14 năm bám bản, cô giáo vùng cao nhắn nhủ đến bạn trẻ muốn theo nghề giáo

26/08/2024 08:41
Quỳnh Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thực hiện ước mơ năm 17, 18 tuổi, cô Trần Thị Ban quyết định gắn bó với học sinh Mù Cang Chải dù phải trải qua nhiều thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần.

Cô Trần Thị Ban (35 tuổi), giáo viên Trường Mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái khiến nhiều người xúc động khi chia sẻ cuộc sống của học sinh vùng cao trên mạng xã hội. Những hình ảnh hồn nhiên, trong trẻo cùng cuộc sống thiếu thốn của các em nhỏ vùng cao đã chạm tới trái tim của người độc giả.

Những ký ức từ khi bản không có điện, thay phiên nhau đẩy xe trên con đường bùn đất

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Ban cho hay ngay từ khi 17,18 tuổi, cô đã mong muốn được gắn bó với học sinh vùng cao. Trong một lần cùng bố lên thăm nhà một người bạn dân tộc ở Mù Cang Chải, cô Ban bắt gặp hình ảnh các em nhỏ phải ở nhà địu em trên lưng, không được tới trường.

“Nhìn những dáng người nhỏ bé, mặt mũi lấm lem, tôi thương biết bao và tự nhủ sau này sẽ trở thành cô giáo vùng cao để có thể mang kiến thức tới các em, giúp các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, cô Ban nhớ lại.

z5743133775393_7fe89038830f82fd5c936e07a91f5b16.jpg
Con đường cô Ban phải vượt qua nhiều năm để đến trường. (Ảnh: NVCC)

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Yên Bái, cô Ban quyết định thực hiện hóa ước mơ thời học sinh của mình. Nữ giáo viên về dạy tại Trường Mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Cô Ban cho biết, thời gian đầu, hai thách thức lớn nhất cô phải đối mặt là đường đi và ngôn ngữ. Những ngày nắng cô có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng những ngày mưa thì khó khăn cứ nối đuôi nhau ập tới. Khi trời mưa lớn, xe tuột xích, các cô giáo phải thay phiên đẩy xe cho nhau qua những cung đường bùn lầy trong trạng thái tay chân trầy xước, tím tái. Có những hôm mưa kéo dài cả tuần, cô và đồng nghiệp phải để xe dưới đường để đi bộ từ sáng sớm, khi tới được trường đã là hơn 8 giờ sáng.

“Đã có lúc tôi rất nản vì con đường đến trường trơn trượt, người đầy bùn đất rất bẩn. Sau mấy hôm leo dốc tôi lại phải mua dép mới vì mỗi lần trượt ngã là rách hết cả. Tôi nhớ lúc trước bản còn chưa có điện, các cô giáo phải mang cơm đựng trong cặp lồng từ nhà đi để ăn trưa. Hôm nào trời mưa bão, ngã xe thì không có cơm trưa để ăn", cô Ban nhớ lại.

Nhìn con gái phải trải qua nhiều khó khăn như vậy để theo nghề, gia đình cô Ban từng không ít lần khuyên cô về dưới xuôi công tác.

"Nhiều lúc thấy tôi vất vả như thế gia đình cũng khuyên nên chuyển công tác về xuôi, đặc biệt là anh trai tôi. Trong một lần chở tôi xuống điểm trường, hai anh em ngã lem luốc hết cả, thấy vậy anh tôi về nhà nói với bố mẹ xin cho tôi về xuôi, dù dạy hợp đồng cũng được nhưng tôi không đồng ý.

Tôi thấy bản thân mình đã quen với cuộc sống nơi đây, những vất vả này để đổi lấy tương lai cho học sinh đều xứng đáng. Bạn bè đồng nghiệp của tôi có những người sau khi dạy vài tháng không chịu nên đã nghỉ việc. Còn tôi và nhiều cô giáo khác vẫn bám bản. Chúng tôi cùng nhau sẻ chia những khoảnh khắc bên bếp lửa bập bùng, nấu mì vào những lúc trời mưa. Niềm vui của chúng tôi đôi khi chỉ đơn giản như vậy”, cô Ban xúc động chia sẻ.

z5743133775391_fa2c9efe316313bd1eaf60993c0b5955.jpg
Đường tới trường trở nên nguy hiểm hơn vào những ngày mưa gió. (Ảnh: NVCC)
z5743133775403_3b1967c652dc4649c8a3fee3649605a6.jpg
Dù điều kiện giảng dạy ở Mù Cang Chải còn nhiều khó khăn nhưng cô Ban và đồng nghiệp vẫn quyết tâm theo nghề. (Ảnh: NVCC)

Cô Ban cũng cho biết thêm, thời gian đầu khi cô mới về công tác đã gặp không ít khó khăn trong giao tiếp.

“Nguyên nhân là 100% học sinh đều là người dân tộc Mông. Do đó, khi dạy học tôi và các em không hiểu tiếng của nhau nên trong tiết dạy học sinh không nắm được kiến thức, dẫn đến chất lượng dạy học không đạt chuẩn. Chính vì vậy, đôi lúc tôi cũng không tránh khỏi bị phê bình. Điều này khiến tôi cảm thấy khá phiền lòng nhưng sau đó tôi lại vực dậy tinh thần để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Điều kiện của các em học sinh trong bản đều thiếu thốn rất nhiều, khi thời tiết không ủng hộ, chúng tôi phải đến tận nhà cõng các em tới trường nhằm đảm bảo lớp học được đầy đủ. Nhiều gia đình không xem trọng việc học của con, họ cho rằng con gái thì chỉ cần ở nhà chăn dê, trông em. Tôi nhiều lần phải trèo lên đồi, lên nương, vận động gia đình cho các con đi học. Nhiều lúc các em nhỏ gặp tôi đi trên đường lại trốn chạy vì bị bắt đến trường. Tôi và đồng nghiệp thường đùa vui với nhau rằng “chúng mình giống ông ba bị vậy”, cô Ban vừa kể vừa cười.

Bên cạnh đó, các cô giáo vùng cao như cô Ban đều phải tự chuẩn bị thêm các công cụ hỗ trợ học tập. Đôi khi những viên sỏi, lá cây hay hạt ngô cũng trở thành công cụ giúp học sinh học toán, làm quen với các con số.

Tuy điều kiện khó khăn là vậy nhưng mỗi lần nhìn thấy học sinh hào hứng với đồ chơi mới do bản thân “tự chế” cô Ban lại có thêm động lực bám trụ với nghề.

z5743133775378_ccdc573a6cc60d6c81e44dab204fb490.jpg
Hình ảnh hồn nhiên của các em nhỏ chính là động lực khiến cô Ban gắn bó với nghề. (Ảnh NVCC)

Cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương

Cô Trần Thị Ban vẫn luôn tin tưởng và tâm niệm rằng “người với người sống để yêu nhau”. Trong sự nghiệp giáo dục của mình cô luôn tâm huyết với từng học sinh nên khi nhìn những “con chim non” lần lượt rời tổ, cô có chút không nỡ. Suốt 14 năm gắn bó với học sinh, tình cảm hồn nhiên, trong sáng của các em cũng như tấm lòng của phụ huynh là điều mà cô Ban trân quý nhất.

“Mỗi chuyến đò đi qua, tôi thực sự rất nhớ các em, nhớ những kỉ niệm chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho học sinh từ lúc còn nhỏ. Khi các em đã lên tiểu học, mỗi lần đi họp hay có công việc sang trường tiểu học tôi đều ngó vào một chút, ôm các bạn mới yên tâm ra về.

Tôi vẫn nhớ như in những ánh mắt long lanh, lấp ló phía sau cánh cửa, sau bờ rào của lớp để nhìn tôi. Các em thể hiện tình cảm một cách rụt rè, nhút nhát nhưng rất đáng yêu. Chỉ khi tôi gọi học sinh mới dám lại gần, vuốt tóc tôi an ủi những hôm tôi ngã tím hết người. Đó là những hình ảnh tôi không bao giờ quên trong sự nghiệp giáo dục của mình”, cô Ban chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng coi cô như người thân trong gia đình. Những hôm mưa lũ, phụ huynh đoán cô Ban ngã đổ hết cơm trưa lại gói cho con em mình nhiều cơm hơn, nhiều thức ăn hơn để lên lớp san sẻ cùng cô. Trong nhà trồng được gì thỉnh thoảng phụ huynh lại biếu cô mớ rau, mấy miếng cá khô. Chính những tình cảm bình dị, ấm áp đó đã tạo động lực cho cô Ban quyết tâm theo nghề.

Với những đóng góp của mình, cô Trần Thị Ban nhiều lần đạt giải thưởng thi đua các cấp như: giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được hội đồng huyện phê duyệt sáng kiến kinh nghiệm và đạt chiến sỹ thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Trong 14 năm công tác cô có tới 13 năm đạt danh hiệu lao động tiên tiến

z5743133325492_c2b0f4b6cc8476f1a6ede5558c58289a.jpg
Cô Ban cùng các học sinh của mình trong một tiết học. (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ mong muốn gắn bó với nghề giáo. Trước tiên, các bạn phải chắc chắn kiên định với sự lựa chọn của mình. Thứ hai, các bạn phải thật yêu nghề để khi xảy ra bất kì hoàn cảnh nào, dù công tác ở miền xuôi hay miền núi thì cũng không từ bỏ. Thứ ba là khi đã trở thành giáo viên cần luôn luôn đặt bản thân mình vào nhân dân, phụ huynh, học sinh để hiểu và có thể hòa nhập được vào cuộc sống của họ, không sợ vất vả và đặc biệt yêu nghề mến trẻ.

Những năm gần đây, khi cô Ban chia sẻ hình ảnh về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng rất đỗi đáng yêu của học sinh Trường Mầm non Mồ Dề lên mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân đã liên hệ hỗ trợ nhà trường cũng như các em học sinh.

z5743133325493_c7331046b8c0267c8f886acf9ad9897d (1).jpg
Nữ giáo viên chụp ảnh cùng các học sinh trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Con đường đến trường đầy bùn đất ngày nào nay đã được lát bê tông, dễ đi hơn trước rất nhiều. Nhân dân từ mọi miền đất nước khi biết hoàn cảnh của cô và học sinh cũng chung tay góp sức, người thì bánh kẹo, người thì quần áo, đồ dùng học tập... Tất cả những hình ảnh đó đều thể hiện một truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách”. Chính bởi vậy cô Ban cũng có thêm nghị lực kiên cường bám bản, “gieo chữ” cho các học sinh vùng cao.

Quỳnh Quỳnh