LTS: Sau khi chạy trường thì câu chuyện "chạy lớp, chạy thầy" lại trở nên hết sức nóng hổi.
Cô giáo Thuận Phương làm rõ việc phụ huynh phải lao tâm khổ tứ để chạy thầy, chạy lớp cho con như thế nào.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mùa tuyển sinh biết bao phụ huynh đã khốn khổ vì phải “chạy trường”. Khi con được nhập học rồi vẫn chưa thể yên tâm bởi còn bao khoản phải “chạy” khác nữa.
Nhà trường tạo cơ hội để phụ huynh “chạy”
Vào trường điểm cũng có biết bao lớp điểm mà chỉ nghe thôi cũng đủ chóng mặt.
Nào lớp chọn, lớp chất lượng cao, lớp nguồn, lớp nòng cốt, lớp tích hợp… hay như lớp bình thường cũng có nhiều dạng, lớp nhiều học sinh yếu kém, lớp nhiều học trò cá biệt, lớp con nhà giàu, lớp có lực học đồng đều… phụ huynh muốn con vào lớp mình thích phải tiếp tục “chạy” lớp.
Nhưng lớp ngon, thầy không ngon lại phải “chạy” để chọn thầy…
Chạy thầy, chạy lớp đang khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ảnh minh hoạ của ĐAN/ Laodong.vn |
Nhiều cha mẹ có suy nghĩ rằng "con mình được học trong một môi trường tốt (nhiều bạn bè giỏi, chăm ngoan) nó sẽ có động lực cố gắng".
Bởi thế, dù năng lực của các bé chưa đủ sức vào những lớp học đầu khối nhưng có phụ huynh vẫn bằng mọi cách để con mình có tên trong ấy.
Thường thì nhà trường sẽ căn cứ vào điểm thi đầu vào của học sinh để xét từ cao đến thấp. Có trường còn bố trí một buổi thi sát hạch riêng.
Những phụ huynh có nhiều kinh nghiệm (có con học trước đó hoặc được ai đó rỉ tai) sẽ biết khá rõ về "đường đi nước bước" để con vào những lớp đầu khối mà không cần năng lực vượt trội.
Điển hình như việc gửi gắm con trực tiếp cho hiệu trưởng nhà trường. Cách này chắc chắn nhưng mang nhiều tai tiếng.
Cách “quang minh chính đại” hơn là cho con ôn thi đặc biệt ở nhà những thầy cô cốt cán phụ trách việc ra và duyệt đề như thầy cô tổ trưởng bộ môn Toán, Văn và Anh của trường.
Chọn lớp nhưng lại không ưng thầy, có phụ huynh buộc phải chọn thầy. Cha mẹ các em có trăm ngàn lý do để lý giải cho việc chọn thầy của mình.
Nào là con vào lớp 1, lứa tuổi đang cần sự chăm sóc, chỉ dạy tận tình nên thích cô giáo chu đáo, nhẹ nhàng.
Lớp 5 lớp cuối cấp, con cần có nền tảng kiến thức vững vàng nên thích thầy cô giáo nhiệt tình, dạy giỏi.
Người thích thầy cô nghiêm khắc với học trò vì sợ con học với thầy cô hiền sẽ lười biếng… người lại thích thầy cô hiền để con học cho thoải mái.
Về nguyên tắc, khi phân công chuyên môn cho giáo viên, nhà trường cũng đã cân nhắc từng vị trí cho đúng sở trường của họ.
Sau khi phân khối, thầy cô sẽ được bốc thăm lớp dạy để vừa tạo sự công bằng cho tất cả giáo viên, vừa tránh tình trạng phụ huynh chọn thầy.
Thế nhưng khá nhiều trường lại không chọn cách làm đường đường chính chính như thế nên phụ huynh một lần nữa phải ghi tên mình vào cuộc “chạy ma-ra-tông” ở trường.
Không cho giáo viên bốc thăm lớp dạy mà để phân công, giáo viên muốn lớp ngon buộc phải tham gia cuộc “chạy ma-ra-tông” cùng phụ huynh.
Hiệu trưởng “ăn” cả đôi đường
Giáo viên không được bốc thăm lớp dạy mà Ban giám hiệu (chủ yếu là hiệu trưởng) tự phân, tự ấn định tên giáo viên vào lớp ấy.
Về phía giáo viên, thầy cô nào cũng muốn mình chủ nhiệm những lớp “ngon”, lớp tiềm năng ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng (lớp có lực học tốt và có nhiều phụ huynh khá giả, có “máu mặt”).
Muốn đương nhiên ngồi chờ thì hãy “cứ mơ đi”. Bởi thế, giáo viên cũng phải “chạy”.
Một số đồng nghiệp của tôi ở nhiều nơi đã từng bật mí mức giá bỏ phong bì.
Những giáo viên ở những thành phố thì phong bì cũng nặng gấp nhiều lần phong bì ở những vùng quê.
Về phía phụ huynh, muốn con học chính với thầy cô ấy, họ cũng phải “chạy”, không “chạy” ai hiệu quả hơn bằng “chạy” chính hiệu trưởng nhà trường.
Cách nào ngăn chặn việc “chạy” lớp, “chạy” thầy?
Để ra hiện tượng “chạy” lớp “chạy” thầy như hiện nay phần do hiệu trưởng tôn thờ “chủ nghĩa vật chất” quá lớn, phần do một số tổ chức trong nhà trường đã bị tê liệt vì sợ “tai bay vạ gió”.
Thế nên họ luôn “án binh bất động” để hiệu trưởng muốn làm gì thì làm.
Tránh tình trạng phụ huynh “chạy” lớp, “chạy” thầy các tổ chức trong nhà trường như công đoàn, thanh tra nhân dân cần yêu cầu hiệu trưởng thực hiện đúng quy tắc dân chủ đã quy định.
Theo đó, việc phân công chuyên môn của nhà trường không để mình hiệu trưởng nắm “quyền sinh sát”.
Phải có sự phối hợp giữa bộ ba, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và Chủ tịch công đoàn nhà trường.
Việc phân công chỉ dừng lại ở khối lớp giáo viên sẽ dạy năm đó. Việc ai dạy lớp nào phải được công khai trước toàn thể hội đồng.
Những lá thăm được chuẩn bị cho tên từng lớp học, giáo viên lần lượt sẽ lên bốc thăm.
Khi có danh sách học sinh từng lớp, có tên giáo viên dạy lớp nào thì tuyệt đối không có sự di chuyển học sinh từ lớp này qua lớp khác dù với bất cứ lý do gì.
Làm được điều này không chỉ hạn chế được tiêu cực của việc “chạy” mà còn tạo sự công bằng cho tất cả giáo viên trong trường.