt?
Tăng lương giáo viên sẽ tăng chất lượng là mệnh đề sai
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nêu thông tin khi tăng lương kèm với tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Bản thân tôi cho rằng điều trên là chưa đúng bản chất của giáo dục.
Tôi nhớ lại rất rõ thời tôi còn ngồi học trong trường phổ thông cách đây khoảng hơn 20 năm trở về trước, đời sống giáo viên, lương bổng, chế độ rất thấp.
Có nhiều giáo viên đi xa hàng chục cây số trên những chiếc xe đạp “cà tàng”, có khi xe trở chứng hỏng bánh xe phải dắt bộ, hay tuột xích, giáo viên đến lớp trễ mồ hôi nhễ nhại, tay chân dính đầy dầu nhớt.
Công thức nào cho lương giáo viên? |
Nhiều giáo viên mặc những bộ đồ cũ kỹ, nhàu nát mà nhiều đồng nghiệp vẫn thường đùa với nhau "đi dạy có đem theo ti vi phía sau lưng" – là những mảnh vá trên những tấm áo.
Giáo viên có khi phải ăn bo bo để sống và đi dạy,…
Nhưng khi đã đến lớp mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, hành động, mỗi nhân cách mỗi bài dạy của giáo viên đều là những bài học quý giá về kiến thức, đạo đức và nhân cách sống,... bằng những tấm lòng chân thành, những tình cảm yêu thương dành cho học sinh.
Tất cả giáo viên đứng lớp đều là những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách để mọi học sinh noi theo.
Giáo viên nghèo cứ nghèo, khổ vẫn khổ nhưng vẫn dạy hết mình và dành hết tâm huyết cho giáo dục mà không hề kêu ca, than vãn hay đòi hỏi mình nhận được gì mà chỉ muốn cho đi nhân cách, đạo đức, kiến thức của mình.
Nhưng chất lượng học tập học sinh vẫn rất tốt, học sinh ngoan, hiền, lề phép, kính trọng thầy cô, người lớn tuổi.
Thế hệ trên hình ảnh người thầy dù khó khăn, lam lũ nhưng rất chuẩn mực, đạo đức chứ không có những hình ảnh lệch lạc, méo mó của một số giáo viên như hiện nay, rất nhiều học sinh trong giai đoạn trên thành công cả trong kinh tế lẫn chính trị,…
Biết đất nước còn nghèo, nhiều gia đình còn nhiều khó khăn nên đa số giáo viên đến trường dạy bằng cái tâm, mong ước điều tốt đẹp cho học sinh mà không bao giờ “than vãn” về lương bổng, chế độ, chỉ mong hàng ngày được đến trường để dạy cho các em mà không mong nhận lại gì.
Nhiều học sinh khó khăn không theo kịp bài trên lớp, giáo viên gọi vào trường dạy thêm kiến thức cho học sinh mà không nhận một đồng thù lao nào từ học sinh.
Chính những hình ảnh cao quý, đạo đức, những bài học quý giá đó là mục tiêu là động lực thôi thúc tôi đến với nghề giáo.
Tôi luôn tâm niệm phải luôn cố gắng hết sức mình để không phụ những tấm lòng các thầy cô đã dạy cho mình, bằng cách luôn cố gắng dạy tốt.
Dạy là cho không phải nhận
Hiện nay, cơm, áo, gạo, tiền trở thành mục tiêu của mỗi con người trong công việc.
Nó ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận giáo viên là phải kiếm nhiều tiền để trang trải cuộc sống.
Nhiều đại biểu đề nghị cải cách tiền lương cho giáo viên để đổi mới giáo dục |
Giáo viên không xem việc mình dạy cái gì cho học sinh là chính mà chuyển sang tư duy mình nhận được cái gì là chính.
Giáo viên chỉ mong có thu nhập càng cao càng tốt mà không hỏi thu nhập có xứng đáng với công sức của mình hay không.
Một số giáo viên có tư tưởng đi dạy là nhận lương, nên luôn muốn mức lương cao, càng cao càng tốt.
Nên thu nhập có cao bao nhiêu đi chăng nữa đối với một số giáo viên vẫn là không đủ.
Do đó giai đoạn hiện nay việc tăng lương cho giáo viên nếu có cho dù có tăng cao bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ khó tăng chất lượng giáo dục.
Bởi vì giáo viên có tư tưởng nhận là chính, dạy là phụ, lòng tham vô đáy nên nếu tăng gấp 2 thậm chí gấp 3 lần đi chăng nữa mà không thay đổi quan niệm, tư duy cũng không tăng chất lượng giáo dục.
Nhiều giáo viên, không lo dạy thực chất, yêu thương học chỉ kêu ca lương bổng, chế độ, đòi hỏi quyền lợi mà xao nhãng công việc chính của mình.
Nhiều giáo viên ai cũng nói mức lương cao thì cần gì làm thêm, dạy thêm để ảnh hưởng uy tín, chất lượng,… nhưng khi lương có cao họ vẫn dạy thêm.
Tôi xin dẫn chứng nếu giáo viên công tác từ trên 30 năm với mức lương trung bình trên 10 triệu/tháng cũng gọi là có thu nhập khá;
Hay những giáo viên công tác tại vùng khó khăn có 70% phụ cấp ưu đãi, 70% phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm,… nhận từ 7 đến 20 triệu/tháng nhưng đâu có ai bỏ dạy thêm để dạy học thực chất;
Hay khi mức lương nhận khá cao nhưng chất lượng làm việc của những giáo viên đó tôi thấy không thay đổi nên mệnh đề tăng lương để tăng chất lượng và hiệu quả giáo dục tôi thấy là sai!?!
Giải pháp…
Tăng lương là công việc nên làm nhất là đối với giáo viên mới ra trường bên cạnh đó sắp xếp thang bảng lương cho phù hợp trả lương theo vị trí làm việc và công sức bỏ ra chứ không thể “cào bằng” như hiện nay, cứ công tác lâu năm là lương cao.
Quốc hội vừa thông qua chủ trương tăng lương mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng.
Trong giai đoạn kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, tôi nghĩ đó cũng là sự cố gắng của Chính phủ, các cấp lãnh đạo.
Nhưng nếu tăng như trên, đối tượng tăng cao nhất vẫn tập trung vào đối tượng lớn tuổi, chứ giáo viên mới ra trường thật ra không tăng bao nhiêu, chưa đủ bù vào các khoản hao hụt, thất thu hay tăng giá.
Dù cho bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào cũng dạy học sinh bằng tất cả tình thương yêu.
Giáo viên phải được quán triệt tư duy dạy là cho không phải nhận.
Nhiệm vụ giáo viên là dạy những điều tốt đẹp cho học sinh, bớt kêu ca, than vãn, hay đòi quyền lợi, tư lợi cho bản thân.
Luôn khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với thiên chức làm thầy.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên “cởi trói” cho giáo dục giảm bớt các thành tích, bỏ bớt các hội thi, phong trào,…
Bộ Giáo dục phải kiên quyết loại khỏi ngành các “con sâu” trong ngành giáo dục như vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm dạy thêm học thêm, vi phạm về những điều giáo viên không được làm.
Chỉ khi tư duy, tinh thần, thái độ giáo viên được thông suốt, không còn những hình ảnh méo mó về giáo viên, khi đó đến lớp dạy bằng cái tâm, dạy hết mình, dạy thực chất thì chắc chắn chất lượng, hiệu quả giáo dục sẽ tăng.