Ngày 09/9/2019, ông Huỳnh Minh Tâm - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đã ban hành công văn số 58/CV-PGDDT về việc yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với hiệu trưởng và kế toán theo Kết luận số 02/KL-UBND huyện Vĩnh Thuận.
Nội dung của công văn số 58/CV-PGDDT yêu cầu hiệu trưởng và kế toán của 30/33 đơn vị trực thuộc phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận phải thực hiện tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm vì có sai sót trong việc quản lý và sử dụng kinh phí năm 2018 làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công chức viên chức và người lao động.
Thời gian thực hiện tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với hiệu trưởng và kế toán đến ngày 14/9/2019 phải hoàn thành.
Sau khi thực hiện kiểm điểm rút kinh nghiệm, đơn vị gửi biên bản kiểm điểm kèm theo báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Giáo dục và Đào tạo (qua bộ phận tổ chức) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.
Công văn số 58/CV-PGDDT về việc yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với hiệu trưởng và kế toán theo Kết luận số 02/KL-UBND huyện Vĩnh Thuận. |
Như vậy, trong vụ việc nợ lương 1.120 nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận, theo chỉ đạo, đến nay có 60 người của 30 đơn vị trường học, bao gồm hiệu trưởng và kế toán phải thực hiện công tác kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Có dấu hiệu tham nhũng trong việc nợ lương nhà giáo ở huyện Vĩnh Thuận?
Theo tin đã đưa, năm 2018, toàn huyện Vĩnh Thuận có 1.120 lượt nhà giáo và viên chức giáo dục được nâng lương thường xuyên.
Nhu cầu kinh phí cần có để chi trả nâng lương cho viên chức giáo dục năm 2018 của huyện Vĩnh Thuận là 4 tỷ 037 triệu đồng.
Và, sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 25/8/2019 những nhà giáo và viên chức bị nợ lương đã được nhận tiền nâng lương năm 2018 sau hơn 1 năm chờ đợi.
Về vụ việc này, ông Huỳnh Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận xác nhận với phóng viên.
Nợ hơn 4 tỉ đồng tiền nâng lương của 1.120 nhà giáo, đến bao giờ mới trả? |
“Tôi đã chỉ đạo cho tài chính cân đối nguồn của ngành giáo dục, không lấy từ nguồn nào khác để trả nợ lương cho giáo viên của huyện.
Sau khi công việc trả nợ lương hoàn tất, Ủy ban nhân dân huyện sẽ có báo cáo trực tiếp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đồng thời gửi báo cáo cho Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh”.
Như vậy, để có tiền trả nợ lương năm 2018 cho nhà giáo, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã đưa ra chủ trương và biện pháp để giúp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận có được nguồn tiền trả nợ cho viên chức ngành giáo dục bằng cách sau:
(1)“Đối với các trường có liên quan, điều chỉnh giảm 20% trên số tiền chi sai nguồn năm 2018 trong dự toán chi thường xuyên năm 2019, để chi trả tiền nâng lương thường xuyên năm 2018 cho công chức, viên chức tại đơn vị”.
(2) “Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo, sau khi xác định số tiền giảm 20% ở các trường, phần còn lại cân đối sử dụng nguồn chi tập trung và nguồn chi khác kịp thời phân bổ cho các trường đảm bảo nhu cầu chi trả tiền nâng lương thường xuyên năm 2018.
Thời gian chậm nhất đến ngày 25/07/2019 hoàn thành việc chi trả tiền nâng lương thường xuyên năm 2018”.
Kết luận kết quả kiểm tra, rà soát về việc quản lý, sử dụng nguồn lương tại các đơn vị trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo năm 2018. |
Bằng sự chỉ đạo nói trên, nguồn tiền dùng để chi trả nợ lương năm 2018 cho 1.120 công chức, viên chức giáo dục không phải là nguồn kinh phí được dự toán trong năm 2019.
Nguồn tiền trả nợ đã được chỉ đạo “cắt giảm” từ nguồn kinh phí chi thường xuyên đã phân bổ theo dự toán của các đơn vị trường học trong năm 2019 và nguồn kinh phí do Phòng Giáo dục và Đào tạo giữ lại để chi tập trung cho năm 2019.
Việc lấy nguồn tiền nói trên để trả nợ hoàn toàn không đúng theo nguyên tắc quản lý tài chính được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Và, cho đến nay mặc dù Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều phản ảnh nhưng số kinh phí 4 tỷ 037 triệu đồng tồn đọng từ nguồn lương được sử dụng như thế nào đã bị chính quyền huyện Vĩnh Thuận bỏ ngỏ một cách đáng nghi ngại.