Thầy chấm Văn thầy, những thật - giả và áp lực của điểm số

02/12/2017 07:05
Nhật Duy
(GDVN) - Những quyển văn mẫu đã được viết và biên tập với giá chỉ vài chục nghìn đồng/cuốn nên phần nhiều các em học sinh đã mua về để làm “phao cứu cánh" cho mình.

LTS: Chia sẻ về việc dạy và chấm văn cho các em học sinh hiện nay, thầy giáo Nhật Duy thẳng thắn cho rằng:

Việc chấm Văn bây giờ, không phải là thầy chấm Văn của trò mà chính là thầy chấm Văn của thầy. Bởi các bài văn mẫu đó đều là của những thầy giáo dạy Văn viết hoặc biên soạn ra.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong suốt hàng chục năm giảng dạy môn Ngữ văn, điều khiến tôi buồn nhất là mỗi lần chấm bài kiểm tra của học trò. Phần lớn nội dung các bài viết của các em đều na ná như nhau, cái khác chỉ là cách trình bày bố cục của mỗi bài viết mà thôi.

Vẫn biết vẫn còn một số em làm bằng cảm xúc thật của mình nhưng con số này ngày một ít dần. Phần nhiều học sinh bây giờ làm văn là lên mạng chép hoặc học thuộc văn mẫu rồi đến ngày kiểm tra chép vào nộp cho thầy cô.

Có lẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình yêu môn Văn của học trò ngày càng mai một, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là áp lực kiểm tra môn học này khiến cho học trò ngày càng ngao ngán và sự ra đời của những cuốn văn mẫu đang bày bán khắp nơi.

Hình minh họa, nguồn: tomoca.co.jp.
Hình minh họa, nguồn: tomoca.co.jp.

Áp lực học tập và thi cử của các em học sinh hiện nay là rất lớn, nhất là đối với số lượng bài kiểm tra môn Ngữ văn.

Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:

Môn Ngữ văn lớp 9 các em học sinh có 13 cột điểm: 2 cột điểm kiểm tra miệng, 4 cột điểm kiểm tra 15 phút, 6 cột điểm kiểm tra định kì từ 1-2 tiết và 1 cột điểm kiểm tra học kì.

Như vậy, trong mỗi học kì, chỉ mình môn Ngữ văn, học sinh phải kiểm tra cả định kì và thường xuyên là 13 lần. Một con số thực sự làm cho học sinh ngao ngán.

Không chỉ lo học để kiểm tra môn Văn mà các em còn phải học để kiểm tra hơn 10 môn học khác nữa. Ngoài học để kiểm tra, các em còn phải soạn bài, làm bài tập, tham gia các hoạt động ngoài giờ.

Vì thế, mà áp lực học tập của học sinh cuối cấp, nhất là các em ở thành phố là rất lớn vì các em phải trải qua kì thi tuyển sinh có tính cạnh tranh rất cao.

Tôi có thói quen là ngày cuối tuần thường rủ con trai đến các cửa hàng sách để đọc và mua sách cho khuây khỏa. Vì là giáo viên dạy Văn nên tôi cũng tìm và mua những cuốn sách mà mình và con trai yêu thích.

Thầy chấm Văn thầy, những thật - giả và áp lực của điểm số ảnh 2

Nhất định thầy cô phải thay đổi để xóa bỏ tình trạng dạy văn theo mẫu

Và mỗi lần đến các hiệu sách, tôi không quên tạt vào sạp sách tài liệu tham khảo của các hiệu sách.

Có hôm tôi đứng đếm sách, chỉ riêng tài liệu tham khảo môn Ngữ văn 9 đã có 78 cuốn sách tham khảo - một con số khiến tôi giật mình.

Bởi thực tế đây chỉ là một cửa hàng nên điều chắc chắn là số sách tham khảo của môn Ngữ văn 9 sẽ không dừng lại ở con số 78 như tôi đã…đứng đếm.

Điều khiến tôi buồn nhất là bài nào cũng được phân tích cặn kẽ theo từng khía cạnh khác nhau.

Nhất là có những quyển đã được giải theo từng bộ đề nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Rồi các dạng giải đề thi vào lớp chuyên, giải đề thi học sinh giỏi…không thiếu tài liệu nào cả.

Chính từ những quyển văn mẫu đã được viết và biên tập khá chỉn chu như vậy mà giá chỉ vài chục nghìn đồng/cuốn nên phần nhiều những học sinh bây giờ đều mua để làm “phao cứu cánh” cho mình.

Thế nhưng, khi các em quá lệ thuộc vào văn mẫu sẽ dẫn đến tình trạng khó có thể phát triển tốt được tư duy và cảm xúc của mình qua từng bài viết. Trong khi, đối với môn Văn thì cảm xúc của học trò khi đưa vào bài viết lại rất quan trọng.

Đọc những bài văn của học trò viết bằng suy nghĩ của mình, dù có chỗ còn vụng về, non yếu nhưng người thầy sẽ cảm nhận được cái hay, cái chân thật của bài viết.

Những bài văn mẫu mà các em học thuộc rồi vào lớp viết lại dù sâu sắc nhưng sẽ khô khan vô cùng.

Bởi một lẽ hiển nhiên, những cuốn văn mẫu đa số là của các thầy cô có học vị, học hàm cao viết hoặc biên soạn. Dù viết hay, viết đúng nhưng nó sẽ không thật như cảm xúc của học trò.

Chính vì vậy, khi chấm văn, người thầy rất dễ nhận ra đâu là văn viết bằng cảm xúc của học trò, đâu là những bài văn mẫu được các em học vẹt rồi chép vào bài kiểm tra.

Thầy chấm Văn thầy, những thật - giả và áp lực của điểm số ảnh 3

Giáo viên Ngữ văn than học sinh chép văn mẫu quá nhiều khi làm bài ở nhà

Có một thực tế là dù ở cấp học nào thì khi kiểm tra, thầy cô đều phải giới hạn các đơn vị kiến thức sẽ kiểm tra để các em chuẩn bị.

Bởi kiến thức học ở lớp rất nhiều, nếu không giới hạn thì học trò không biết sẽ học chỗ nào.

Nhưng, khi đã giới hạn rồi thì phần lớn các em lại lấy các bài văn mẫu trong tài liệu và trên mạng Internet để về đối phó với thầy cô.

Và vì thế nên các bài văn của học trò thường rất giống nhau về nội dung.

Chính từ những cách trình bày của học sinh đều na ná như vậy nên mỗi khi chấm bài kiểm tra thì giáo viên Văn thường ngán ngẩm.

Mỗi một học kì học sinh phải làm hàng chục bài kiểm tra như vậy nên giáo viên cũng rất áp lực trong việc chấm bài.

Khác với những môn học khác chỉ chấm về nội dung thể hiện của học trò thì giáo viên văn sửa lỗi câu, từ, cách diễn đạt, phê vào từng bài kiểm tra nên thường là chấm rất lâu.

Trong khi, nhiều bài viết lại giống nhau về nội dung nên nhiều khi chỉ đọc một đoạn giống nhau đã khiến cho người thầy ngao ngán.

Mùa thi học kì I lại chuẩn bị bắt đầu, thời lượng kiểm tra của học trò phổ thông thường được bố trí 2 tiết để kiểm tra học kì môn Ngữ văn. Vậy nên, đa phần các em viết rất dài.

Chỉ tiếc, những bài viết có cảm xúc của học sinh ngày càng thưa thớt và thay vào đó là những bài văn mẫu khô khan.

Vì thế, từ lâu giáo viên dạy Văn vẫn truyền tai nhau câu nói vui: Chấm Văn bây giờ, không phải là thầy chấm Văn của trò mà chính là thầy chấm Văn của thầy. Bởi các bài văn mẫu đó đều là của những thầy giáo dạy Văn viết hoặc biên soạn ra.

Nhật Duy