Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

23/04/2018 07:43
Xuân Dương
(GDVN) - Thời gian vừa qua, tất cả những gì là yếu kém, là bất cập, là phi đạo đức liên quan đến một số lượng nhỏ nhà giáo đều đổ lên ngành Giáo dục.

Chữ Nhẫn () trong tiếng Hán được ghép bởi hai chữ, phía trên là chữ Đao (刀) (Đao là một loại vũ khí) phía dưới là chữ Tâm (心) (nghĩa đen là trái tim).

Nỗi đau như đao xuyên vào tim mà chịu được thì mới gọi là Nhẫn.

Không những thế, chưa Tâm còn được ví như cái thúng, đựng tất cả những gì mà người đời tiện tay quẳng vào.

Nói thế vì những ngày qua, những tháng qua, những năm qua, tất cả những gì là yếu kém, là bất cập, là phi đạo đức liên quan đến một số lượng nhỏ nhà giáo đều đổ lên ngành Giáo dục.

Hễ có thày cô giáo phạm lỗi thì truyền thông và cả xã hội tha hồ mắng mỏ, tha hồ lên án mà không sợ động chạm đến vùng “nhạy cảm”.

Sao ai cũng đổ lỗi cho giáo dục? Ảnh minh hoạ: YouTube
Sao ai cũng đổ lỗi cho giáo dục? Ảnh minh hoạ: YouTube

Đối với một số ngành khác, trong khi hình ảnh chụp rõ ràng những đồng tiền 100, 200 nghìn đồng thì người ta chỉ nói “vật nghi là tiền” hay động tác “này nọ” với dân chỉ đơn giản là “vung tay chạm má”!

Trần nhà sụp xuống đầu học sinh - lỗi của giáo dục; Phòng học nhìn thấy trời - lỗi của giáo dục; Thày, cô đánh học trò - lỗi của giáo dục;

Phụ huynh hành hung nhà giáo - phải xem lại giáo dục; Trò hỗn với thày, cô giáo - phải xem xét cả thày cô lẫn học trò; …

Trong một chương trình truyền hình, phát thanh viên viện dẫn điều 1, 12 Hiến chương các nhà giáo và kết luận:

Nếu như các thày cô của chúng ta chỉ cần thấm nhuần tinh thần cũng như thực hiện đúng hai điều này, chắc chắn chúng ta không phải nghe những câu chuyện như là thày cô đánh học sinh, cô bắt học sinh quỳ, cô giáo không nói suốt ba tháng trời hay là gần đây nhất là cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, …”. [1]

Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục ảnh 2Nghề giáo bây giờ là một nghề...của những người kiên cường và dũng cảm

Giáo dục là sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, thiếu một trong ba yếu tố không một nền giáo dục nào có thể thành công.

Vậy vì sao chương trình truyền hình nêu trên chỉ xoáy và nhà giáo mà “quên” vai trò của gia đình và xã hội?

Sự bức xúc nảy sinh từ quan hệ chồng chéo giữa ba nhóm đối tượng: nhà giáo - phụ huynh - học sinh và sự xuống cấp đạo đức, văn hóa của cả xã hội, nếu không có những bức xúc dồn nén liệu có chuyện vô cớ thày tát học trò, trò cầm dao đâm thày, phụ huynh vào tận trường đánh thày cô giáo.

Vì thế dồn hết lỗi vào một nhóm đối tượng nào cũng là không đúng đạo lý.

Khi cả xã hội tập trung phê phán thày cô, tước đi quyền được nghiêm khắc của thày cô đối với học trò thì cũng là lúc nền giáo dục chính thức giương cờ trắng đầu hàng.

Lỗi đầu tiên thuộc về “Quốc sách” vì đã tạo ra một nền giáo dục “thày chưa ra thày, trò chưa ra trò, trường không ra trường”.

Nói đến “Bệnh thành tích” người ta nghĩ ngay đến ngành Giáo dục chứ không phải các ngành Giao thông, Môi trường, Y tế, Hải quan hay bất kỳ ngành nào khác, tại sao vậy?

Chỉ một hai năm “nói không với bệnh thành tích” là cả xã hội nháo nhác, là không thể hiện được sự ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà theo đó học sinh phải tốt nghiệp 99%?

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)

Chín năm trước đã có một đánh giá về nguyên nhân yếu kém của giáo dục - đào tạo như sau:

Mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới;

Chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng miền, quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng;

Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa.

Chính công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác”. [2]

Theo đó, nguyên nhân yếu kém của giáo dục là do chính “công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém”, vậy bộ phận nào chịu trách nhiệm “quản lý giáo dục”?

Trả lời câu hỏi này cần đi tìm căn nguyên ở cơ chế chứ không phải từ sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Phân tích kỹ một chút thì về tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản 4,8% trong tổng 20% ngân sách chi cho giáo dục.

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (2)

Công tác tổ chức cán bộ (tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, tăng lương,…), chế độ, chính sách đối với nhà giáo (dưới bậc đại học) không do ngành Giáo dục mà là Nội vụ quyết.

Nói một cách chính xác, công tác quản lý giáo dục không phải chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm mà còn các bộ, ngành, chính quyền địa phương,…

Những điều này người viết đã phân tích trong loạt bài “Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ”. [3], [4]

Xét ở tầm vĩ mô, khi Hiến pháp quy định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì sự yếu kém của giáo dục phải quy trách nhiệm cho “Quốc sách” chứ không phải chỉ ngành Giáo dục.

Ngành Giáo dục mà cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là cơ cấu chấp hành, thực hiện mọi nhiệm vụ mà “Quốc sách” giao phó.

Đương nhiên phải thừa nhận sự yếu kém trong công tác quản lý giáo dục có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có trách nhiệm của những người đứng đầu bộ này nhưng không thể vô tâm đến mức quy kết mọi khuyết điểm cho riêng ngành Giáo dục và Đào tạo.

Không ít ý kiến của truyền thông và quan chức đều thống nhất, rằng nhân tố chi phối sự yếu kém của giáo dục là chất lượng nhà giáo nên cần phải nói rõ đôi chút về chuyện này.

Cần phải thừa nhận thực tế là tồn tại một bộ phận không nhỏ nhà giáo yếu về kiến thức, một số không nhiều kém cả kiến thức lẫn đạo đức, vậy có phải lỗi chỉ thuộc ngành Giáo dục?

Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục ảnh 3Ai rải đinh trên con đường giáo dục?

Trước hết xét về công tác đào tạo nhà giáo, do chưa tìm được số liệu mới nhất, xin lấy số liệu thống kê kèm theo Công văn số 1279/BGDĐT-KHTC ban hành ngày 17/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong số 188 trường cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý ba trường Cao đẳng Sư phạm (Trung ương, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nếu tính riêng khối trường Cao đẳng Sư phạm, cả nước có 36 trường, các địa phương quản lý 33 trường, tỷ lệ quản lý khối trường này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 8,3%.

Khối trường cao đẳng Sư phạm địa phương chỉ có mối liên hệ duy nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo là khung chương trình đào tạo.

Trong số 149 trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 37 trường, riêng khối đại học Sư phạm có 14 trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 11 trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý 03 trường.

Như vậy có thể thấy, khối giáo viên mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gần như do các địa phương đào tạo.

Khối giáo viên trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo đào tạo là chính.

Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục ảnh 4Chúng ta đang đối xử với nhà giáo theo kiểu tư duy vừa tiểu nông vừa địa chủ 

Theo Tờ gấp giáo dục - đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, năm 2017 số giáo viên các bậc học như sau:

Mầm non - 316.616 người; Mẫu giáo - 210.312 người; Tiểu học - 397.098 người; Trung học cơ sở - 310.953 người; Trung học phổ thông - 150.721 người. [5]

Tổng giáo viên bốn cấp là 1.385.700 người, số giáo viên trung học phổ thông (150.721 người) chiếm gần 11%.

Do một số Đại học Sư phạm cũng có khoa Tiểu học nên số nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm đào tạo tạm tính vào khoảng 15%.

Khoảng 85% nhà giáo được đào tạo bởi các trường sư phạm địa phương và 3 trường đại học sư phạm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ quản.

Việc tuyển chọn giáo viên tại địa phương, trong đó có giảng viên các trường sư phạm đều do ngành Nội vụ thực hiện.

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm như thế nào về chất lượng đội ngũ nhà giáo được đào tạo tại các trường mà bộ không “chủ quản”?

Lương giáo viên sẽ cao hơn lương sĩ quan công an, quân đội?

Ngoài việc công bố khung chương trình chuẩn cho các môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể can thiệp vào công tác nhân sự ngành Giáo dục địa phương, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo tại các trường sư phạm mà địa phương quản lý?

Trường hợp muốn kiểm tra chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thế nào kiểm tra toàn bộ 50 trường cao đẳng, đại học sư phạm nếu chỉ dựa vào Thanh tra Bộ mà thiếu đi sự kiểm tra thường xuyên của chính quyền cơ sở?

Có thể thấy rõ là ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo đã chịu đựng đủ điều, giống như “cái thúng” trong chữ “Nhẫn”, vấn đề là tại sao “Quốc sách” lại cứ để một mình ngành này phải gánh chịu?

Có triều đại, kẻ bạo chúa chuyên quyền “đốt sách, chôn nho” nhưng điều đó diễn ra đã hàng nghìn năm trước.

Hầu hết các quốc gia đều tôn vinh hai người thày, Thày giáo và Thày thuốc, khi mà cả hai người Thày này bị “đánh hội đồng” thì xã hội còn gì?

Muốn Thày thuốc không nhận phong bì của bệnh nhân thì đừng để tiền bồi dưỡng một ca mổ chỉ tương đương vá một chiếc săm xe máy.

Muốn Thày giáo giữ được sự thanh cao, không phải nổi giận đến mức không làm chủ được bản thân thì đừng tìm họ ở nơi “chuột chạy cùng sào”.

Rủi đã trót làm rồi, để bảo vệ nhân phẩm cho thày thì đừng xem họ như “cái thúng” để ném vào đó sự giận dữ, càng không thể ném vào đó sự yếu kém để chứng tỏ sự vô can.

Nếu chỉ biết lên án cho “sướng mồm”, đó không phải là hành xử của người có trái tim, nếu chỉ biết đổ lỗi, đó không phải là hành xử của người có trí tuệ.

Để kết thúc, người viết xin nêu tít một bài viết đã đăng trên chuyên mục TuanVietnam báo điện tử Vietnamnet.vn từ năm 2012:  “Xin đừng làm tổn thương nhà giáo”. [6]

Tài liệu tham khảo:

[1] http://quochoitv.vn/Videos/cau-chuyen-hom-nay/2018/4/nhung-hoc-sinh-dung-cam-chung-ta-dang-co-lap-hay-bao-ve-ho-/212120

[2] https://tuoitre.vn/quan-ly-giao-duc-yeu-kem-la-nguyen-nhan-cua-nhieu-yeu-kem-khac-312549.htm

[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-da-den-luc-phai-noi-cho-ra-nhe-1-post185064.gd

[4] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-da-den-luc-phai-noi-cho-ra-nhe-2-post185068.gd

[5]https://www.moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/5138/To%20gap%20Giao%20duc%20-VN-2017%20(noi%20dung).pdf

[6] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/xin-dung-lam-ton-thuong-nha-giao-95467.html

Xuân Dương