Chưa bao giờ ngành giáo dục có nhiều “học sinh giỏi” như bây giờ

13/05/2019 06:14
THANH AN
(GDVN) - Những môn học mà trường ra đề thì có những môn giáo viên giải trước đề cho học trò, có người còn “cẩn thận” làm đáp án sẵn để học sinh về nhà học trước.

Mỗi lần kiểm tra học kỳ trôi qua, chúng tôi luôn chứng kiến hai tư tưởng rất khác biệt của giáo viên trong trường. Một số giáo viên rất nghiêm khắc trong gác kiểm tra và chấm bài cẩn thận từng chi tiết nhỏ nhất.

Một số giáo viên thì gác kiểm tra cực dễ, thậm chí là bỏ phòng ra ngoài hành lang đứng nói chuyện phiếm với nhau. Khi chấm bài thì rất qua loa, đại khái, hào phóng cho điểm. Một số giáo viên còn đưa hẳn đáp án nội dung bài kiểm tra trước khi kiểm tra cho học trò.

Chính vì thế, tỉ lệ học sinh giỏi, khá ngày một cao nhưng nhiều học sinh lơ mơ chẳng nắm được những kiến thức cơ bản mà mình đã vừa được thầy cô dạy xong.

Tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày một cao hơn nhưng nhiều khi không phải là thực học của các em (Ảnh minh họa: vov.vn)

Tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày một cao hơn nhưng nhiều khi không phải là thực học của các em (Ảnh minh họa: vov.vn)

Về hình thức, việc gác kiểm tra học kỳ ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay luôn được các Ban giám hiệu nhà trường phân công 2 giám thị/ phòng.

Ngoài ra, mỗi khu vực còn có một giám thị hành lang nữa nhưng xem chừng việc gác kiểm tra không phải phòng nào cũng được các giám thị chú trọng làm đúng chức trách của mình.

Nhiều giám thị bước vào phòng là học sinh vỗ tay ầm ầm và cười rạng rỡ nhưng có những giám thị bước vào là học sinh im thin thít chẳng nói chẳng rằng. Thỉnh thoảng có tiếng học trò nho nhỏ vang lên: “thôi xong”.

Vì thế, khi phát đề cho học trò xong, nếu phòng đó mà có giám thị làm đúng chức năng của mình thì học sinh không dám trao đổi và đến khi hết giờ làm bài vẫn còn nhiều học sinh cắm cúi làm bài.

Phòng mà giám thị dễ dãi thì các em học sinh chỉ làm 2/3 thời gian, thậm chí chỉ một nửa thời gian là cả lớp đã gấp bài kiểm tra lại và ngồi trò chuyện nho nhỏ với nhau.

Biểu thị sự dễ dãi trong gác kiểm tra là khi phát đề xong, 2 giám thị tụm lại trò chuyện với nhau, hoặc có một người bước ra hành lang để nói chuyện với giám thị hành lang mà quên đi nhiệm vụ của mình được phân công là làm giám thị 1 hoặc giám thị 2.

Chưa bao giờ ngành giáo dục có nhiều “học sinh giỏi” như bây giờ ảnh 2Vẫn nhức nhối nạn nâng, sửa điểm cho học sinh

Chính vì thế mà những thầy cô làm đúng nhiệm vụ của mình thì học trò thường không thích khi thấy giáo viên bước vào phòng.

Nhưng, những thầy cô làm việc hời hợt, làm giám thị mà học trò xem như không có ai trong lớp bởi các em cứ vô tư thảo luận, nhìn bài của nhau thì trò lại quý mến vô cùng.

Ngoài chuyện gác kiểm tra thì chuyện ôn tập và chấm bài của một số giáo viên hiện nay cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn.

Những môn học mà trường ra đề thì có môn giáo viên giải trước đề cho học trò, có người còn “cẩn thận” làm đáp án sẵn để học sinh về nhà học trước. Họ luôn viện lý do là học sinh không chịu học bài nên giáo viên phải "ôn" cận thận.

Trong một giờ kiểm tra học kỳ II vừa qua, chúng tôi phát hiện một học sinh sử dụng tài liệu để chép vào bài kiểm tra của mình nên tiến hành thu giữ tài liệu của học trò này.

Nhìn thấy mấy câu trắc nghiệm nằm trong tài liệu của học trò lại là những câu trắc nghiệm đang được kiểm tra học kỳ. Trong tập tài liệu này có 4 câu tự luận đã được trình bày rõ nội dung thì trong đề có 2 câu khiến chúng tôi…giật mình.

Như vậy, tờ giấy tài liệu mà học trò đang sử dụng chỉ khác là dư 2 câu tự luận còn lại thì giống đề kiểm tra. Chúng tôi hỏi các em lấy tờ giấy này ở đâu thì được trả lời là cô giáo dạy môn học đó photo đưa cho từng lớp và cô thu tiền tài liệu này.

Nói thật, đây là một việc làm rất đáng trách của người giáo viên. Bởi, nó vừa tạo cho học sinh sự gian dối, không cần học bài nhiều mà vẫn được điểm cao. Điều đáng lên án nữa là giáo viên lại xem thời điểm kiểm tra học kỳ là lúc để “kinh doanh” cho riêng mình.

Môn chúng tôi dạy, có nhiều giáo viên dạy cùng khối nên khi chấm bài thì chấm tập trung. Trong số những bài chấm của mình, chúng tôi thấy có rất nhiều bài giống nhau đến từng câu, từng chữ.

Chấm được gần hết một xấp bài thì thấy một tờ tài liệu của học trò kẹp trong giữa bài kiểm tra. Thì ra, em học sinh này khi nộp bài đã vô tình kẹp luôn tờ tài liệu để nộp cho giám thị.

Chưa bao giờ ngành giáo dục có nhiều “học sinh giỏi” như bây giờ ảnh 3Vì sao các thầy cô biết học sinh yếu vẫn phải "đôn" các em lên lớp?

Chúng tôi cầm cả xấp bài giống nhau và tờ tài liệu đưa cho giáo viên dạy lớp đó và “vờ” hỏi những trường hợp này thì nên cho điểm thế nào?

Giáo viên này nói một câu tỉnh bơ: sử dụng tài liệu nhưng học trò làm hay làm đúng thì cứ cho điểm cao bình thường!

Chính vì giáo viên xem chuyện học sinh gian lận hoặc chính giáo viên tạo sự gian lận cho học trò nên đã dẫn đến những thật giả lẫn lộn trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong trường.

Bởi vì thầy cô lo thành tích của lớp mình dạy, môn mình dạy nên luôn tìm cách để học trò được điểm cao đang khiến cho chất lượng giáo dục bây giờ chủ yếu là học sinh đạt loại khá và giỏi ở cuối năm.

Mỗi lớp, tỉ lệ học sinh khá- giỏi chiếm tới hơn 2/3 lớp học, có những môn mà tỉ lệ trung bình chưa đến 3%, còn lại khá - giỏi hết!

Ngay cả với môn Ngữ văn- môn học đòi hỏi rất nhiều sự khắt khe trong chấm bài nhưng khi thống kê điểm trung bình cuối năm thì có lớp đến gần một nửa xếp loại giỏi!

Thực tế ở các nhà trường phổ thông bây giờ có những giáo viên dạy chưa tốt, có ít trách nhiệm với môn mình dạy, với nhà trường thì điểm tổng kết năm cho học sinh lại càng cao.

Bởi, mỗi môn học có nhiều cột điểm thường xuyên, định kỳ khác nhau nên giáo viên luôn ra đề thật dễ hoặc “ôn” thật kỹ trước khi cho học trò kiểm tra. Ở chiều ngược lại, những giáo viên cứng tay nghề, có trách nhiệm thì chất lượng luôn lẹt đẹt nằm ở dưới.

Tất nhiên, những người có tỉ lệ chất lượng giảng dạy cao thì được ưu tiên trong việc xét thi đua, đánh giá chuẩn nghề nghiệp, đánh giá viên chức cuối năm ở mức cao hơn. 

Và, bây giờ học sinh cũng thích học với những thầy cô mà giảng dạy hời hợt, kiểm tra qua loa nhưng điểm thì luôn cao ngất ngưởng.

Chất lượng giáo dục cũng vì thế mà luôn được đẩy lên cao, cao mãi. Nhưng, chất lượng thật của phần lớn học trò bây giờ ra sao thì chỉ có giáo viên mới là người rõ hơn tất cả.

THANH AN