Lùi công bố chương trình môn học mới có phải dấu hiệu bảo hộ độc quyền?

28/12/2017 07:25
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Phải chăng việc lùi công bố chương trình môn học còn là một kiểu ưu ái riêng cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 1, 2 doanh nghiệp tư nhân sân sau của ai đó?

LTS: Sau việc trì hoãn công bố chương trình các môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khiến dư luận, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục có nhiều điều băn khoăn và nghi ngại.

Là một nhà giáo tâm huyết, tận tâm với nghề, tác giả Nguyễn Nguyên đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam những quan điểm, chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào ngày 27/7/2017 thì ngày 18/9/2017, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ với báo chí:

Chương trình các môn học sẽ được công bố vào khoảng nửa đầu tháng 10 tới để lấy ý kiến xã hội.

Thế nhưng, bây giờ đã chuẩn bị hết tháng 12 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại thông tin, phải sang tháng 3/2018 mới có chương trình môn học mới.

Phải chăng, việc Quốc hội cho phép lùi thời gian áp dụng sách giáo khoa mới khiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ban phát triển chương trình, sách giáo khoa mới có thời nghiên cứu kĩ hơn chăng?

Chậm thông qua chương trình môn học thì làm sao đảm bảo: “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (Ảnh minh họa: thanhtravietnam.vn).
Chậm thông qua chương trình môn học thì làm sao đảm bảo: “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (Ảnh minh họa: thanhtravietnam.vn).

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 (ngày 28/11 /2014) của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2018 - 2019: Lớp 1, lớp 6 và lớp 10; Năm học 2019 - 2020: Lớp 2, lớp 7 và lớp 11; Năm học 2020 - 2021: Lớp 3, lớp 8 và lớp 12; Năm học 2021 - 2022: Lớp 4 và lớp 9; Năm học 2022 - 2023: Lớp 5

Tuy nhiên, chiều ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.

Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2019 - 2020: Lớp 1; Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6; Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Lùi công bố chương trình môn học mới có phải dấu hiệu bảo hộ độc quyền? ảnh 2

Triển khai ngay sách giáo khoa mới từ 2018 sẽ khó yên tâm về chất lượng

Như vậy cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm so với Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014.

Ngay sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình của Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội.

Trong đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã có những tranh luận được dư luận đặc biệt quan tâm:

Từ năm 2015 cho đến nay. Theo nghị quyết của Chính phủ, từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2018, phải biên soạn xong 3 sách giáo khoa của lớp 1, lớp 6 và lớp 10.

Vậy 3 năm ấy, tôi xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta làm được bao nhiêu sản phẩm? Trong bao nhiêu sản phẩm ấy đã chi hết bao nhiêu tiền và đến nay còn bao nhiêu tiền?".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết trong Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt 778 tỉ đồng cho chương trình này. Trong khi đó tại dự thảo Tờ trình hôm nay lại nói 80 triệu USD, tương đương với 1.798 tỉ đồng.

"Vậy tóm lại là đổi mới sách giáo khoa lấy 778 tỉ đồng hay 1.798 tỉ đồng, đề nghị nói cho rõ".

Và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đi đến kiến nghị:

"Tôi đồng tình, lùi thực hiện cũng được nhưng đừng phát sinh thêm kinh phí. Hoặc có phát sinh thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được việc này.

Đây cũng là tư tưởng của Thủ tướng Chính phủ một đồng thuế của dân chúng ta cũng phải tiết kiệm. Chúng ta làm phải có hiệu quả".[1]

Trong những năm qua, điều mà giáo viên chúng tôi cũng như rất nhiều nhiều người quan tâm đó là sự chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho chương trình, sách giáo khoa mới tới đây.

Mọi chủ trương của Đảng đã có, kinh phí đã được thông qua nhưng lộ trình thực hiện thì luôn luôn thay đổi.

Đây là vấn đề mà giáo viên chúng tôi vô cùng quan tâm. Bởi thực tế, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình tổng thể thì vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn chưa đồng tình.

Vì vậy, việc chờ đợi lúc này là chương trình môn học sẽ được các nhà biên soạn như thế nào, khi nào thông qua là điều mà dư luận quan tâm nhiều nhất.

Ngày 06/10/2017, trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ tiếp tục đưa tin về chương trình các môn học như sau:

“Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa mới cho biết chương trình các môn học đang được tích cực chuẩn bị và dự kiến công bố vào cuối tháng 10”.

Lùi công bố chương trình môn học mới có phải dấu hiệu bảo hộ độc quyền? ảnh 3

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm

Thông tin còn dẫn lời của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:

"Trong suốt tháng 8 vừa qua, chúng tôi tổ chức 18 hội thảo để lấy ý kiến về các chương trình này.

Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến của một số chuyên gia, giáo viên, hội nghề nghiệp và tiếp tục hoàn thiện.

Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo để có thể công bố rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân” [2].

Thế nhưng, sau ý kiến của Tổng chủ biên thì dư luận chờ mãi, chờ mãi...đến hết cả tháng 12 vẫn chưa thấy Bộ công bố chương trình môn học?

Tại hội nghị Nâng cao năng lực cho giảng viên các trường sư phạm về Chương trình Giáo dục phổ thông mới vừa được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

“Để bảo đảm lộ trình đã đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục để làm căn cứ cho các tác giả viết sách giáo khoa vào tháng 3/2018.

 Năm học 2018-2019, Bộ sẽ tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa mới, tạo cơ sở để bắt đầu triển khai đại trà Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm 2019”.[3]

Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã có từ lâu. Lộ trình cho cấp tiểu học dù được Quốc hội thống nhất là lùi lại 1 năm nhưng bây giờ chương trình của môn học vẫn chưa có.

Năm 2017 đã hết, từ nay đến khi thực nghiệm chỉ còn có hơn 8 tháng trời và tính đến khi áp dụng chính thức cho lớp 1 vào năm học 2019-2020 chỉ có hơn 1 năm.

Vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục trì hoãn đến tháng 3/2018 mới thông qua chương trình môn học, rồi lấy ý kiến của dư luận thì làm sao các tổ chức ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tham gia để có thể cùng biên soạn sách giáo khoa như chủ trương của Đảng và Nhà nước?

Trong khi đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh thông tin về 4 doanh nghiệp tham gia viết sách giáo khoa đã tuyển người viết sách giáo khoa, thậm chí có doanh nghiệp đã viết xong và đang thực nghiệm 1 bộ sách giáo khoa mới.

Đáng lưu ý là trong 4 doanh nghiệp này, có 2 doanh nghiệp là thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1 doanh nghiệp tư nhân được cho là do ông Ngô Trần Ái - cựu lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập, 1 doanh nghiệp còn lại bao thầu phát hành sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại trong những năm qua.

Tuy nhiên cho đến nay dư luận không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến nào về sự tồn tại của các doanh nghiệp này và vai trò của họ trong việc biên soạn 4 bộ sách giáo khoa mới.

Đặc biệt là có hay không việc 4 doanh nghiệp này đã viết sách khi chưa có chương trình môn học, như một vài dấu hiệu họ tiết lộ ra ngoài.

Nay Bộ Giáo dục và Đào tạo lại hoãn công bố chương trình môn học mới tới gần 5 tháng mà không giải thích rõ lý do, càng khiến dư luận hoài nghi về một nhóm lợi ích nào đó đang chi phối việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa.

Dư luận không thể không đặt câu hỏi, khi chính các chuyên gia biên soạn chương trình sách giáo khoa hiện hành đã tiết lộ trên truyền thông, làm chương trình chỉ để hợp thức hóa cho việc giải ngân hàng trăm triệu đô la Mỹ đi vay về thay sách.

Có vẻ như việc Quốc hội cho phép giãn thời gian đã khiến cho những người biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới đã quên đi những lộ trình đã được thông tin và vạch ra trước đây.

Bởi, theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì thời gian công bố lấy ý kiến nhân dân là 2 tháng, sau đó ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện và đưa ra thẩm định và cuối cùng là trình Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo kí và ban hành.

Lùi công bố chương trình môn học mới có phải dấu hiệu bảo hộ độc quyền? ảnh 4

Làm nhanh, nóng vội với giáo dục thì không thể hiệu quả được!

Nhìn vào quy trình với một quãng thời gian phải mất mấy tháng như vậy thì chúng tôi thấy ban soạn thảo đã rất cẩn thận cho chương trình, sách giáo khoa mới.

Nhưng, rõ ràng Bộ giáo dục và Đào tạo đang tạo sự hoài nghi cho dư luận bởi các lí do sau:

Thứ nhất, vào tháng 3/2018, Bộ giáo dục và Đào tạo mới thông qua chương trình môn học và phải lấy ý kiến của nhân dân 2 tháng rồi thẩm định, sau đó mới trình Bộ trưởng kí và ban hành chương trình môn học.

Trong khi, theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ là năm học 2018-2019, Bộ sẽ tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa mới, tạo cơ sở để bắt đầu triển khai đại trà Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm 2019.

Vậy trong vòng chỉ có 5 tháng mà vừa lấy ý kiến nhân dân, vừa thẩm định, vừa viết sách giáo khoa liệu có kịp thời gian không?

Thứ hai, nếu có kịp tiến độ cho các bộ sách giáo khoa mới thì từ khi thông qua chương trình môn học đến khi thực nghiệm chương trình những nhà biên soạn sách giáo khoa mới sẽ bố trí thời gian nào để tập huấn cho giáo viên thực nghiệm?

Chúng tôi xin nhấn mạnh lại là tháng 3/2018 thông qua chương trình môn học và tháng 8 là thực nghiệm chương trình.

Thứ ba, trong quãng thời gian ít ỏi đó, làm sao có thể có một tổ chức nào có thể tham gia cùng viết sách giáo khoa để đảm bảo “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Bởi, thông thường thì phải có chương trình môn học thì các tổ chức ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có cơ sở để viết sách giáo khoa.

Phải chăng việc lùi công bố chương trình môn học còn là một kiểu ưu ái riêng cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 1, 2 doanh nghiệp tư nhân sân sau của ai đó?

Thứ tư, phải chăng sự trì hoãn việc thông qua môn học là chủ ý của Bộ và những người biên soạn chương trình, sách giáo khoa lần này vẫn là chủ trương độc quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sách giáo khoa phổ thông?

Rõ ràng việc trì hoãn công bố chương trình các môn học khiến dư luận có nhiều băn khoăn và nghi ngại.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/doi-moi-sach-giao-khoa-tieu-ton-778-ti-dong-hay-1798-ti-dong-20171102153334716.htm

[2]https://baochinhphu.vn/Giao-duc/Cong-bo-chuong-trinh-mon-hoc-moi-vao-cuoi-thang-10/318558.vgp&usg

[3]http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoan-thanh-chuong-trinh-cac-mon-hoc-vao-thang-3-1018-20171222161858819.htm

Nguyễn Nguyên