2 thủ khoa khối A00 trượt NV 1, Vụ GDĐH lý giải "đó là chuyện bình thường"

24/08/2023 06:27
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ khẳng định, việc 2 thủ khoa trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa HN là hoàn toàn bình thường.

Vừa qua, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2023. Thông tin hai thủ khoa toàn quốc khối A00 đều trượt nguyện vọng 1 - ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao thủ khoa toàn quốc với tổng điểm 29,35 mà vẫn trượt nguyện vọng 1?

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chuyện hai thủ khoa trượt nguyện vọng 1 là bình thường, không có gì vô lý.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: PM

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: PM

Chúng ta phải hiểu rằng, một trường đại học xét tuyển một ngành học nào đó, việc thí sinh trúng tuyển hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Về nguyên tắc chung, trường sẽ xét tuyển từ cao đến thấp cho đến lúc hết chỉ tiêu, nếu tuyển đủ chỉ tiêu sẽ dừng lại.

Một ngành học có nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức lại có những tổ hợp xét tuyển khác nhau, điều này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể như Đại học Bách khoa Hà Nội, trước đó, cơ sở giáo dục đại học này đã tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển sinh đại học, nhiều học sinh xuất sắc vượt qua kỳ thi này đã trúng tuyển vào các ngành của trường.

Và chỉ còn một phần chỉ tiêu để xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp không nhiều, dẫn tới điểm xét tuyển sẽ cao.

Nguyên nhân thứ 2 là cách tính điểm chuẩn theo ngành học của trường. Hai thí sinh là thủ khoa của khối A00, tức là tính theo tổng điểm của 3 môn, nhưng tính theo điểm từng môn thì câu chuyện lại khác.

Có thể, tổng điểm 3 môn bạn cao nhất nhưng điểm môn quan trọng thì có bạn khác cao hơn. Đại học Bách khoa xét tuyển ngành Khoa học máy tính (IT1) ưu tiên những thí sinh có điểm môn Toán cao hơn, vì thế, cách tính điểm chuẩn của ngành này khác với thông thường, đó là nhân đôi môn Toán. Như vậy, những thí sinh đạt điểm cao môn Toán sẽ có lợi thế hơn, cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Công thức tính điểm này đã rất rõ ràng, được nhà trường thông báo công khai từ trước, nên điều này hoàn toàn khách quan, công bằng với các thí sinh.

Từ câu chuyện này có thể thấy, thí sinh phải xem xét kỹ yêu cầu xét tuyển của trường, vì mỗi trường, mỗi một ngành đào tạo có một cách xét tuyển, cách tính điểm chuẩn khác nhau. Như vậy, thủ khoa khối A00 với tổng điểm 3 môn cao nhất không trùng với yêu cầu xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cần căn cứ vào chỉ tiêu của phương thức xét tuyển, căn cứ vào số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký vào ngành học, căn cứ vào kết quả học tập, tổ hợp xét tuyển, cách tính điểm của từng ngành, từng trường để thí sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

"Ngành Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội ưu tiên môn Toán (môn Toán nhân hệ số 2), với công thức tính đã được công bố công khai từ trước, nhà trường lấy đúng chỉ tiêu được giao chứ không tính đến việc tuyển thủ khoa hay không. Vì vậy, việc này rất bình thường, đúng nguyên tắc và không hề vô lý.

Nếu tính điểm trúng tuyển là tổng điểm 3 môn khối A00 mà thủ khoa không trúng tuyển mới là điều vô lý. Còn các trường hiện nay xét theo nhiều tổ hợp khác nhau và cách tính điểm chuẩn cũng khác nhau", Tiến sĩ Nghệ cho hay.

Những năm qua, việc đa dạng các phương thức xét tuyển đại học cũng dẫn tới những thay đổi trong xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ khẳng định, số thí sinh trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn cao nhất. Ảnh minh họa: PM

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ khẳng định, số thí sinh trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn cao nhất. Ảnh minh họa: PM

Bàn về điều này, Phó Vụ trưởng Phạm Như Nghệ thông tin, hiện nay, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh trúng tuyển đại học trong toàn hệ thống chủ yếu vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Một trường không phải đại diện cho cả hệ thống, vì cả hệ thống giáo dục đại học có đến hơn 300 mã tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ là một trong số đó. Và chỉ tiêu của toàn hệ thống là hơn 600.000.

Trong cả nước chỉ có khoảng 10 đơn vị tổ chức kỳ thi riêng, nên tính trong toàn hệ thống giáo dục đại học, số lượng thí sinh trúng tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng là không cao, cao nhất hiện nay vẫn là căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thứ hai là căn cứ vào điểm học bạ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm ngoái có khoảng 48% thí sinh trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khoảng 33% thí sinh trúng tuyển căn cứ vào điểm học bạ, các phương thức khác dưới 10%.

Tất nhiên, mỗi một trường có sự phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức khác nhau. Chỉ một số trường tổ chức kỳ thi riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,… và Bộ Công an cũng có tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển vào các trường Công an. Còn đại đa số các trường vẫn phải căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ và học bạ là chính.

“Tất nhiên điều này vẫn có ảnh hưởng nhưng chúng ta làm theo đúng quy định, vì Luật Giáo dục đại học hiện hành đã cho phép các trường được tự chủ, tự chủ đi cùng với trách nhiệm giải trình.

Và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện cũng đã thay đổi dần chứ không như trước. Trước đây kỳ thi này là để xét công nhận tốt nghiệp và là căn cứ duy nhất để xét tuyển đại học. Thế nhưng, kỳ thi tốt nghiệp hiện nay mục tiêu số một là để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, trên cơ sở đó, các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào kết quả đó để tuyển sinh. Điều này hoàn toàn đúng quy định.

Nguyên tắc trong tuyển sinh là phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, đặc biệt là công bằng giữa các trường đại học và công bằng giữa các thí sinh.

Các trường đại học sẽ đưa ra những quy định, cách thức tuyển sinh riêng để chọn được những sinh viên giỏi nhất, tài năng và phù hợp với ngành học nhất. Và những quy định này đã được công khai từ trước nên hoàn toàn đảm bảo tính công bằng.

Còn về phía thí sinh, phải tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển sinh của từng trường, chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân”, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ thông tin.

Kim Ngọc