Giáo viên hay chê những công việc gì ở trường?

02/08/2017 08:28
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Thầy cô giáo ai cũng muốn chọn những việc nhẹ nhàng hoặc thuần túy chuyên môn, còn những công việc khác trong “bộ máy” của nhà trường thì họ thi nhau né tránh

LTS: Trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn có câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đây được xem như một lời nhắn nhủ về quan niệm sống tích cực: hãy sống vì mọi người, sống có trách nhiệm, không lẩn tránh và biết gánh vác. 

Đặt câu nói đó vào trong hoàn cảnh của một số trường phổ thông, tác giả Sông Trà đã chỉ ra rằng: hiện nay, có những công việc, chức danh thường bị thầy cô chê, thoái thác vì vất vả, mệt nhọc, vì hình thức, bù nhìn… khiến Ban Giám hiệu phải đau đầu tìm kiếm, lựa chọn người thay thế.   

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước sự phân công công việc của ban giám hiệu nhà trường, một số thầy cô thường né tránh, đùn đẩy lẫn nhau (Ảnh: Tuoitre.vn)
Trước sự phân công công việc của ban giám hiệu nhà trường, một số thầy cô thường né tránh, đùn đẩy lẫn nhau (Ảnh: Tuoitre.vn)

1. Công tác chủ nhiệm 

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò vô cùng to lớn đối sự chuyển biến về nhận thức, thái độ, đạo đức, học tập…. của mỗi em học sinh, mỗi tập thể lớp ở từng năm học.

Song, cũng vì tính chất công việc vất vả, áp lực, nhiều việc không tên cứ luôn bủa vây thầy cô giáo chủ nhiệm như: “giải quyết học sinh cá biệt, nghe điện thoại phản ảnh của phụ huynh, thu học phí, các khoản tiền khác cho nhà trường, kiêm nhiệm luôn việc dạy hoạt động ngoài giờ và hướng nghiệp”. 

Chính vì vậy, nhiều thầy, cô giáo bây giờ không mấy mặn mà, hứng thú với việc nhà trường phân công làm chủ nhiệm. 

Có giáo viên còn tổ chức ăn mừng khi không có tên trong danh sách giáo viên chủ nhiệm. Có người thì tìm mọi cách năn nỉ, trình bày đủ lý do với Ban Giám hiệu để mong thoát nhiệm vụ. 

Vào đầu năm học, nhiều nhà trường thường gặp khó về chuyện sắp xếp, phân công giáo viên chủ nhiệm ở các khối, lớp.

Người có năng lực, biết cách chủ nhiệm, cảm hóa tốt học sinh chưa ngoan thì né tránh, thoái thác. Người năng lực hạn chế, chủ nhiệm lớp nào hỏng lớp đó thì nhà trường lại lo lắng, không dám giao phó, nhất là những lớp đặc biệt. 

2. Công tác giám thị

Trước diễn biến phức tạp trong tình hình đạo đức của học sinh, nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay vẫn duy trì hoạt động của đội cờ đỏ, tổ giám thị do các thầy cô giáo đảm nhiệm.

Hàng tháng, Nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ trích một ít kinh phí để hỗ trợ, bồi dưỡng thêm cho các thầy cô giáo. Nhưng, để tìm được những người phù hợp, làm tốt công việc đặc thù ấy không phải dễ. Nhắm đến người nào, người đó từ chối đây đẩy. 

Thầy Lê Huyền Chung, Phó ban giám thị, Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) cho biết lý do:

“Sở dĩ, nhiều giáo viên thường né tránh nhiệm vụ này bởi nó nặng nhọc, phức tạp, thường xuyên phải theo dõi, nắm bắt, chấn chỉnh và xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến hành vi, đạo đức học sinh. 

Giáo viên hay chê những công việc gì ở trường? ảnh 2

Tại sao giáo viên sợ làm chủ nhiệm?

Gặp em cá biệt, lì lợm, giỏi quanh co, lý sự, các thầy giám thị phải tốn nhiều công sức, thời gian để thuyết phục, khuyên bảo…. 

Nếu lãnh đạo nhà trường không thấu hiểu công việc của giám thị thì khó có sự cộng hưởng, đồng thuận và giữ họ làm nhiều năm”. 

3. Công việc của tổ chức Công đoàn cơ sở

Theo thông tư 08 ban hành mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các chức danh Phó chủ tịch, Chủ tịch công đoàn cấp cơ sở ở lĩnh vực giáo dục được giảm số tiết dạy từ 2 đến 4 tiết/ tuần và hưởng phụ cấp kiêm nhiệm không tính vào bảo hiểm từ 0,15 đến 0,2. 

Chức năng chính của tổ chức công đoàn là vận động, tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, công đoàn viên. 

Lâu nay, phần lớn cán bộ, giáo viên luôn coi các chức danh trên  chỉ là bù nhìn, bầu ra để cho đủ thành phần, ban bệ trong nhà trường, chứ chẳng có quyền lực, vai vế gì, lại tốn công sức, thời gian họp hành, đi thăm công đoàn viên ốm đau…

Vì những nhìn nhận, định kiến như vậy nên nhiều giáo viên rất sợ anh, chị, em, đồng nghiệp bỏ phiếu cho mình; còn nếu trúng cử thì thường làm việc trong tâm trạng bất đắc dĩ, được chăng hay chớ.

4. Công việc thư ký hội đồng và trưởng ban văn thể

Hai chức danh này được giảm tiết dạy trên lớp từ 2 đến 3 tiết/ tuần. Thư ký hội đồng vất vả, mòn mỏi với việc ghi chép biên bản, soạn thảo các loại văn bản cho nhà trường. Một chức danh trong nhà trường mà chẳng mấy ai ham hố, yêu thích, thường hay bị đá qua đá lại. 

Trưởng ban văn thể phụ trách, quản lý về công tác phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao của nhà trường thì cũng phải bầm dập, mệt mỏi với các hội thi, cuộc thi văn nghệ, thể dục do các cấp trên phát động.  

Công việc, chức danh này đòi hỏi phải có chút ít khả năng, năng khiếu về ca hát thì mới làm được. Thầy, cô giáo đảm nhận chức danh này chủ yếu xuất phát từ những người có “máu” phong trào, “máu” văn nghệ…

Có cô giáo đành phải xin nghỉ giữa chừng vì chồng không thông cảm với hoàn cảnh công việc, có thời điểm đi tối ngày, lo tập luyện đội múa, đội hát...của trường. 

Thầy cô giáo nào cũng đều mong muốn chọn những việc nhẹ nhàng hoặc thuần túy chuyên môn, còn những công việc khác không thể thiếu trong “bộ máy” của trường học, thì họ thay nhau né tránh, đẩy đưa hay làm rất qua loa, hình thức…

Tự hỏi, trước những bộ phận giáo viên như vậy thì tổ chức bộ máy của nhà trường sẽ đi về đâu?   

SÔNG TRÀ