76 điểm cầu trên cả nước tham gia chương trình tập huấn chuyên môn về khảo thí

11/12/2023 10:53
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-CT tập huấn là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hoá Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khai mạc chương trình tập huấn chuyên môn về khảo thí cho các giảng viên, giáo viên trên phạm vi cả nước vào sáng nay, ngày 11/12. Chương trình tập huấn này sẽ diễn ra từ ngày 11/12 đến hết ngày 17/12.

Được biết, chương trình tập huấn là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hoá Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) được ký kết vào tháng 9/2022 nhân chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hoa Kỳ. Trong đó, có nội dung nâng cao năng lực công tác khảo thí cho ngành giáo dục Việt Nam nhất là các Kỳ thi cấp Quốc gia.

Dự khai mạc có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phạm Ngọc Thưởng; ông Amit Sevak - Giám đốc điều hành Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ.

Khoá tập huấn có số lượng thành viên tham gia nhiều nhất mà ETS từng tổ chức tại Việt Nam

Về hình thức tổ chức, chương trình tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 76 điểm cầu trong cả nước, trong đó có 3.591 người là cán bộ đang công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, 12 cơ sở giáo dục đại học và giảng viên, giáo viên trên phạm vi cả nước.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì khai mạc chương trình tập huấn tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì khai mạc chương trình tập huấn tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về mục tiêu tổ chức, chương trình đào tạo tập huấn chuyên môn về khảo thí được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ETS triển khai dự kiến kéo dài trong 7 phiên đào tạo hướng tới mục tiêu trao đổi, học hỏi và nâng cao năng lực khảo thí, đào tạo và tập huấn quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho những người làm công tác thi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo và một số đại học, trường đại học;

Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giáo viên, giảng viên, chuyên gia có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và am hiểu về quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi để phục vụ công tác tổ chức các Kỳ thi đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo lộ trình đổi mới thi và đánh giá của ngành giáo dục của Việt Nam.

Cụ thể, 7 phiên đào tạo sẽ tập trung vào các nội dung như sau: Hỏi đáp về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam; tổng quan các khái niệm về tâm trắc học; tiêu chuẩn về chất lượng và công bằng của ETS; phương pháp thiết kế đề thi lấy bằng chứng làm trung tâm; phương pháp phát triển bài thi; viết câu hỏi trắc nghiệm; đánh giá chất lượng câu hỏi; mô hình tạo đề thi từ ngân hàng câu hỏi thi.

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ, việc kiểm tra, đánh giá và rộng hơn công tác khảo thí là công tác rất quan trọng đối với giáo dục và đào tạo, nhằm đánh giá kết quả đầu ra của người học, từ đó đánh giá công tác quản lý, công tác giảng dạy. Với tầm quan trọng như vậy, trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất quan tâm tới công tác khảo thí.

Từ năm 2025, công tác khảo thí nói chung, trong đó kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có một số điểm mới quan trọng, đó là kỳ thi được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu đánh giá năng lực người học.

Do đó, ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị tất cả các điều kiện về đội ngũ, chương trình, nội dung, … cho công tác khảo thí phục vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu đề dẫn tại chương trình tập huấn.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu đề dẫn tại chương trình tập huấn.

Sự hiện diện kết nối của 76 điểm cầu và hơn 3.500 thành viên tham gia được Thứ trưởng đánh giá đây là cuộc tập huấn quy mô rất lớn, ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cho công việc ngay trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các thành viên tham gia tập huấn chú ý lắng nghe, nắm bắt tốt nhất những nội dung thông tin, kiến thức các chuyên gia truyền đạt; chủ động trao đổi, thảo luận, nêu khó khăn, những việc chưa rõ để khoá tập huấn tổ chức thành công, đạt yêu cầu đề ra.

Sau tập huấn, các cán bộ, giảng viên, giáo viên phải lấy quá trình tự tập huấn, tự bồi dưỡng, trao đổi thông tin với nhiều phương thức khác nhau để củng cố, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác khảo thí.

Đồng thời, tiếp tục tham gia một số đợt tập huấn khác với mục đích là có được một đội ngũ làm công tác khảo thí từ cơ sở, từ các trường phổ thông tới các trường cao đẳng, đại học… giúp cho các kỳ thi quốc gia ngày càng nâng cao chất lượng.

Chia sẻ tại chương trình tập huấn, ông Amit Sevak - Giám đốc điều hành Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) bày tỏ niềm vinh dự khi được đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong chương trình tập huấn hỗ trợ chuyên môn khảo thí cho cán bộ, giảng viên, giáo viên Việt Nam.

Ông Amit Sevak, Giám đốc điều hành Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trao đổi trực tuyến từ điểm cầu Hoa Kỳ.

Ông Amit Sevak, Giám đốc điều hành Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trao đổi trực tuyến từ điểm cầu Hoa Kỳ.

Ông Amit Sevak cho biết, đây cũng là khoá tập huấn có số lượng thành viên tham gia nhiều nhất mà ETS từng tổ chức tại Việt Nam.

Cũng theo ông Amit Sevak, trong những năm tới, ETS sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác khảo thí trên diện rộng.

Tường San